Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

MỘT VÀI CÁCH LÀM VÀ MUA BÁN ĐỒ SỨ GIẢ CỔ


MỘT VÀI CÁCH LÀM VÀ MUA BÁN ĐỒ SỨ GIẢ CỔ

                                            Nguyễn Văn Chiến

Không ồn ào như một số trò tiêu khiển khác, thú chơi cổ ngoạn từ lâu đã như một mạch nước ngầm trong dòng chảy văn hóa của dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của con người. Tuy mỗi người có một lý do riêng để chơi nhưng nói chung đây là một thú chơi đòi hỏi rất nhiều công sức, tốn kém. Chính vì vậy, khi đã theo đuổi thú chơi này nhiều người bỗng say mê đến lạ kì. Không ít người chơi cổ ngoạn tìm được đồ quý liền bỏ công sức để tìm thầy, tìm thợ lý giải cho mình hiểu về dòng đồ mình đang có, hay những chữ nghĩa cùng hiệu đề trên đồ này. Đôi khi vì đam mê nên cũng không ít người khi mới bắt đầu chơi cổ ngoạn đã phải trả “học phí” rất cao cho những đồ mình “cầm không chắc” mà vẫn cứ “rơi tiền”, âu cũng là thói thường khi “Vạn sự khởi đầu nan”. Nhưng để cho sự trả giá không “đắng chát lưỡi”, khi ta đổ cả “đống tiền” ra để vác về một đồ mới, đồ “đểu” thì người chơi cổ ngoạn cần có sự va đập nhiều. Từ rất lâu rồi, vì lợi nhuận nên đã không ít những kẻ trục lợi tìm cách chế ra đồ giả cổ nhằm lừa gạt những người mới bắt đầu vào nghề, thậm chí lừa gạt cả những người có vốn nghề kha khá. Bởi có những đồ làm giả tinh xảo đến mức mà người chơi lâu ngày, có chút kinh nghiệm cũng bị “vả” những quả đồ copy chí mạng đến độ chỉ biết cầm đồ “đểu” mà chửi “thằng đểu” lừa mình.
Sau nhiều năm theo những bậc tiền bối, được sự chỉ giáo từ những cây đa, cây đề trong giới cổ ngoạn. Tôi cũng tích cóp được đôi chút kiến thức hạn hẹp chẳng biết có đáng kể chi không, nay chắp bút viết ra mong sẽ giúp được phần nào những người đồng thú khi mới bắt tay vào chơi đồ cổ có chút vũ khí chống lại những kẻ trục lợi thiếu lương tâm đem đồ mới đi lừa gạt người trong giới đam mê cổ vật chúng ta. Và cũng muốn nhận được sự chia sẻ, đóng góp ý kiến từ những bậc thức giả.
VỀ ĐỒ GỐM SỨ:
Có lẽ, đồ gốm sứ là dòng đồ từ lâu được nhiều người trong giới cổ ngoạn chú ý sưu tầm nhiều hơn hết thảy, bởi vẻ đẹp và độ bền của nó. Chính điều này đã làm cho việc xuất hiện nhiều đồ gốm sứ giả với số lượng lớn và với những mức độ lừa gạt tinh xảo đến thất kinh hồn vía cho những ai đã từng ăn phải “quả đắng” một lần. Mánh khoé của những kẻ làm giả đồ gốm sứ thường diễn ra theo các cung bậc như sau:
Đầu tiên có thể kể đến dòng đồ giả bị “nuốt men”: Dòng đồ bị “nuốt men” được những kẻ chế tác đồ giả cổ làm ra khá tinh xảo. Với kinh nghiệm trong quá trình tiếp xúc và nghiên cứu đồ thật, bọn chúng sẽ chế ra một dòng đồ đúng với kích thước, khuôn mẫu của đồ thật này. Sau khi hoàn thành và cho ra lò một mẻ “đồ giả”, chúng liền đặt đồ này lên một bàn xoay, cho bàn xoay chậm đều trên một trục cố định, còn phía đối diện chúng lại dùng một máy bắn cát cho cát bắn vào đồ giả nhằm làm mòn lớp men ngoài để đánh lừa kiểu “nuốt men” của thời gian với đồ đó. Đầu tiên bắn cát khắp thân đồ, sau đến bên trong đồ cuối cùng là đáy của đồ.
Với cách làm trên, những kẻ làm đồ giả cổ dễ lừa người chưa nhiều kinh nghiệm “va đồ”. Bởi tâm lý và cách xét đoán của người mới chơi đồ thường hay phiến diện, trong mắt họ khi nhìn đồ cứ bị “nuốt men” thì tin đó là đồ cổ. Nhưng kì thực, nhận xét đó chưa thật chuẩn, vì khi nhìn kĩ những dòng đồ giả này, vô hình chung cách bắn cát mà chúng sử dụng để “nuốt men” đã tự minh chứng đồ đó là “đồ lởm” rồi. Vì theo nguyên tắc của mòn thời gian thì cách “nuốt men” trên đồ cổ không bao giờ đều nhau như kiểu bắn cát. Nếu là đồ cổ thật thì chỗ bị “nuốt men” sẽ không đều nhau, men ở những chỗ dễ tiếp xúc bao giờ cũng bị nuốt nhiều, ví như men ở thân đồ; còn men ở những nơi ít tiếp xúc sẽ bị nuốt ít hơn ví như men ở trong và ở đáy đồ. Thậm chí, có những chỗ sâu nằm giao kề giữa những điểm cao của đồ thì men bị nuốt dù lâu ngày cũng gần như không bị tác động. Ngược lại, với cách bắn cát thì men bị nuốt sẽ mòn đều như nhau, kể cả những nơi khó tiếp xúc nhất cũng bị mòn, bị “nuốt men”. Vì thế, khi mua một đồ nào đó, dù to hay nhỏ bạn cũng nên quan sát thật kĩ bằng mắt thường và bằng những dụng cụ phụ trợ khác. Đừng để khi vác đồ về nhà rồi mới lại hối, khi đó e không còn kịp nữa.



Thứ hai có thể kể đến dòng đồ giả như đồ đào:
Những kẻ làm giả dòng đồ này rất tinh xảo, sau khi chế được một đồ giả theo nguyên mẫu đồ thật, bọn chúng sẽ đem đồ đến một nơi nào đó chôn xuống đất. Sau một thời gian, chúng sẽ đi thuê một đội cửu vạn. Đội cửu vạn này có thể là người mà chúng quen biết, có thể là người chúng không quen biết. Đội quân làm thuê sẽ được kẻ làm giả đồ thuê đến một khu đất rộng để đào bới, tiền công tính theo ngày khoảng 100.000 – 150.000/ngày. Với yêu cầu chúng đưa ra, đào được cái gì dưới đất thì chúng lấy, không đào được gì thì chúng cũng trả tiền. Sau khi thoả thuận đôi bên đi ra bãi đất đào, có thể vài ba hôm đầu bọn chúng sẽ chỉ nơi không chôn đồ, những người này vẫn có tiền mang về. Nhưng đến vài ngày sau bọn chúng mới chỉ đúng chỗ có giấu đồ giả và hiển nhiên số đồ giả này sẽ được khai quật bởi những con người lương thiện bị giật dây bởi kẻ thiếu lương tâm thuê mướn.
Sau khi số đồ được đưa lên mặt đất thì chính đội quân cửu vạn lương thiện sẽ vô tình lại trở thành đội quân tuyên truyền quảng cáo về mớ “đồ quý” mà mình vừa giúp “ông chủ thiếu lương tâm” thuê khai quật. Dĩ nhiên, sau khi nghe những người lao động chất phác nói, nhiều người chơi cổ ngoạn đã tin vào một kịch bản tươi sáng chứ không mấy người hồ nghi về mới đồ giả. Dù người chơi cổ ngoạn có đi tìm vị chí đào, người đào thì mọi thông tin đều là thực, chỉ có đồ là giả mà thôi.
Kịch bản thứ hai cũng thường được dựng là kẻ làm đồ giả thông đồng với một người khác để mang số lượng đồ giả này đến nhà kẻ thông đồng đánh lừa người chơi cổ ngoạn. Kịch bản thường như sau: sau khi thông đồng và ngã giá chia chác với kẻ tiếp tay lừa gạt, bọn làm giả đồ sẽ tung tin là nhà ông A, bà B nào đó trong khi đào thùng vôi, hoặc đào móng nhà vớ được một số đồ quý. Bọn chúng tình nguyện dẫn người chơi đồ đến để mua nhưng với yêu cầu xin ít tiền hoa hồng. Khi đến nơi, người mua sẽ được nghe rất nhiều tình tiết li kì trong việc vô tình đào được đồ, và với một mớ thông tin hỗn loạn này người mua dễ dẫn đến bị “ăn phải quả đắng”.
Vì vậy, khi mua đồ thì bạn cũng nên tham khảo người xung quanh vừa phải và tin cũng vừa phải mà thôi. Quan trọng nhất vẫn là bạn, và chuyên gia tư vấn cho bạn, đây là một điều quan trọng hơn hết thảy. Để nhận biết về dòng đồ đào giả ta có thể thông qua một vài chi tiết sau:
Nếu như là đồ cổ đào thì thời gian đồ nằm dưới lòng đất rất dài. Điều đó đồng nghĩa với việc thẩm thấu, ngậm nước của đồ là lớn nên lớp men ngoài thường bị “thuỷ phá” rạn từng mảng không đều, điều này không thể xảy ra ở đồ mới nằm dưới lòng đất một thời gian ngắn. Hơn nữa, khi những người không phải trong nghề khai quật thì cứ thấy đồ cổ là mang lên. Việc mang đồ đột ngột ra khỏi nơi chôn sẽ làm đồ có những vết rạn lớn, bởi đồ này thiếu sự làm cứng từ ôxy. Vì thế, không nên tin tuyệt đối vào đồ của những người dân chưa từng gặp đồ bao giờ mà lại có đồ đào quá toàn hoả được. Như vậy, việc nhận biết vết rạn do “thuỷ phá” là điều đầu tiên để nhận ra sự chân – nguỵ của những đồ đào.
Hơn nữa khi đồ đào mang lên một thời gian dài thì cốt của đồ bao giờ cũng bị giãn nở hơn đồ mới rất nhiều. Bởi đây là việc bình thường của hiện tượng bay hơi của nước để lại trên gốm, sứ. Nên để kiểm tra đồ đào, bạn có thể dùng một vật cứng, ví như chiếc chìa khoá vạch vào đáy đồ một vạch và dùng nước chè để thử độ thẩm thấu và độ ám màu vào đồ. Nếu như nước hút nhanh nhưng để lại độ ám màu ít và dường như không thấy thì đó là đồ cổ đào thật. Ngược lại nước chè thẩm thấu chậm mà lại bị ám màu nhiều thì thôi, bạn không nên tư duy với những đồ như vậy nữa.
Thứ hai, đồ đào khi nằm dưới lòng đất sẽ thường có dấu hiệu “hoa đất”. Hoa đất là hiện tượng những mảng đất có cấu tạo từ những thành phần nguyên tố khác nhau, và những mảng đất bám nông hay sâu vào đồ khác nhau tạo ra. Một khi đồ có thời gian nằm dưới đất khai quật lên bao giờ cũng để lại từng mảng ố trông như những hoạ tiết “gấm hoa” việc tạo ra hoa gấm như vậy chỉ có thời gian mới làm được, chứ sức người thì không thể. Khi nói chuyện với một số anh em chơi đồ, tôi vẫn thường khuyên không nên dùng chất tẩy rửa mạnh ra tẩy đồ. Việc làm như vậy chẳng khác gì với việc phá hoại đồ cổ. Vì làm như vậy đã vô tình lột mất chiếc áo mà thời gian phủ lên đồ cổ thực. Chiếc áo này ở đồ mới sẽ không bao giờ có được, nên nhân đây tôi khuyên những ai có đồ cổ chỉ nên lau sạch chứ không nên tẩy đồ. Việc tẩy rửa làm đồ của mình dễ bị đánh đồng với đồ mới. Như thế uổng biết bao!




Thứ ba là dòng đồ giả đồ vớt:
Trong một vài năm gần đây việc phát hiện ra những con tàu cổ bị đắm đã làm cho một số dòng đồ bớt khan hiếm, nhưng cũng làm xuất hiện một vài dòng đồ rất quý được phát hiện. Điều đó đã làm cho những kẻ làm giả đồ vớt dùng mánh khoé lừa gạt người chơi cổ ngoạn. Cách làm giả đồ vớt của những kẻ bất lương nhằm trục lợi thường theo cách sau: sau khi làm được một đồ giả theo nguyên mẫu đồ thật, bọn chúng sẽ tìm những nơi có nhiều hà đem thả số đồ này xuống đó một thời gian, hà sẽ bám lên đồ và tạo nên sự ăn men loang lổ trông như thật. Nói trông giống như vậy thôi, nhưng trông kĩ thì hai đồ thật – giả này lại khác nhau nhiều và để nhận ra sự chân nguỵ của đồ thì chúng ta nên chú ý những điểm sau:
Về nước men của đồ vớt: So với những đồ nổi, đồ đào thì men của đồ vớt  bao giờ cũng bị nước biển ăn đó là hiện tượng “mặn hoá” đồ nên men xác sâu, đều, tuy nhiên các điểm chú ý là chân đồ, nếu là đồ vớt cổ thật thì xung quanh chân đồ màu sắc khá đều, thường thì có màu trắng ngà, độ trắng đục và nhìn như còn ánh nước ướt bên trong nếu là chỗ hở cốt, (trong khi đó đồ giả thường là trắng tinh, trắng sáng”, đồ thật thì chỗ thắt sâu nhất men gần như còn nguyên mặc dù men xung quanh có thể bị “bợt” đi nhiều. Còn đồ giả thì men trông lôm nhôm, nhìn như bị bôi bẩn, đây cũng là kĩ thuật phổ biến dùng hóa chất làm đồ giả, hà bám vào đồ không tạo thành tầng, mảng, không ăn sâu vào cốt mà chỉ ở phía ngoài và loang lổ.




Trên đây là một vài điểm đáng chú ý của kỹ thuật và nghệ thuật làm đồ giả cổ và bán đồ giả cổ, nhưng hiện nay, công nghệ mua bán trên mạng đang được ứng dụng nên việc trao đổi đồ cổ trong những năm gần đây đã thay đổi nhiều, đồ không chỉ được đem bán là đồ giả mà còn là đồ ảo, đồ không như mô tả mà sứt mẻ cũng chỉnh sửa trên ảnh cho lành. Cuối cùng người thiệt vẫn là người đi mua. Công nghệ thông tin có nhiều mặt tích cực nhưng mặt tiêu cực của nó cũng không phải là ít. Tuy nhiên, không phải tất cả những người trong giới cổ ngoạn đều “chú tâm lừa gạt” như thế, chỉ bọn “con buôn tầm thường” mới sử dụng những mánh khóe này. Cho nên chỉ có chất người thực sự và cái tâm chân tình trong thú chơi cổ ngoạn mới giúp người chơi khỏi bị mờ mắt vì tiền mà lừa đảo cả những người cùng hội với mình.
Chúng tôi sẽ tiếp tục với một vài kỹ thuật làm giả trên đồ sứ và đồ đồng, đồ gỗ trong những bài viết sau này. Nhưng trước hết xin dừng lại ở đây để chúng ta cùng suy ngẫm…

ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG DỊCH HỌC TRONG TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ

I – MỞ ĐẦU
          Dịch học là một hệ thống tư tưởng rộng lớn, giá trị của Dịch học là ở “Học” chứ không phải ở “Thuật”. Bản thân Dịch học manh nha đã bao gồm hai loại “Học” và “Thuật”. Thuật chính là phép “chiêm bốc” để đoán định tương lai, số mệnh, còn học lại đi vào nghiên cứu, khảo chứng tư tưởng của Dịch nhiều hơn. Từ trước tới nay, khi nghiên cứu Dịch học, các học giả thường theo hai cách nghiên cứu truyền thống. Loại thứ nhất chuyên tâm vào việc chú giải văn tự, ngữ nghĩa trong Kinh truyện. Loại thứ hai thì chú trọng vào việc lý giải đạo lý hàm chứa trong Dịch học, với mong muốn làm rõ quan điểm Dịch học của mình, đồng thời đưa ra một hệ thống lý luận đồng bộ. Những tác phẩm Dịch học nổi tiếng từ cổ chí kim đều không nằm ngoài hai phương pháp nghiên cứu trên.
Nhưng ngày nay, khi nghiên cứu Kinh Dịch, cả hai hướng nghiên cứu trên đều rất đáng tham khảo nhưng đó không còn là hai phương pháp bất biến nữa. Vương Đức Hữu Phó tổng biên tập nhà xuất bản Đại Bách khoa toàn thư Trung Quốc có viết “ Ngoài hai phương pháp truyền thống trên ra, còn cần phải sử dụng phương pháp nghiên cứu khoa học mới, tức là coi bộ sách cổ Chu Dịch là một quá trình phát triển của lịch sử, cần phải đặt ba bộ phận Kinh, Truyện, Học vào từng bối cảnh lịch sử hình thành chúng để tiến hành phân tích, mổ xẻ, thảo luận nghiên cứu tiến trình phát triển tư duy lý luận của chúng một cách lôgíc, tổng kết quy luật phát triển của tư duy, tổng kết phương thức tư duy quan sát và xử lý sự việc, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm. Loại phương pháp này vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính phân tích, mà hai loại phương pháp trên không thể thay thế”.
          Chính vì lý do đó, mà trong những năm gần đây, tư tưởng Dịch học đã được soi rọi rộng hơn trong nhiều lĩnh vực trên cơ sở “tiến hành phân tích, mổ xẻ, thảo luận và nghiên cứu”. Vì thế, trong bài viết này, người viết cũng xin mạnh dạn cùng bạn đọc tìm hiểu “Tư tưởng Dịch học trong tranh dân gian Đông Hồ”, trên cơ sở phân tích qua từng bức tranh cụ thể. Mong rằng, độc giả cũng lượng thứ cho người viết khi không giới thuyết qua về Dịch học là gì? Hệ thống tư tưởng của nó ra sao? Bởi theo cách hiểu nông cạn của người viết, thì để thấy được sự mới lạ và hấp dẫn của bài viết ngắn này thì người đọc cũng đã phần nào hiểu khái lược nhất về Dịch học cũng như quan điểm lý luận của nó, trước khi tìm hiểu về tranh Đông Hồ.
Tranh Đông Hồ được sáng tạo từ bàn tay nghệ nhân làng Đông Hồ, làng Đông Hồ nằm ven sông Đuống, cách Hà Nội chừng 40 km về phía đông, xưa làng có tên gọi là Đông Mại (hay làng Mái) thuộc tổng Hồ, huyện Siêu Loại, trấn Kinh Bắc (nay là làng Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Đông Hồ có truyền thống vẽ tranh từ lâu đời. Theo tấm bia "Đông Hồ Tự Bi kí", khắc năm Chính Hòa thứ nhất (1680), ta thấy trên trán bia có chạm một đôi chuột đang giã gạo nằm trong hình mặt nguyệt. Vì chuột cũng là đề tài quen thuộc trong nghệ thuật dân gian, nên ít nhiều ta cũng có căn cứ để suy rằng Đông Hồ đã từng có nghề vẽ tranh tối thiểu cũng có từ ngày đó.
Trong các dòng tranh dân gian, tranh Đông hồ khá gần gũi với đại đa số dân chúng Việt Nam, nhắc tới dòng tranh này hầu như ai cũng biết. Tranh gần gũi vì nó gắn với làng quê, ngõ xóm, với cuộc sống lao động của người nông dân bình dị, chất phác và hình ảnh của nó đã đi vào thơ, văn. Một điều đặc biệt hơn nữa là trong tranh làng Hồ lại hàm chứa nhiều tư tưởng bác học khác, một trong những tư tưởng mà ta có thể thấy khá rõ trong dòng tranh này, chính là tư tưởng Dịch học. Một tư tưởng có từ hàng ngàn năm trước và được thể hiện khá sống động trong nhiều bức tranh của nghệ nhân dân gian làng Đông Hồ.

II - ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG DỊCH HỌC TRONG TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ
A  - ẢNH HƯỞNG CỦA HỌC THUYẾT ÂM – DƯƠNG TRONG TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ
          Người Á Đông từ ngàn xưa quan niệm, vạn vật trong vũ trụ đều do một âm - một dương kết hợp lại mà thành. Vì thế, câu nói:一陰一陽之謂道   “Nhất âm, nhất dương chi vị đạo” ( Một âm, một dương gọi là đạo) đã dùng để khái quát tất thảy các quy luật của tự nhiên và xã hội. Đây chính là thành quả mang tính cô đọng của triết học Đông phương. Học thuyết nhất âm - nhất dương xuất hiện nhiều trong Dịch truyện và Hệ từ. Ở Dịch kinh khái niệm âm dương không thể hiện qua lời kinh mà được thể hiện bằng các vạch liền (dương), vạch đứt (âm) và khái quát cụ thể bằng hình tượng Lưỡng nghi. Như vậy, hình tượng âm - dương đã được phân định qua khái niệm Lưỡng nghi và nó trở thành nguyên tố cơ bản của học thuyết này.
1 – ẢNH HƯỞNG TỪ HÌNH TƯỢNG LƯỠNG NGHI.
Âm dương là một trong những học thuyết cơ bản nhất của Kinh Dịch, âm dương chính là sự cân bằng trời đất. Thể hiện cụ thể nhất mà ta có thể nhận ra đó chính là biểu tượng của Lưỡng nghi. Trong hệ Từ Chu Dịch có viết:易有太極,是生兩儀,兩儀生四象,四象生八卦,八卦定吉凶,吉凶生大業  Dịch hữu Thái Cực, thị sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái, Bát quái định cát hung, cát hung sinh đại nghiệp”       (Dịch có Thái cực, Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái, Bát quái định cát hung, cát hung sinh nghiệp lớn).
Thái cực chính là chỉ thế giới ở thể “hỗn mang chi sơ”, là khoảng vô tận không phân biệt, Lưỡng nghi chính là hình thế phân cực chia cái thế giới hỗn mang đó thành âm dương phân cực. Lưỡng nghi từ xưa đã được biến thể qua nhiều hình tượng và mỗi một hình tượng lại mang một cách cảm, cách nghĩ trên những bình diện khác nhau của các học giả. Như Lưỡng nghi của  Lai Tri Đức, thể hiện âm dương giao hòa song trùng
Hình Lưỡng nghi của Chu Đôn Di thể hiện âm dương giao hoà phân cực trong thể thống nhất.
Biểu tượng Lưỡng nghi hiện đại mà hiện nay chúng ta thường thấy Đông y sử dụng làm biểu tượng cho ngành của mình có phần đơn giản, và tương đối rõ nét trong việc phân biệt âm dương, lấy âm dương bổ khuyết.                                                                       

                                             Đồ hình của Lai Tri Đức  
                                        Đồ hình của Chu Đôn Di      
                                                  Đồ hình Hiện đại
Ngược lại, trong tranh dân gian Đông Hồ sự tiếp biến biểu tượng Lưỡng nghi hiện lên tương đối rõ nét và thể hiện cụ thể bằng những nét vẽ mang tư tưởng mới thông qua triết lý Dịch học.
Đồ hình trong tranh dân gian Đông Hồ
Với cách thức diễn tả biểu thức Lưỡng như vậy ta thấy, ở tranh dân gian Đông Hồ, sự thể hiện biểu tượng Lưỡng nghi chủ yếu nhằm nhấn mạnh việc khởi nguồn cho âm dương giao hòa, khởi nguồn cho sự sinh trưởng bắt đầu. Chính vì lẽ đó, trong dòng tranh này, những bức vẽ mang hình tượng Lưỡng nghi thường là những bức tranh chúc phúc ( con cháu đầy đàn), sự sinh sôi phát triển, sự mạnh khoẻ…
Chúng ta hãy nhìn bức tranh “ Lợn đàn” sẽ rõ. Ở đây, biểu tượng Lưỡng nghi được dùng bằng hai màu tương phản thể hiện âm dương giao hòa và một đàn lợn với những con lợn to nhỏ thuộc năm hành ( Kim - Mộc - Thuỷ - Hoả - Thổ).
LỢN ĐÀN
Bức tranh thứ hai chúng ta có thể kể đến là bức tranh “Lợn nái hay lợn ăn cây dáy” cũng với những vòng xoáy Lưỡng nghi, thể hiện sự sinh sôi, phát triển.
LỢN ĂN CÂY DÁY
Một điều khá đặc biệt và đồng nhất với hệ tư tưởng Dịch học là việc tiếp nhận biểu tượng Lưỡng nghi ở tranh dân gian Đông Hồ cũng nhằm mục đích nói về sự sinh trưởng, phát triển theo kiểu “Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái…”.  Điều đó có thể minh chứng qua việc, đại đa số vật thuộc giống CÁI mới có biểu tượng Lưỡng nghi, ngoài ra không dùng Lưỡng nghi trong các thuộc tính khác nhiều. Hơn nữa, qua hình tượng lợn cũng phần nào minh chứng cho cội nguồn của sự sinh trưởng. Điều này được khẳng định hơn khi một lần nữa khoa học hiện đại minh chứng “Nơi nào có nước, nơi đó có sự sống”. Vì thế, nước là yếu tố cơ bản nhất để hình thành nên sự sống và là nhân tố đầu tiên cho sự phát triển sau này. Sách “ Hoàng Đế nội kinh” thiên “ Kim quỷ chân ngôn luận” viết: “ Bắc phương sắc đen thông với thận, thông khiếu ở nhị âm, tàng tinh ở thận, bệnh phát sinh ở khê. Về vị là mặn thuộc về thuỷ, thuộc về lục súc là lợn, thuộc về ngũ cốc là đậu, thuộc về bốn mùa ứng với sao thần, thuộc về âm là vũ, thuộc về số là sáu, thuộc về mùi là húc mục, do đó biết bệnh thường phát ở xương”. Còn trong Chu Dịch tường giải” (Nguyễn Quốc Đoan, NXB VHTT 1998), phần tổng hợp về thuyết quái có nói về quẻ Khảm “ Về động vật thuộc lợn, cá, con vật sống trong nước, con hồ ly, loài thủy tộc”
Chính vì lẽ đó, biểu tượng Lưỡng nghi và hình tượng lợn ở trên, phần nào đã minh chứng thêm cho hệ thức phát triển của Dịch học. Trong Hệ từ hạ truyện có nói: 生生之謂易 “Sinh sinh chi vị Dịch” (Không ngừng sinh sôi gọi là Dịch). Vì vậy, ta thấy hình Lưỡng nghi trong tranh Đông Hồ khá giống với vòng trường sinh thể hiện qua Hà đồ tự nhiên trong Dịch học.
                                                 
                                     Lưỡng nghi trên tranh Đông Hồ 
                                     Lưỡng nghi trong Hà Đồ tự nhiên
Bên cạnh đó, ngoài việc cầu mong sự sinh sôi phát triển “con đống, cháu đàn”, người nghệ nhân còn mong cầu sự mạnh khoẻ. Vì thế, biểu tượng Lưỡng nghi một lần nữa xuất hiện trong bức tranh “Rước trống”. Việc sử dụng Lưỡng nghi như vậy cũng chính là nhằm mục đích mong cầu sự mạnh khoẻ theo như dân gian quan niệm.
RƯỚC TRỐNG
Như trên đã trình bày, đa số vật thuộc giống CÁI mới được áp dụng hệ thức Lưỡng nghi. Nhưng nếu nhìn qua bức tranh “Rước trống”, nhiều người hẳn sẽ đặt câu hỏi và so sánh hai hình tượng lợntrống trong tranh rồi cho rằng hai thuộc tính này chẳng liên quan gì với nhau. Điều đó cũng không lấy gì làm ngạc nhiên cho người viết, chỉ có điều nếu độc giả lưu ý một chút thì sẽ hết hồ nghi, bởi người Việt từ xưa vẫn thường gọi những chiếc trống lớn là trống CÁI. Vì thế, Lưỡng nghi dùng trong việc thể hiện tư tưởng cầu chúc may mắn, mạnh khoẻ cũng không vi phạm vào cách thể hiện ý tưởng mang tính Dịch học như trên đã trình bày.
Một điều hết sức đặc biệt nữa là Lưỡng nghi sinh Tứ tượng theo tư tưởng Dịch học luôn được áp dụng một cách triệt để và sáng tạo. Chúng ta hãy chú ý và sẽ thấy, trong mỗi bức tranh, trên mỗi vật thể thì biểu tượng mang tính Lưỡng nghi bao giờ cũng đi đôi. Như vậy ta sẽ thấy công thức:
“2 âm +2dương = 4âm dương”
Trong tranh lợn thì: 2 âm + 2 dương = 4 âm dương
Trong tranh trống cũng cùng hệ thức như vậy, duy chỉ có điều là âm dương trên mặt trống không thống nhất mà được biến tấu theo hai hình thức khác nhau, nhưng màu sắc lại thống nhất, thể hiện cùng một loại hành (đen thuộc âm - hồng thuộc dương). Giữa mặt trống là Lưỡng nghi đen âm – hồng dương. Cả mặt trống thì, vành ngoài mặt trống đen thuộc âm, vành trong mặt trống hồng thuộc dương. Bởi lý của Lưỡng nghi là中貞外晦 “Trung trinh, ngoại hối” (Trong trắng, ngoài đen). Như vậy, ta cũng sẽ có tổng âm dương trên mặt trống là:
 2 âm + 2 dương = 4 âm dương
Như thế, qua hình tượng Lưỡng nghi trong tranh dân gian Đông Hồ, phần nào đã thể hiện được quan niệm về sự phát triển theo tư tưởng của Dịch học với công thức “Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái, Bát quái sinh cát hung, cát hung định nghiệp lớn”.
 2 –  TÍNH HÒA HỢP VÀ ĐỐI NGHỊCH CỦA ÂM DƯƠNG
Như trên đã trình bày, biểu tượng Lưỡng nghi đã thể hiện được đặc tính của sự phát triển và mang tính âm dương đăng đối khá rõ nét. Và có lẽ, tính đăng đối của âm dương như thế cũng dễ nhìn nhận ra hơn cả. Nhưng đó không phải là sự thể hiện đặc tính âm dương duy nhất trong dòng tranh này. Mà tính đối xứng thể hiện thuyết âm dương ngũ hành đã xuất hiện trong phần lớn tranh của làng Đông Hồ. Điều đó, ta có thể minh chứng và lý giải qua hàng loạt tranh cụ thể.
Trước tiên, ta xét những bức tranh phân tầng để dễ nhận ra điều này. Sau đó ta đi vào tìm hiểu những bức tranh không phân tầng và lý giải chúng cụ thể hơn.
Một trong những bức tranh Đông Hồ phân tầng nổi tiếng vào loại bậc nhất mà ta có thể kể đến là bức tranh “Đám cưới chuột”.
ĐÁM CƯỚI CHUỘT
Ở trong bức tranh này, chúng ta thấy, chủ đề và đối tượng chính được đề cập đến ở đây là “Chuột”. Vì thế, khi đi vào phân tích ta dễ nhận ra tầng trên bức tranh có bốn con chuôt, tầng dưới có tám con chuột. Xếp theo tỉ lệ phân chia trên dưới ta có được một biểu thức: trên một con/ dưới hai con. Tức là trên lẻ, dưới chẵn mang tư tưởng số học của Dịch, đó là số và số ngẫu. Dịch truyện có viết: 陽 卦 多 陰, 陰 卦 多 陽,其 故 何 也? 陽 卦 奇,陰 卦 偶“ Dương quái đa âm, âm quái đa dương, kỳ cố hà dã? Dương quái cơ, âm quái ngẫu.” ( Trong quẻ dương có nhiều âm, trong quẻ âm có nhiều dương, tại sao như vậy? Bởi quẻ dương lẻ, quẻ âm chẵn”. Qua đây ta có thể thấy, bố cục trong tranh phân tầng của làng Hồ khi âm dương xuất hiện bao giờ cũng theo cấu trúc “thượng dương – hạ âm” ( trên dương – dưới âm) và mang tính cát để thể hiện sự sinh trưởng.
Bên cạnh đó, số cơ và số ngẫu trong Dịch học không chỉ biểu hiện qua tranh phân tầng “Đám cưới chuột” mà biểu thức số học chẵn lẻ mang tính âm dương như thế còn biểu hiện qua nhiều bức tranh khác, điển hình chúng ta có thể kể đến hai bức tranh “Chơi cá” và “Chơi chim”.
                         
                                                CHƠI CÁ                                              
                                              CHƠI CHIM
Cả hai bức tranh “Chơi cá” và “Chơi chim” ở trên, số cơ và số ngẫu được biểu hiện rất cụ thể qua số lượng người và số lượng chim, cá. Ba đứa trẻ thuộc số lẻ, thể hiện tính dương, mạnh. Bốn con chim và cá thuộc số chẵn, thể hiện tính âm, yếu. Như thế tính mạnh đã chi phối được tính yếu, tính dương chi phối và điều chỉnh được tính âm.
Quay lại xét câu “Nhất âm, nhất dương chi vị đạo”. Rõ ràng ta thấy quan điểm theo tư tưởng Dịch học chính là cách thức thể hiện tính âm dương hài hòa trong một chỉnh thể bằng những con số đối lập rất cụ thể.
  Ngoài tranh phân tầng thì chúng ta có thể thấy, tính âm dương cũng được biểu hiện rất rõ nét qua tranh không phân tầng. Và tính âm dương trong các bức tranh không phân tầng như thế được thể hiện phong phú hơn tranh phân tầng và số lượng của chúng cũng phong phú hơn rất nhiều. Trước hết là cách thức thể hiện bằng hình tượng nam – nữ. Để thấy được điều này, chúng ta hãy phân tích qua một vài bức tranh cụ thể. Bức tranh đầu tiên ta có thể nhận ra cách thức biểu đạt âm – dương qua hình tượng nam nữ là bức tranh “Hứng dừa”.
HỨNG DỪA
Trong tranh “ Hứng dừa” thuộc tính âm – dương được biểu đạt bằng tính nam và tính nữ. Trong quan niệm lễ nghi dân gian của người Việt, cổ nhân từng nói “Tả dương, hữu âm; tả nam, hữu nữ; tả bình, hữu quả; tả chuông, hữu khánh”. Như vậy, con trai thể hiện cho tính dương, con gái thể hiện cho tính âm. Vì vậy, trong bức tranh trên tính âm - dương được thể hiện bằng phương pháp đối lập giữa hai thuộc tính, một đỏ đi với một xanh hoặc một trắng, một lẻ đi với một chẵn ( qua số dừa bên tay trái và tay phải người hái dừa), một đàn ông đi với một đàn bà, một bé gái đi với một bé trai.
Bức tranh thứ hai thể hiện tính âm dương qua hình tượng nam – nữ như thế ta có thể kể đến bức tranh “ Bịt mắt bắt dê”. Bịt mắt bắt dê là một trò chơi dân gian mang đậm tính phồn thực. Vì vậy, nam – nữ trong tranh được tô vẽ theo từng cặp mang ý nghĩa âm – dương giao hòa rất rõ.
BỊT MẮT BẮT DÊ
Trong lời Thoán của quẻ Khuê có nói: 二女同居, 其志不同行 “Nhị nữ đồng cư, kỳ chí bất đồng hành” ( Hai người con gái ở với nhau mà chí không cùng nhau). Quả đúng như vậy, chỉ khi nào âm dương giao hòa thì khi đó mới có sự phát triển; nếu như âm dương không giao hòa thì chẳng khác gì hai cô gái hoặc hai chàng trai ở cùng nhau và hiển nhiên là sự sinh sôi cũng không có. Nói rộng hơn, nếu không có âm dương kết hợp thì bất kỳ vật gì trong vũ trụ đều không thể sinh trưởng và hình thành nên được. Vì vậy, bức tranh “ Bịt mắt bắt dê”, chính là thể hiện tính phát triển qua sự kết hợp âm dương là thế.
Bên cạnh việc thể hiện tính âm dương mang nghĩa phát triển, thông qua hình tượng nam – nữ, thì trong tranh dân gian Đông Hồ việc dùng hình tượng nam – nữ để thể hiện tính xung đột của âm dương cũng khá phổ biến. Nhờ đó nó phản ánh tính xung đột của mối quan hệ xã hội giữa con người với con người. Điển hình của cách thức biểu đạt trên ta có thể kể đến bức tranh “Đánh ghen”.
ĐÁNH GHEN
Trong tranh “Đánh ghen”, chúng ta thấy xuất hiện một nam, một nữ nhưng nam nữ ở đây không tương đồng, thể hiện qua hai người phụ nữ đối với một người đàn ông và một bé trai. Như thế, nó cũng thể hiện âm dương không tương đồng “âm thịnh, dương suy”, nên việc xung chiến giữa âm dương hiển nhiên xảy ra. Bởi thế, thông qua việc thể hiện tính xung đột giữa âm dương, nghệ nhân dân gian đã khắc họa cảnh đánh ghen cũng là một cách thể hiện rất tài tình tính không tương thích của âm dương thông qua các nét vẽ.
 Qua mấy bức tranh vừa phân tích ở trên, phần nào cho ta thấy sự giao hòa của âm – dương và tính xung khắc của âm – dương thông qua hình tượng nam nữ. Khi âm dương giao hòa đăng đối, nó thể hiện sự phát triển; khi âm dương không tương đồng, nó thể hiện tính xung khắc, tranh đấu. Đó là tư tưởng mà nghệ nhân dân gian đã đồng nhất với quan điểm Dịch học. Trong Hệ từ truyện có nói: 天地氤氲,萬物化純,男女構造,萬物化生  “ Thiên địa nhân huân, vạn vật hóa thuần, nam nữ cấu tạo, vạn vật hóa sinh” ( Khi trời đất giao hòa thì mọi vật thuần túy, nam nữ kết tinh, muôn vật hóa sinh). Hay như câu: 剛柔相推, 變在其中“Cương nhu tương thôi, biến tại kỳ trung” (Cứng mềm xô nhau là biến đổi ở trong đó).
Như vậy, cương nhu, trời đất, trai gái đều là những phạm trù chỉ âm – dương, Trương Tái học giả đời Tống đã gọi biểu hiện đó là: 二端  “Nhị đoan” (hai đầu mối). Và hai đầu mối đó đã được phát triển rộng hơn nữa trong tranh dân gian Đông hồ bằng biểu thức trái – phải, có – không, trên – dưới. Tức là, cái gì được biểu hiện bên trái là dương, bên phải là âm; biểu hiện ở trên gọi là dương, không được biểu hiện và ở dưới là âm. Cụ thể hơn, chúng ta tìm hiểu qua một số tranh sẽ rõ.
Ở trên, tính âm dương biểu hiện qua vị trí trái phải đã được đề cập sơ lược, thông qua vị trí tay trái, tay phải và số dừa trong hai tay của người hái dừa trong tranh “Hứng dừa”. Nhưng để thấy rõ hơn biểu hiện của âm dương qua đặc tính trái phải, chúng ta cũng cần đi vào phân tích một vài bức tranh cụ thể sẽ thấy rõ hơn. Bức tranh đầu tiên chúng ta có thể bắt gặp hình tượng âm dương như thế là bức tranh “Đấu vật”.
ĐẤU VẬT
Tranh “Đấu vật” ở trên, nếu xét theo quan niệm dân gian qua câu nói“ Tả dương, hữu âm; tả nam, hữu nữ…”. Ta sẽ có tính âm dương được thể hiện qua tư thế “ tả - hữu” của các đô vật. Nếu như đô vật bên đông giơ tay trái thì đô vậy bên đoài sẽ giơ tay phải và ngược lại. Quan niệm âm dương theo tư thế trái – phải không chỉ thể hiện qua bức tranh đấu vật, mà nó còn thể hiện qua một số tranh khác như bức “Tam dương khai thái” vẽ hai chú gà trống, một con  nhấc chân trái – một con nhấc chân phải. Tranh “Chọi trâu” cũng có cùng cách biểu đạt như vậy.
Bên cạnh quan niệm âm dương trái phải thì quan niệm âm dương bằng biểu thức có – không; trên - dưới cũng được thể hiện khá nhiều trong tranh dân gian Đông Hồ. Chúng ta hãy xét qua một vài bức tranh cụ thể.
ĐINH TIÊN HOÀNG
Bức tranh “Đinh Tiên Hoàng” tính âm dương được biểu hiện bằng việc đối lập giữa hai người cùng thuộc tính nam, nhưng một người được thể hiện bằng có vật nắm trong tay và đưa lên cao biểu trưng cho dương, cương. Một người không có vật trong tay và hạ thấp biểu hiện cho tính âm, nhu.  Biểu thức có không, cao thấp như thế ta còn thấy qua các bức tranh khác như tranh “Múa lân”, “Rước trống”.














MÚA LÂN
RƯỚC TRỐNG
          Ta thấy tất cả số người trong tranh đều thuộc tính nam nhưng âm dương của nó biểu hiện bằng việc người có vật trong tay giơ lên cao biểu hiện cho dương, không có trong tay hoặc có trong tay mà hạ thấp là biểu hiện tính âm. Đây cũng là một trong những cách biểu hiện âm dương theo tư tưởng của Dịch học. Trong Hệ từ thượng có nói 天尊地卑,乾坤定矣, 卑高以陳,貴賤位矣 “Thiên tôn địa ti, càn khôn định hỹ, ti cao dĩ trần, quý tiện vị hỹ” (Trời cao đất thấp, đạo càn khôn đã định, thấp cao bày ra thì sang hèn chia thành ngôi).
          Rõ ràng, từ những phân tích qua từng bức tranh trên ta thấy tính âm dương trong tranh dân gian Đông Hồ phần nào chịu ảnh hưởng của tư tưởng Dịch học trên nhiều khía cạnh. Âm – dương giao hòa nhau, âm dương đan xen nhau, âm dương tàng chứa lẫn nhau và âm dương xung đột nhau. Nhưng đó không phải là ảnh hưởng duy nhất của Dịch học được thể hiện trong tranh dân gian Đông Hồ mà đặc trưng của Hà đồ và Lạc thư cũng được dòng tranh này tiếp nhận cụ thể.
B – ẢNH HƯỞNG CỦA HÀ ĐỒ - LẠC THƯ
TRONG TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ
          Hà đồ - Lạc thư là những truyền thuyết cổ. Từ triều Tống về sau, nhiều người đã hình thành tư tưởng “thâm căn, cố đế” cho rằng Hà đồ và Lạc thư là nguồn gốc của Bát quái. Vì thế, nó cũng là nguồn gốc của sách Chu Dịch. Thực tế thì tư tưởng này đã không phù hợp với lịch sử. Ghi chép sớm nhất về Hà đồ - Lạc thư là trong thiên “Cố mệnh” của sách Thượng Thư, nói đến lễ đăng quang của Chu Khang Vương, trong lễ đăng quang có bày các loại ngọc, trong đó có tờ Hà đồ.
Vì thế, rất có thể Hà đồ - Lạc thư ra đời muộn hơn Thượng Thư, trong Luận Ngữ Khổng Tử có nói: 鳳鳥不至, 河不出圖, 吾已矣夫   “Phượng điểu bất chí, Hà bất xuất đồ, ngô dĩ hỹ phu” (Phượng hoàng không đến, Hoàng hà không hiện đồ, ta hết trò rồi). Còn trong Dịch truyện cũng có nói 河出圖, 洛出書, 聖人則之 “Hà xuất đồ, Lạc xuất thư, thánh nhân tắc chi”.  Ngoài ra, trong các sách văn hiến cổ Trung Hoa như Mặc Tử, Lã Thị Xuân Thu, Hoài Nam Tử… đều có nói đến Hà đồ. Cuối thời Tây Hán thì những tác phẩm bàn về Hà đồ – Lạc thư xuất hiện nhiều. Vì thế, chúng ta thấy Hà đồ - Lạc thư là một hệ thống kiến thức lớn và ảnh hưởng đến tư tưởng của nhiều học giả. Bởi vậy, Hà đồ - Lạc thư đã được nhiều học giả diễn giải trên nhiều hình thức khác nhau để thể hiện quan điểm riêng của mình.

                   
                            
Như vậy, việc tiếp nhận hệ tư tưởng từ Hà đồ – Lạc thư đã ảnh hưởng tới nhiều học giả từ cổ chí kim. Hơn thế nữa, ngay trong cấu trúc tạo hình thì tư tưởng này cũng đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều môn nghệ thuật tạo hình cổ. Quan niệm của Hà đồ - Lạc thư như thế cũng được các nghệ nhân dân gian Đông Hồ tiếp nhận. Vì thế, ta thấy biểu tượng Lưỡng nghi trong tranh dân gian làng Hồ có nét phảng phất của biểu tượng “ Hà đồ tự nhiên của đất trời”. Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng của Hà Đồ - Lạc thư còn thể hiện trên nhiều bình diện khác. Điều đó chúng ta có thể minh chứng qua bức tranh “Ngũ hổ” được nghệ nhân dân gian Đông Hồ tạo tác sẽ thấy rõ ảnh hưởng hệ thức Hà đồ - Lạc thư tới dòng tranh này.
                           

NGŨ HỔ
          Nhìn vào bức tranh ta thấy, năm con hổ trong bức tranh “Ngũ hổ” có màu sắc hoàn toàn trùng khớp với diễn sắc của Lạc thư. Bên cạnh đó, ngũ hành tương khắc lại ngược theo chiều kim đồng hồ thể hiện tính mâu thuẫn, biến hóa trong nội tại một cá thể. Như vậy, ta dễ nhận ra được kết cấu sinh khắc này giống như sinh khắc của ngũ hành trong đồ hình Lạc thư vừa diễn số và diễn sắc ở trên.
          Trung tâm của bức tranh là hổ vàng, vàng thuộc hành thổ; vòng ngược chiều kim đồng hồ sẽ gặp hổ đen, đen thuộc hành thủy (Thổ ó Thủy); tiếp theo là hổ đỏ, đỏ thuộc hành hỏa (Thủy ó Hỏa); rồi nữa lại đến hổ trắng, trắng thuộc hành kim (Hỏa ó Kim); kế đến là hổ xanh, xanh thuộc mộc (Kim ó Mộc). Cuối cùng nhập lại vào trung tâm gặp hổ vàng, ta lại có cặp tương khắc (Mộc ó Thổ). Vòng ngũ hành tương khắc này quay theo vòng tròn gần khép kín và thông qua tính khắc đó nó cũng tự đánh dấu sự tương sinh của ngũ hành bằng các cặp hành đối nhau qua trung tâm.
Như vậy, theo Lạc thư ta thấy diễn số của tranh ngũ hổ như sau:

                                        2      7      6
                         9      5      1
                         4      3      8

Đây là một trong những bức tranh thể hiện khá đầy đủ và trọn vẹn tư tưởng của Lạc thư, một đồ hình căn bản của nền lý học Đông phương. Bởi mang đặc trưng ấy nên tranh “Ngũ hổ” đã được sử dụng trong việc thờ cúng. Bên cạnh đó, nó còn là bức tranh nhằm truyền tải nhiều ý nghĩa khác. Ở đây hiện lên một điều hết sức đặc biệt là toàn bộ hệ thống diễn số của Kinh Dịch đã được gói gọn trong một bức tranh duy nhất và bức tranh đó cũng đã bao quát được cả một hệ thống tư tưởng khá đồ sộ của Dịch học. Đó chính là vấn đề sinh khắc của ngũ hành, cùng những tín ngưỡng ẩn sau bức tranh thông qua màu sắc và các con số cụ thể.
C – ẢNH HƯỞNG CỦA TÍNH QUẺ TRONG TRANH ĐÔNG HỒ
          Dịch học là một hệ thống tư duy hoàn chỉnh, tư duy biến dịch là phương thức thông qua quan điểm biến hóa để tiến hành khảo tả sự vật. Dịch học được sáng tạo nên từ nền tảng tư duy về sự biến hóa của vạn vật. Bản thân Kinh Dịch đã hội tụ đủ tính biến hóa ở trong đó. Quan niệm biến dịch trong Dịch học biểu hiện thành những lớp, như biến hóa của quái tượng và hào tượng; tiếp đến biến hóa cát hung của con người mà quái tượng và hào tượng là vật tượng trưng; cuối cùng là quái từ và hào từ dựa vào biến hóa của hiện tượng tự nhiên.
          Trong Chu Dịch, quái tượng có thể biến hóa, loại biến hóa này thông qua biến hóa của hào tượng để thực hiện biến hóa. Vì vậy, quái tượng của quẻ này đã biến thành quái tượng của quẻ khác nhờ vào mối liên kết của các quái tượng. Khi đã có những biến quái cụ thể người ta có thể dựa vào từng hào từ mà dự đoán kết quả và tiền đồ của con người và sự vật. Kết quả có thể tương đối nhưng đó cũng là một hệ thức mang tư tưởng của Dịch học. Vì thế, trong ý niệm mang tư tưởng Dịch học, đã bao hàm nhiều ý niệm thông qua biểu ý của hệ thức tương đồng với Dịch. Chúng ta hãy tìm hiểu qua một vài bức tranh cụ thể để thấy được ý niệm của nhiều quái từ, tượng quẻ được nghệ nhân dân gian thể hiện qua các bức tranh Đông Hồ.
          Sự thực, trong một số bức tranh dân gian Đông Hồ, ý niệm quẻ đã hội tụ đầy đủ thông qua kết cấu bố cục của một bức tranh. Ngược lại, có một số tranh ý niệm quẻ không đầy đủ mà chỉ chứa đựng ý nghĩa của từng hào từ. Nhưng dù là bao quát được ý nghĩa rộng hay hẹp thì trong những bức tranh làng Hồ đó đã hàm chứa một tư tưởng sâu xa có từ ngàn đời để mang đến một triết lý mới cho cho dòng tranh của mình. Xin được phân tích quan điểm đó qua bức tranh “TAM DƯƠNG KHAI THÁI” để bạn đọc thấy rõ.

          Nhìn vào bức tranh ta thấy bao trùm toàn cục là màu vàng thổ, thổ thuộc tượng quẻ Khôn . Nhưng điều đáng lưu ý của bức tranh này không phải chỉ ở riêng màu sắc mà còn nằm trong tiêu đề luận giải bức tranh ấy.
          Tiêu đề bức tranh là: “TAM DƯƠNG KHAI THÁI”. Như vây, ý nghĩa đầu tiên của bức tranh đã mang một ý nghĩa khai mở. Điểm nhấn của bức tranh mà chúng ta thấy chính là một tiểu tiêu đề tam dương (ba dương). Như vậy, ba dương chính là tượng của quẻ Càn . Chu Hy cũng đã từng giản đơn hóa cách nhớ tượng quẻ càn bằng câu 乾三連 “ Càn tam liên” (Càn ba nét liền). Quẻ Càn là quẻ đầu tiên trong Kinh Dịch thể hiện sự khởi đầu, sự hanh thông, sự mới đang bắt đầu nảy sinh.
          Quay lại xét màu sắc của bức tranh, ta thấy màu sắc của bức tranh bao trùm là màu vàng thổ, biểu hiện cho tượng của quẻ Khôn. Bởi thế, khi tam dương (Càn) kết hợp với hoàng thổ (Khôn) hẳn sẽ “Khai Thái” ( Mở ra Thái). Bởi trong tất cả 64 quẻ của sách Chu Dịch duy nhất có tượng của quẻ “Thái” được biểu ý là “ Địa – Thiên: Thái”, và được vạch nét như sau:
                                                 
          Như vậy bức tranh “TAM DƯƠNG KHAI THÁI” hẳn là bức tranh chúc phúc, cầu sự hanh thông, mong muốn may mắn đến với gia đình trong những dịp xuân về và cho cả năm thêm phú quý, hạnh phúc. Bởi quái từ của quẻ Thái có nói -小 往,大來,吉亨  “Thái – tiểu vãng, đại lai, cát hanh” ( Quẻ Thái cái nhỏ qua đi, cái lớn đến, tốt lành hanh thông). Chu Hy lại bàn “ Thái là hanh thông, nó là quẻ trời đất giao nhau mà hai khí thông nhau, cho nên gọi là Thái, đó là tháng giêng…”.
          Qua đây, ta thấy tính quẻ đã được thể hiện khá rõ nét qua bức tranh “TAM DƯƠNG KHAI THÁI”. Nhưng đó không phải là bức tranh duy nhất thể hiện tính quẻ. Bên cạnh đó ta còn gặp biểu hiện tính quẻ qua các bức tranh như “Lợn đàn”. “ Cá đàn”.
     
                                                         CÁ ĐÀN                                       
                                                          LỢN ĐÀN
Nhìn vào bức tranh ta thấy, số lợn và số cá trong bức tranh là sáu con, một mẹ, năm con. Trong cuốn Chu Dịch tường giải” ( Nguyễn Quốc Đoan, NXB VHTT 1998), phần tổng hợp về thuyết quái có nói về quẻ Khảm như sau: “ Về động vật thuộc lợn, cá, con vật sống trong nước, con hồ ly, loài thủy tộc”, có nghĩa chúng thuộc về thủy.  Bên cạnh đó, để ý bức tranh ta lại thấy một điều, chủ đạo của hai bức có lợn mẹ thuộc mầu xanh đen, cá mẹ là màu đen pha trắng, cả hai cũng đều có màu sắc thiên về thủy xét câu 天一生水,地六成之 “Thiên nhất sinh thủy, địa lục thành chi”. (Quẻ dương thủy ở một, thành ở âm thủy sáu). Rất ứng hợp với hai bức tranh trên. Hơn nữa bố cục chính và bao quát bức tranh là lợn mẹ và cá mẹ có kích thước và màu sắc khác hẳn năm lợn con, cá con. Đây chính là điểm nhấn mà nghệ nhân dân gian muốn đặc tả. Hơn nữa, về số trong phần tổng hợp thuyết quái ta thấy số 1 ứng với quẻ Khảm . Bên cạnh đó số lợn con và cá con là năm con, số 5 ứng với Khôn . Bởi vậy, ta sẽ có một quẻ hoàn chỉnh, Khảm trên, Khôn dưới. Đó chính là tượng của quẻ Tỉ ( Thủy - Địa: Tỉ), với các nét vạch sau:
          Quái từ của quẻ Tỉ có nói -, 原巫元永貞. 無咎, 不寧方來. 后夫凶 “ Tỉ, cát, nguyên vu, nguyên vĩnh trinh. Vô cữu bất ninh phương lai. Hậu vu hung” (Quẻ Tỉ tượng trưng cho sự thân cận giúp đỡ. Bói được quẻ này là tốt lành, đại cát. Lợi cho việc lâu dài, không có tai họa. Việc không yên ổn đến đâu hễ có đi là có đến. Chậm trễ tất gặp nguy hiểm.).
Chính vì tượng quẻ như thế mà trong bức tranh vẽ đàn lợn, đàn cá nghệ nhân dân gian muốn thông qua đó để thể hiện sự thân cận, xum họp đông đủ và cũng thể hiện việc cầu chúc con đàn, cháu đống như quẻ đã nói, lợi cho việc lâu dài, không có tai họa. Ấy là thể hiện cho đời này nối tiếp đời kia là vậy.
Ngoài những bức tranh mang toàn bộ tính quẻ như trên thì trong tranh dân gian Đông Hồ cũng có những bức tranh chỉ mượn ý hoặc lời đề ở một hào từ nào đó để truyền tải những ý cầu chúc sự tốt lành, sự may mắn, hạnh phúc cho bản thân hoặc gia đình. Điển hình trong những bức tranh ấy ta có thể kể đến bức tranh “Đại cát”

                                                                        ĐẠI CÁT

          Bức tranh trên có tựa đề là “Đại cát”, đại cát là lời của một quẻ bói tốt cho mọi công việc, và bản thân của người chiêm bốc được quẻ đó. Nhìn vào bức tranh ta thấy, chủ thể bức tranh là một chú gà trống đứng một chân, dân gian vẫn gọi là “Kim kê độc lập” (Gà vàng đứng một chân), thường các bức tranh cầu phúc, mong muốn sự cát vượng trong tranh dân gian Đông Hồ đa số dùng hình tượng gà. Vì theo thuyết quái truyện quẻ Tốn thuộc về động vật là “ Gà, các loại cầm, sâu bọ, rắn”. Tốn trong các quẻ kép của Dịch học gọi là phong, phong đồng nghĩa với ý nghĩa của phong lưu, phong thịnh. Vì lẽ đó tượng của các quẻ mang ý nghĩa tốt lành thường là những quẻ có thượng quẻ thường là quẻ Tốn . Đó là những quẻ sau:
             
    TIỂU SÚC                  QUAN               GIA NHÂN              ÍCH
               
        TIỆM                THUẦN TỐN            HOÁN               TRUNG PHU
          Qua đây, ta có thể thấy, tính quẻ thể hiện ra khá phong phú qua tranh dân gian Đông Hồ và hàm chứa nhiều ý tưởng sâu xa. Trong khoa học hiện đại tiêu chí để đánh giá mức độ chính xác và tin cậy của một luận điểm bao giờ cũng theo quan điểm “Một giả thuyết khoa học chỉ được coi là đúng nếu nó giải thích được hầu hết những vấn đề liên quan đến nó”. Chính bằng những nhận định sơ lược nhất qua hệ thống tranh dân gian Đông Hồ, người viết đã mạnh dạn đưa ra quan điểm riêng của mình, thông qua đó phần nào minh chứng thêm về tư tưởng Dịch học thông qua hệ thống tranh của làng Mái xưa kia ở một mức độ nhất định nào đó.

III – HỆ THỐNG CHỮ HÁN – NÔM TRONG TRANH ĐÔNG HỒ
            Tranh dân gian Đông Hồ đã góp phần không nhỏ vào việc lưu giữ vốn văn hoá cổ xưa của dân tộc, làm cho đời sống tinh thần của người Việt Nam thêm phong phú và đa dạng. Nếu bóc tách từng lớp văn hoá hiện trên mỗi bức tranh Đông Hồ cũng đủ cho chúng ta thấy vốn văn hoá Việt thuần khiết, trong sáng, đa dạng và vô cùng độc đáo. Các nghệ nhân Đông Hồ đã chuyển hóa những lời hay - ý đẹp, những kinh nghiệm đúc rút trong cuộc sống từ ngàn đời để lại vào tranh với những cách thể hiện rất riêng. Điều ấy đã được minh chứng qua việc trên những bức tranh Đông Hồ hệ thống chữ Hán – Nôm được sử dụng nhằm trang trí và thể hiện chủ đề của bức tranh rất phong phú thông qua những tứ thơ tình tứ, lãng mạn. Vì thế, thật là thiếu sót khi tìm hiểu về dòng tranh này mà lại bỏ qua một phần văn hóa khá đặc trưng như thế còn lưu giữ trong tranh. Qua đây, người viết xin được giới thiệu cùng bạn đọc hệ thống lời đề từ bằng chữ Hán – Nôm trên tranh dân gian Đông Hồ.
Trong tranh dân gian Đông Hồ, mỗi đề tài lại có lời đề từ khác nhau. Tranh lịch sử và tranh về các con vật lời đề từ thường đơn giản, ít màu sắc, đa số nói đến tên nhân vật, và vị thế của người hoặc con vật trong bức tranh đó. Duy đề tài sinh hoạt là phong phú hơn cả và lời đề từ trong chủ đề này cũng đa dạng nhất.
Trong tranh 打慳 “ Đánh ghen”, ta thấy xuất hiện câu thơ chữ Nôm
崔 又 抇 𢠣 爫  
之 調 生 事 辱 𨉟 辱 些
Thôi thôi vuốt giận làm lành
Chi điều sinh sự nhục mình, nhục ta.
Trong bức 興 “Hứng dừa” lại có câu.
𠸦 埃 窖 𢫡 𢧚 
帝 𨅹 低 興 朱 皮 𠬠 堆
Khen ai khéo dựng nên dừa
Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi
 Còn trong bức tranh “Trê – cóc” có đề câu thơ:
䇠 埃  乃 停又
揚 𩻟  𡏤 爭 行 拯 双
Giỏ ai quai nấy dành dành
Dương vây, giơ ngạch tranh hành chẳng xong
Ngoài ra, trên một số lượng lớn tranh Đông Hồ, lời đề từ chữ Nôm được thay bằng lời đề từ chữ Hán. Số lượng lời đề từ trong các tranh như thế cũng khá phong phú.
Tranh “Chăn trâu thổi sáo” có câu: 荷葉盖青青 "Hà diệp cái thanh thanh" (Lọng lá sen xanh xanh).
Còn trong bức “Chăn trâu thả diều” có câu: 舞秋風一相 "Vũ thu phong nhất tướng" (Một hình ảnh gió thu múa). Trong bức tranh “Chăn trâu thả diều”, còn có hai dị bản của lời đề từ khác nữa. Một bức có chữ 舞秋風一翼 "Vũ thu phong nhất dực" (Một cánh gió thu múa), bức kia có chữ 一相福禄田 "Nhất tương phúc lộc điền" (Một niềm hạnh phúc, may mắn của nhà nông).
          Trong tranh “Thầy đồ cóc” có câu: 老蛙講讀 “Lão oa giảng độc” (Lão ếch [cóc] giảng bài).
          Trong tranh “Kim kê phúc lộc thọ toàn” có câu 夜唱五更和 Dạ xướng ngũ canh hòa” (Đêm gáy năm canh hòa).
          Bên cạnh đó, trong dòng tranh Đông Hồ còn có một hệ thống tranh chỉ có lời đề tựa cho tên tranh như các bức:
三 陽 開 泰  
Tam dương khai thái
會 跮 𤛠
 Hội chọi trâu
董 天 王 大 破 賊 殷   
 Đổng Thiên Vương đại phá giặc Ân
徵 王 除 賊 漢  
 Trưng Vương trừ giặc Hán
吳 王 權 打 賊 漢
  Ngô Vương Quyền đánh giặc Hán
丁 先 皇
Đinh Tiên Hoàng
大 吉   Đại cát
礼 智   Lễ trí
仁    Nhân nghĩa
榮 花   Vinh hoa
富 貴   Phú quý…
Như vậy, thông qua hệ thống câu chữ Hán – Nôm thể hiện trên tranh dân gian Đông Hồ, phần nào đã cho ta thấy được tính phong phú và mang đậm nét văn hóa Việt Nam của dòng tranh dân gian này.
IV – KẾT LUẬN
Mỗi dòng tranh Dân gian ngoài những đặc điểm chung giống nhau, thì chúng lại có những đặc điểm riêng khác nhau. Sự khác nhau đó chính là những nét tô đậm thêm cho sự phong phú của kho tàng Nghệ thuật tranh dân gian truyền thống của người Việt. Tranh dân gian Đông Hồ không chỉ đóng góp vào dòng tranh truyền thống với các bức tranh mang những chủ đề như:
          Đề tài Lịch sử: thường gắn với các nhân vật lịch sử như các tranh: Hai bà Trưng, Bà Triệu, Đinh Tiên Hoàng cờ lau tập trận, Trần Hưng Đạo chiến thắng quân Nguyên...
Đề tài sinh hoạt như các tranh: Đấu vật, Đánh đu, Hội làng, Hứng dừa, Đánh ghen, Chăn trâu -thổi sáo, Chăn trâu - thả diều... Các tích văn học, hoặc dân gian: Kiều, Thạch Sanh, hoặc  tố nữ với Cầm, Kỳ, Thi, Hoạ...
Đặc biệt nổi bật là tranh các con vật như: các tranh Lợn: Lợn đàn, Lợn độc, Lợn ăn cây dáy. Các Tranh Gà: Gà đàn, Gà -Đại cát, Gà -Thư hùng, Gà trống - nghinh xuân. Tranh các con vật khác như: Vịt, Trâu, Mèo, Rồng - Rước Rồng, Hổ - Ngũ Hổ, Chuột, Cá, Cóc.
Đề tài tứ quý: Mai - Hạc (mùa Xuân), Phù dung - Chim Trĩ (mùa Hạ), Ngô Đồng - Chim Phượng (mùa Thu), Tùng - Chim Công (mùa Đông).
Con vật khi là đề tài riêng, hoặc khi được nghệ nhân sáng tạo em bé với gia cầm như bức Vinh hoa, Phúc Lộc song toàn với (em bé ôm gà trống), (em bé ôm rùa), (em bé ôm cá); hoặc đưa con vật vào tranh với lối ẩn dụ nhằm phản ánh nội dung xã hội con người như các tranh: Đám cưới chuột, Thày đồ Cóc, Trê cóc..
Bên cạnh đó, dòng tranh này còn góp phần vào mở rộng thêm tư tưởng bác học, làm cho nó nổi bật hơn những dòng tranh cùng thời. Đó là tư tưởng Dịch học thông qua các bức tranh, bằng những hình ảnh hiện lên cụ thể trong tranh, bằng những triết lý thông qua các hình ảnh được nghệ nhân dân gian sáng tạo. Tranh dân gian Đông Hồ đã thể hiện được khá rõ nét những ảnh hưởng của tư tưởng Dịch học. Chính vì mang trong mình tư tưởng như thế, mà dòng tranh này đã có được sức sống lâu bền và có sức cuốn hút với nhiều thế hệ người Việt Nam cũng như du khách nước ngoài. Đặc biệt với các nhà nghiên cứu, đó không chỉ bởi những đề tài trên tranh phản ánh đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị, gần gũi và gắn liền với văn hoá người Việt. Mà sâu xa hơn chính là những triết lý được thể hiện thông qua các bức tranh, và hiện lên rõ nhất mà chúng ta có thể thấy khi đi phân tích những bức tranh ấy. Tư tưởng sâu xa đó không phải tư tưởng nào khác, đó là tư tưởng Dịch học. Một tư tưởng đã có từ hàng mấy ngàn năm trước giờ hiện hữu thông qua hình ảnh của dòng tranh có tuổi đời chưa tới ngàn năm này. Một tư tưởng mang tính bác học và tràn đầy ý nghĩa nhân sinh quan trong đó.
Tài liệu tham khảo:
-         Dịch học nguyên lưu ( Đặng Văn Canh, NXB VHTT – 2002)
-         Luận bàn về Kinh Dịch ( Triệu Hướng Dương, Trương Hưng Toàn, NXBVHTT – 2002)
-         Kinh Dịch trọn bộ ( Ngô Tất Tố, NXB TPHCM – 1991)
-         Chu Dịch phổ thông ( Nguyễn Duy Hinh, NXB Cà Mau – 1995)
-         Dịch Học ( Chu Bá Côn, NXB VHTT – 2003)
-         Kinh Dịch cấu hình tư tưởng Trung Quốc ( Dương Ngọc Dũng, Lê Anh Minh, NXB Khoa học xã hội – 1999)
-         Âm dương ngũ hành với đời sống con người (Lê Văn Quán, NXB Văn hóa Dân tộc – 2002)
-         Chu Dịch tường giải” ( Nguyễn Quốc Đoan, NXB VHTT – 1998)
-         Tính minh triết trong tranh dân gian Việt Nam ( Nguyễn Vũ Anh Tuấn, NXB VHTT – 2002)
-         Kinh Dịch và hệ nhị phân ( Hoàng Tuấn, NXB VHTT – 2002)
-         Dịch học tinh hoa ( Nguyễn Duy Cần, NXB TPHCM – 1992).
-         Đồ họa cổ Việt Nam ( Phan Cẩm Thượng, Lê Quốc Việt, Cung Khắc Lược, NXB Mỹ Thuật – 1999).