Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

ĐẰNG SAU SỰ THỊNH ĐẠT CỦA THƯƠNG ĐIẾM HÀ LAN Ở PHỐ HIẾN


                                                                          Nguyễn Văn Chiến
Những nhà buôn người Hà Lan đã mang một sức sống mới ngay khi đặt chân lên đây, biến Phố Hiến từ một cảng sông nhỏ bé trở thành một thương cảng phồn thịnh bậc nhất Việt Nam thời bấy giờ. Vị thế của cảng sông này như càng được khẳng định khi trong dân gian lan truyền câu:"Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến".
Phố Hiến được coi là một dấu son chói lọi của các thương nhân Hà Lan ở châu Á. Sự thịnh đạt của thương điếm Hà Lan trong suốt quá trình tồn tại khiến nhiều nhà nghiên cứu ngỡ rằng giang cảng Phố Hiến do chính người Hà Lan tạo dựng nên. Nói vậy kể cũng không sai và không phải là không có lý do, bởi trước đó chưa bao giờ Phố Hiến có được sức sống mạnh mẽ như vậy, dù rằng địa danh này đã xuất hiện khá lâu, có thể từ thế kỷ XV (năm 1471) khi vua Lê Thánh Tông đặt ra 12 thừa tuyên.
Nhiều học giả đã đặt câu hỏi, những điều kiện nào giúp các thương nhân Hà Lan thành đạt ở Phố Hiến như vậy? Phải chăng hãng Đông Ấn Hà Lan gặp thời, hay họ có điều gì khác biệt với những hãng Đông Ấn khác. Khảo cứu những nguồn sử liệu có đề cập đến nền ngoại thương Hà Lan, cho phéptìm ra những khác biệt sau:
- Hãng Đông Ấn Hà Lan đến Phố Hiến lập thương điếm sớm nhất (khoảng tháng 3 năm 1637), trong khi hãng Đông Ấn Anh mãi đến năm 1672 mới có mặt ở đây, còn hãng Đông Ấn Pháp tới muộn hơn nhiều (năm 1861).
- Thương điếm Hà Lan hoạt động có hiệu quả nhất, tồn tại suốt 63 năm (1637 -1700), trong khi thương điếm Anh chỉ 25 năm (1672 -1697), còn thương điếm Pháp chỉ vẻn vẹn có 5 năm (1681 - 1686).
Phải chăng nhờ có thương điếm đầu tiên nên thương nhân người Hà Lan làm ăn ở Phố Hiến phát đạt đến như vậy, hay do người Hà Lan am hiểu thị trường nước ta hồi ấy hơn người nước khác. Trên thực tế thì trước người Hà Lan khá lâu, người Bồ Đào Nha và người Nhật Bản đã có mặt và tổ chức các hoạt động buôn bán ở đây: "Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XVI các thương nhân Bồ Đào Nha đã chú ý đến Phố Hiến nhưng mãi đến tháng 3 năm 1637 chiếc thuyền Groll của Hà Lan mới đến Đàng Ngoài. Thuyền trưởng HartSink không xin mở được thương điếm ở Thăng Long nên đành xuôi xuống Phố Khách lập thương điếmcho hãng Đông Ấn Hà Lan và thương điếm nhanh chóng làm ăn thịnh vượng" (G.Dumoutier, 1985). Sự thịnh đạt ấy đến ngay cả người Bồ Đào Nha và Nhật Bản cũng không lý giải nổi, "dù họ chỉ bán hàng và mua vào chủ yếu là tơ lụa để chở đi" (GS Trương Hữu Quýnh).
Hẳn người Hà Lan phải có một ưu thế đặc biệt khi họ đến nơi đây. Điều đặc biệt ấy không xa lạ, mà nó nằm ngay trong chính sách ngoại giao của viên thuyền trưởng Carel HartSink, người đầu tiên đặt nền móng cho thương điếm Hà Lan ở Phố Hiến. Chính sách của viên thuyền trưởng này có thể khái quát qua những đánh giá: "HartSink đã sử dụng biện pháp sở trường của người Hà Lan ở phương Đông là tìm mọi cách làm quen với nhà chức trách để gây thiện cảm và biếu họ những món quà rất hậu, đặc biệt HartSink đã đủ khéo léo để được nhà vua nhận làm con nuôi" (G.Dumoutier, 1895).
Ngoài ra, người Hà Lan cũng rất tinh ý trong việc phân tích tình hình chính trị ở Việt Nam khi đó. HartSink thừa thông minh để hiểu được tầm quan trọng của chúa Trịnh. Ngay việc làm quen với chúa Trịnh cũng được HartSink coi trọng. Chẳng thế mà trong bức thư ngày 24/7/1641, Trịnh Tráng gửi cho viên toàn quyền Hà Lan ở Đài Loan có nói: "Tôi thấy ông ta (HartSink) tâm địa ngay thẳng và tôi coi trọng ông ta như bàn tay phải của tôi", và Trịnh Tráng đã cho phép người Hà Lan tự do buôn bán ở Đàng Ngoài và lập thương điếm. Vì thuận lợi như thế nên chỉ tính riêng trong một chuyến đi "HartSink đã mang về 200.000 Guldens". Trong khi đó chỉ cần 6.000 Guldens là có thể tham dự vào Ban lãnh đạo hãng Đông Ấn Hà Lan (W.Z.Mulder; Holladers in Hirado).
Có thể thấy chính sách của người Hà Lan ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đã tỏ ra rất hiệu quả và mang lại cho họ nhiều thuận lợi trong việc giành giật thị trường. Chính sách đó rất phù hợp với tình hình xã hội lúc bấy giờ. Trong khi ấy những thương nhân Anh lại luôn than phiền về việc phải biếu quà cáp cho các nhà chức trách địa phương: "Tục lệ xứ này là không đến viếng tay không" hoặc "Tay không thì giàu nghèo gì đi nữa cũng chẳng đến được bất kỳ bậc quan trên nào". Người Anh còn ghi lại tỉ mỉ những lần họ phải đến quà cáp những nhà chức trách địa phương với lời lẽ không mấy thiện cảm: "Ngày 18/8/1672 viên quan trấn thủ ở Phố Hiến được biếu một con khỉ mà ông ta đã từng ngỏ lời khi biết chúng tôi đã mua được của một thủy thủ".
Và có lẽ người Anh chỉ kịp tỉnh ngộ khi người Hà Lan làm ăn ngày một thịnh vượng ở đây. Họ đã hiểu phần nào phương pháp ngoại giao của HartSink: "Người Anh nhận ra rằng biện pháp tốt hơn nhiều là mang theo một danh mục thủ tục những quà tặng cho nhà cầm quyền với những đồng Reals bạc tám. Điều đó giúp họ dễ dàng hơn để ngăn ngừa những hành động cướp bóc của giới quan liêu" (TS Anthoyny Farrington).
Tuy nhiên, "biết biếu quà hậu hĩnh" chưa đủ cho người Hà Lan “oanh tạc” trên thương cảng Phố Hiến khi ấy. Người Hà Lan còn sử dụng triệt để con bài chính trị bằng cách gả con gái của viên Toàn quyền Hà Lan ở Đài Loan cho vua Lê. Tất cả những thị trường béo bở của người Bồ Đào Nha ở đây lần lượt rơi vào tay họ, bởi người Hà Lan "có bà OurouSan, một cung phi được vua Lê Thần Tông sủng ái" (M.G Dumoutier, 1985). Người Hà Lan dần dần chiếm những vị trí quan trọng của các thương nhân nước khác trên thương cảng Phố Hiến. Sau thành công ở Phố Hiến, mong ước ban đầu của người Hà Lan được toại nguyện khi chúa Trịnh cho phép họ lập thương điếm tại Thăng Long và tự do buôn bán ở đó.
Đặc biệt, vào những năm cuối thế kỷ XVII người Bồ Đào Nha, Pháp chú ý nhiều hơn đến việc truyền đạo, đã gieo rắc nghi kỵ trong triều đình. "Sự trục xuất vị giám mục vào năm 1696 đã đánh dấu cho thời kỳ bài người phương Tây một cách triệt để, kể cả thương nhân" (Nguyễn Quang Ngọc). Vì thế các hãng Đông Ấn khác lần lượt sập tiệm, còn những thương nhân Hà Lan và thương điếm của họ vẫn đàng hoàng tồn tại và phát triển trong suốt những năm tiếp theo.
Có thể nói, sau 63 năm hoạt động ở Phố Hiến, áp dụng những sách lược kinh doanh kết hợp cùng việc quan hệ với các quan hành tại, người Hà Lan đã góp phần đáng kể vào việc biến một khu chợ thành một đô thị chỉ đứng sau Kinh kỳ. Điều quan trọng hơn là người Hà Lan đã tản đi khắp các thị thành, xóm thôn mua hàng, đặt hàng tạo nên một thương trường sôi động. Nhiều học giả cho rằng thương điếm Hà Lan ở Phố Hiến đã tạo nên "một cuộc cách mạng thương nghiệp thế kỷ XVII ở nước ta".
http://dddn.com.vn/3925cat70/thuong-diem-ha-lan-o-pho-hien.htm