Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

ẢNH HƯỞNG CỦA HỌC THUYẾT ÂM – DƯƠNG TRONG TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ

Nguyễn văn chiến
         Dịch học là một hệ thống tư tưởng rộng lớn, giá trị của Dịch học là ở “Học” chứ không phải ở “Thuật”. Bản thân Dịch học manh nha đã bao gồm hai loại “Học” và “Thuật”. Thuật chính là phép “chiêm bốc” để đoán định tương lai, số mệnh, còn học lại đi vào nghiên cứu, khảo chứng tư tưởng của Dịch nhiều hơn. Từ trước tới nay, khi nghiên cứu Dịch học, các học giả thường theo hai cách nghiên cứu truyền thống. Loại thứ nhất chuyên tâm vào việc chú giải văn tự, ngữ nghĩa trong Kinh truyện. Loại thứ hai thì chú trọng vào việc lý giải đạo lý hàm chứa trong Dịch học, với mong muốn làm rõ quan điểm Dịch học của mình, đồng thời đưa ra một hệ thống lý luận đồng bộ. Những tác phẩm Dịch học nổi tiếng từ cổ chí kim đều không nằm ngoài hai phương pháp nghiên cứu trên.
Nhưng ngày nay, khi nghiên cứu Kinh Dịch, cả hai hướng nghiên cứu trên đều rất đáng tham khảo nhưng đó không còn là hai phương pháp bất biến nữa. Vương Đức Hữu Phó tổng biên tập nhà xuất bản Đại Bách khoa toàn thư Trung Quốc có viết “ Ngoài hai phương pháp truyền thống trên ra, còn cần phải sử dụng phương pháp nghiên cứu khoa học mới, tức là coi bộ sách cổ Chu Dịch là một quá trình phát triển của lịch sử, cần phải đặt ba bộ phận Kinh, Truyện, Học vào từng bối cảnh lịch sử hình thành chúng để tiến hành phân tích, mổ xẻ, thảo luận nghiên cứu tiến trình phát triển tư duy lý luận của chúng một cách lôgíc, tổng kết quy luật phát triển của tư duy, tổng kết phương thức tư duy quan sát và xử lý sự việc, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm. Loại phương pháp này vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính phân tích, mà hai loại phương pháp trên không thể thay thế”.
          Chính vì lý do đó, mà trong những năm gần đây, tư tưởng Dịch học đã được soi rọi rộng hơn trong nhiều lĩnh vực trên cơ sở “tiến hành phân tích, mổ xẻ, thảo luận và nghiên cứu”. Vì thế, trong bài viết này, người viết cũng xin mạnh dạn cùng bạn đọc tìm hiểu “Tư tưởng Dịch học trong tranh dân gian Đông Hồ”, trên cơ sở phân tích qua từng bức tranh cụ thể. Mong rằng, độc giả cũng lượng thứ cho người viết khi không giới thuyết qua về Dịch học là gì? Hệ thống tư tưởng của nó ra sao? Bởi theo cách hiểu nông cạn của người viết, thì để thấy được sự mới lạ và hấp dẫn của bài viết ngắn này thì người đọc cũng đã phần nào hiểu khái lược nhất về Dịch học cũng như quan điểm lý luận của nó, trước khi tìm hiểu về tranh Đông Hồ.
Tranh Đông Hồ được sáng tạo từ bàn tay nghệ nhân làng Đông Hồ, làng Đông Hồ nằm ven sông Đuống, cách Hà Nội chừng 40 km về phía đông, xưa làng có tên gọi là Đông Mại (hay làng Mái) thuộc tổng Hồ, huyện Siêu Loại, trấn Kinh Bắc (nay là làng Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Đông Hồ có truyền thống vẽ tranh từ lâu đời. Theo tấm bia "Đông Hồ Tự Bi kí", khắc năm Chính Hòa thứ nhất (1680), ta thấy trên trán bia có chạm một đôi chuột đang giã gạo nằm trong hình mặt nguyệt. Vì chuột cũng là đề tài quen thuộc trong nghệ thuật dân gian, nên ít nhiều ta cũng có căn cứ để suy rằng Đông Hồ đã từng có nghề vẽ tranh tối thiểu cũng có từ ngày đó.
Trong các dòng tranh dân gian, tranh Đông hồ khá gần gũi với đại đa số dân chúng Việt Nam, nhắc tới dòng tranh này hầu như ai cũng biết. Tranh gần gũi vì nó gắn với làng quê, ngõ xóm, với cuộc sống lao động của người nông dân bình dị, chất phác và hình ảnh của nó đã đi vào thơ, văn. Một điều đặc biệt hơn nữa là trong tranh làng Hồ lại hàm chứa nhiều tư tưởng bác học khác, một trong những tư tưởng mà ta có thể thấy khá rõ trong dòng tranh này, chính là tư tưởng Dịch học. Một tư tưởng có từ hàng ngàn năm trước và được thể hiện khá sống động trong nhiều bức tranh của nghệ nhân dân gian làng Đông Hồ.
THUYẾT ÂM – DƯƠNG TRONG TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ
          Người Á Đông từ ngàn xưa quan niệm, vạn vật trong vũ trụ đều do một âm - một dương kết hợp lại mà thành. Vì thế, câu nói:一陰一陽之謂道   “Nhất âm, nhất dương chi vị đạo” ( Một âm, một dương gọi là đạo) đã dùng để khái quát tất thảy các quy luật của tự nhiên và xã hội. Đây chính là thành quả mang tính cô đọng của triết học Đông phương. Học thuyết nhất âm - nhất dương xuất hiện nhiều trong Dịch truyện và Hệ từ. Ở Dịch kinh khái niệm âm dương không thể hiện qua lời kinh mà được thể hiện bằng các vạch liền (dương), vạch đứt (âm) và khái quát cụ thể bằng hình tượng Lưỡng nghi. Như vậy, hình tượng âm - dương đã được phân định qua khái niệm Lưỡng nghi và nó trở thành nguyên tố cơ bản của học thuyết này.
1 – ẢNH HƯỞNG TỪ HÌNH TƯỢNG LƯỠNG NGHI.
Âm dương là một trong những học thuyết cơ bản nhất của Kinh Dịch, âm dương chính là sự cân bằng trời đất. Thể hiện cụ thể nhất mà ta có thể nhận ra đó chính là biểu tượng của Lưỡng nghi. Trong hệ Từ Chu Dịch có viết:易有太極,是生兩儀,兩儀生四象,四象生八卦,八卦定吉凶,吉凶生大業  Dịch hữu Thái Cực, thị sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái, Bát quái định cát hung, cát hung sinh đại nghiệp”       (Dịch có Thái cực, Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái, Bát quái định cát hung, cát hung sinh nghiệp lớn).
Thái cực chính là chỉ thế giới ở thể “hỗn mang chi sơ”, là khoảng vô tận không phân biệt, Lưỡng nghi chính là hình thế phân cực chia cái thế giới hỗn mang đó thành âm dương phân cực. Lưỡng nghi từ xưa đã được biến thể qua nhiều hình tượng và mỗi một hình tượng lại mang một cách cảm, cách nghĩ trên những bình diện khác nhau của các học giả. Như Lưỡng nghi của  Lai Tri Đức, thể hiện âm dương giao hòa song trùng
Hình Lưỡng nghi của Chu Đôn Di thể hiện âm dương giao hoà phân cực trong thể thống nhất.
Biểu tượng Lưỡng nghi hiện đại mà hiện nay chúng ta thường thấy Đông y sử dụng làm biểu tượng cho ngành của mình có phần đơn giản, và tương đối rõ nét trong việc phân biệt âm dương, lấy âm dương bổ khuyết.                                                                                                
Đồ hình của Lai Tri Đức                                                  Đồ hình của Chu Đôn Di          
 
Đồ hình Hiện đại
Ngược lại, trong tranh dân gian Đông Hồ sự tiếp biến biểu tượng Lưỡng nghi hiện lên tương đối rõ nét và thể hiện cụ thể bằng những nét vẽ mang tư tưởng mới thông qua triết lý Dịch học.
Đồ hình trong tranh dân gian Đông Hồ
Với cách thức diễn tả biểu thức Lưỡng như vậy ta thấy, ở tranh dân gian Đông Hồ, sự thể hiện biểu tượng Lưỡng nghi chủ yếu nhằm nhấn mạnh việc khởi nguồn cho âm dương giao hòa, khởi nguồn cho sự sinh trưởng bắt đầu. Chính vì lẽ đó, trong dòng tranh này, những bức vẽ mang hình tượng Lưỡng nghi thường là những bức tranh chúc phúc ( con cháu đầy đàn), sự sinh sôi phát triển, sự mạnh khoẻ…
Chúng ta hãy nhìn bức tranh “ Lợn đàn” sẽ rõ. Ở đây, biểu tượng Lưỡng nghi được dùng bằng hai màu tương phản thể hiện âm dương giao hòa và một đàn lợn với những con lợn to nhỏ thuộc năm hành ( Kim - Mộc - Thuỷ - Hoả - Thổ).
LỢN ĐÀN
Bức tranh thứ hai chúng ta có thể kể đến là bức tranh “Lợn nái hay lợn ăn cây dáy” cũng với những vòng xoáy Lưỡng nghi, thể hiện sự sinh sôi, phát triển.
LỢN ĂN CÂY DÁY
Một điều khá đặc biệt và đồng nhất với hệ tư tưởng Dịch học là việc tiếp nhận biểu tượng Lưỡng nghi ở tranh dân gian Đông Hồ cũng nhằm mục đích nói về sự sinh trưởng, phát triển theo kiểu “Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái…”.  Điều đó có thể minh chứng qua việc, đại đa số vật thuộc giống CÁI mới có biểu tượng Lưỡng nghi, ngoài ra không dùng Lưỡng nghi trong các thuộc tính khác nhiều. Hơn nữa, qua hình tượng lợn cũng phần nào minh chứng cho cội nguồn của sự sinh trưởng. Điều này được khẳng định hơn khi một lần nữa khoa học hiện đại minh chứng “Nơi nào có nước, nơi đó có sự sống”. Vì thế, nước là yếu tố cơ bản nhất để hình thành nên sự sống và là nhân tố đầu tiên cho sự phát triển sau này. Sách “ Hoàng Đế nội kinh” thiên “ Kim quỷ chân ngôn luận” viết: “ Bắc phương sắc đen thông với thận, thông khiếu ở nhị âm, tàng tinh ở thận, bệnh phát sinh ở khê. Về vị là mặn thuộc về thuỷ, thuộc về lục súc là lợn, thuộc về ngũ cốc là đậu, thuộc về bốn mùa ứng với sao thần, thuộc về âm là vũ, thuộc về số là sáu, thuộc về mùi là húc mục, do đó biết bệnh thường phát ở xương”. Còn trong “Chu Dịch tường giải” (Nguyễn Quốc Đoan, NXB VHTT 1998), phần tổng hợp về thuyết quái có nói về quẻ Khảm “ Về động vật thuộc lợn, cá, con vật sống trong nước, con hồ ly, loài thủy tộc”
Chính vì lẽ đó, biểu tượng Lưỡng nghi và hình tượng lợn ở trên, phần nào đã minh chứng thêm cho hệ thức phát triển của Dịch học. Trong Hệ từ hạ truyện có nói: 生生之謂易 “Sinh sinh chi vị Dịch” (Không ngừng sinh sôi gọi là Dịch). Vì vậy, ta thấy hình Lưỡng nghi trong tranh Đông Hồ khá giống với vòng trường sinh thể hiện qua Hà đồ tự nhiên trong Dịch học.
                   
Lưỡng nghi trên tranh Đông Hồ       Lưỡng nghi trong Hà Đồ tự nhiên
Bên cạnh đó, ngoài việc cầu mong sự sinh sôi phát triển “con đống, cháu đàn”, người nghệ nhân còn mong cầu sự mạnh khoẻ. Vì thế, biểu tượng Lưỡng nghi một lần nữa xuất hiện trong bức tranh “Rước trống”. Việc sử dụng Lưỡng nghi như vậy cũng chính là nhằm mục đích mong cầu sự mạnh khoẻ theo như dân gian quan niệm.
RƯỚC TRỐNG
Như trên đã trình bày, đa số vật thuộc giống CÁI mới được áp dụng hệ thức Lưỡng nghi. Nhưng nếu nhìn qua bức tranh “Rước trống”, nhiều người hẳn sẽ đặt câu hỏi và so sánh hai hình tượng lợntrống trong tranh rồi cho rằng hai thuộc tính này chẳng liên quan gì với nhau. Điều đó cũng không lấy gì làm ngạc nhiên cho người viết, chỉ có điều nếu độc giả lưu ý một chút thì sẽ hết hồ nghi, bởi người Việt từ xưa vẫn thường gọi những chiếc trống lớn là trống CÁI. Vì thế, Lưỡng nghi dùng trong việc thể hiện tư tưởng cầu chúc may mắn, mạnh khoẻ cũng không vi phạm vào cách thể hiện ý tưởng mang tính Dịch học như trên đã trình bày.
Một điều hết sức đặc biệt nữa là Lưỡng nghi sinh Tứ tượng theo tư tưởng Dịch học luôn được áp dụng một cách triệt để và sáng tạo. Chúng ta hãy chú ý và sẽ thấy, trong mỗi bức tranh, trên mỗi vật thể thì biểu tượng mang tính Lưỡng nghi bao giờ cũng đi đôi. Như vậy ta sẽ thấy công thức:
“2 âm +2dương = 4âm dương”
Trong tranh lợn thì: 2 âm + 2 dương = 4 âm dương
Trong tranh trống cũng cùng hệ thức như vậy, duy chỉ có điều là âm dương trên mặt trống không thống nhất mà được biến tấu theo hai hình thức khác nhau, nhưng màu sắc lại thống nhất, thể hiện cùng một loại hành (đen thuộc âm - hồng thuộc dương). Giữa mặt trống là Lưỡng nghi đen âm – hồng dương. Cả mặt trống thì, vành ngoài mặt trống đen thuộc âm, vành trong mặt trống hồng thuộc dương. Bởi lý của Lưỡng nghi là中貞外晦 “Trung trinh, ngoại hối” (Trong trắng, ngoài đen). Như vậy, ta cũng sẽ có tổng âm dương trên mặt trống là:
 2 âm + 2 dương = 4 âm dương
Như thế, qua hình tượng Lưỡng nghi trong tranh dân gian Đông Hồ, phần nào đã thể hiện được quan niệm về sự phát triển theo tư tưởng của Dịch học với công thức “Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái, Bát quái sinh cát hung, cát hung định nghiệp lớn”.
 2 –  TÍNH HÒA HỢP VÀ ĐỐI NGHỊCH CỦA ÂM DƯƠNG
Như trên đã trình bày, biểu tượng Lưỡng nghi đã thể hiện được đặc tính của sự phát triển và mang tính âm dương đăng đối khá rõ nét. Và có lẽ, tính đăng đối của âm dương như thế cũng dễ nhìn nhận ra hơn cả. Nhưng đó không phải là sự thể hiện đặc tính âm dương duy nhất trong dòng tranh này. Mà tính đối xứng thể hiện thuyết âm dương ngũ hành đã xuất hiện trong phần lớn tranh của làng Đông Hồ. Điều đó, ta có thể minh chứng và lý giải qua hàng loạt tranh cụ thể.
Trước tiên, ta xét những bức tranh phân tầng để dễ nhận ra điều này. Sau đó ta đi vào tìm hiểu những bức tranh không phân tầng và lý giải chúng cụ thể hơn.
Một trong những bức tranh Đông Hồ phân tầng nổi tiếng vào loại bậc nhất mà ta có thể kể đến là bức tranh “Đám cưới chuột”.
ĐÁM CƯỚI CHUỘT
Ở trong bức tranh này, chúng ta thấy, chủ đề và đối tượng chính được đề cập đến ở đây là “Chuột”. Vì thế, khi đi vào phân tích ta dễ nhận ra tầng trên bức tranh có bốn con chuôt, tầng dưới có tám con chuột. Xếp theo tỉ lệ phân chia trên dưới ta có được một biểu thức: trên một con/ dưới hai con. Tức là trên lẻ, dưới chẵn mang tư tưởng số học của Dịch, đó là số và số ngẫu. Dịch truyện có viết: 陽 卦 多 陰, 陰 卦 多 陽,其 故 何 也? 陽 卦 奇,陰 卦 偶“ Dương quái đa âm, âm quái đa dương, kỳ cố hà dã? Dương quái cơ, âm quái ngẫu.” ( Trong quẻ dương có nhiều âm, trong quẻ âm có nhiều dương, tại sao như vậy? Bởi quẻ dương lẻ, quẻ âm chẵn”. Qua đây ta có thể thấy, bố cục trong tranh phân tầng của làng Hồ khi âm dương xuất hiện bao giờ cũng theo cấu trúc “thượng dương – hạ âm” ( trên dương – dưới âm) và mang tính cát để thể hiện sự sinh trưởng.
Bên cạnh đó, số cơ và số ngẫu trong Dịch học không chỉ biểu hiện qua tranh phân tầng “Đám cưới chuột” mà biểu thức số học chẵn lẻ mang tính âm dương như thế còn biểu hiện qua nhiều bức tranh khác, điển hình chúng ta có thể kể đến hai bức tranh “Chơi cá” và “Chơi chim”.
                         
     CHƠI CÁ                                                CHƠI CHIM
Cả hai bức tranh “Chơi cá” và “Chơi chim” ở trên, số cơ và số ngẫu được biểu hiện rất cụ thể qua số lượng người và số lượng chim, cá. Ba đứa trẻ thuộc số lẻ, thể hiện tính dương, mạnh. Bốn con chim và cá thuộc số chẵn, thể hiện tính âm, yếu. Như thế tính mạnh đã chi phối được tính yếu, tính dương chi phối và điều chỉnh được tính âm.
Quay lại xét câu “Nhất âm, nhất dương chi vị đạo”. Rõ ràng ta thấy quan điểm theo tư tưởng Dịch học chính là cách thức thể hiện tính âm dương hài hòa trong một chỉnh thể bằng những con số đối lập rất cụ thể.
  Ngoài tranh phân tầng thì chúng ta có thể thấy, tính âm dương cũng được biểu hiện rất rõ nét qua tranh không phân tầng. Và tính âm dương trong các bức tranh không phân tầng như thế được thể hiện phong phú hơn tranh phân tầng và số lượng của chúng cũng phong phú hơn rất nhiều. Trước hết là cách thức thể hiện bằng hình tượng nam – nữ. Để thấy được điều này, chúng ta hãy phân tích qua một vài bức tranh cụ thể. Bức tranh đầu tiên ta có thể nhận ra cách thức biểu đạt âm – dương qua hình tượng nam nữ là bức tranh “Hứng dừa”.
HỨNG DỪA
Trong tranh “ Hứng dừa” thuộc tính âm – dương được biểu đạt bằng tính nam và tính nữ. Trong quan niệm lễ nghi dân gian của người Việt, cổ nhân từng nói “Tả dương, hữu âm; tả nam, hữu nữ; tả bình, hữu quả; tả chuông, hữu khánh”. Như vậy, con trai thể hiện cho tính dương, con gái thể hiện cho tính âm. Vì vậy, trong bức tranh trên tính âm - dương được thể hiện bằng phương pháp đối lập giữa hai thuộc tính, một đỏ đi với một xanh hoặc một trắng, một lẻ đi với một chẵn ( qua số dừa bên tay trái và tay phải người hái dừa), một đàn ông đi với một đàn bà, một bé gái đi với một bé trai.
Bức tranh thứ hai thể hiện tính âm dương qua hình tượng nam – nữ như thế ta có thể kể đến bức tranh “ Bịt mắt bắt dê”. Bịt mắt bắt dê là một trò chơi dân gian mang đậm tính phồn thực. Vì vậy, nam – nữ trong tranh được tô vẽ theo từng cặp mang ý nghĩa âm – dương giao hòa rất rõ.
BỊT MẮT BẮT DÊ
Trong lời Thoán của quẻ Khuê có nói: 二女同居, 其志不同行 “Nhị nữ đồng cư, kỳ chí bất đồng hành” ( Hai người con gái ở với nhau mà chí không cùng nhau). Quả đúng như vậy, chỉ khi nào âm dương giao hòa thì khi đó mới có sự phát triển; nếu như âm dương không giao hòa thì chẳng khác gì hai cô gái hoặc hai chàng trai ở cùng nhau và hiển nhiên là sự sinh sôi cũng không có. Nói rộng hơn, nếu không có âm dương kết hợp thì bất kỳ vật gì trong vũ trụ đều không thể sinh trưởng và hình thành nên được. Vì vậy, bức tranh “ Bịt mắt bắt dê”, chính là thể hiện tính phát triển qua sự kết hợp âm dương là thế.
Bên cạnh việc thể hiện tính âm dương mang nghĩa phát triển, thông qua hình tượng nam – nữ, thì trong tranh dân gian Đông Hồ việc dùng hình tượng nam – nữ để thể hiện tính xung đột của âm dương cũng khá phổ biến. Nhờ đó nó phản ánh tính xung đột của mối quan hệ xã hội giữa con người với con người. Điển hình của cách thức biểu đạt trên ta có thể kể đến bức tranh “Đánh ghen”.
ĐÁNH GHEN
Trong tranh “Đánh ghen”, chúng ta thấy xuất hiện một nam, một nữ nhưng nam nữ ở đây không tương đồng, thể hiện qua hai người phụ nữ đối với một người đàn ông và một bé trai. Như thế, nó cũng thể hiện âm dương không tương đồng “âm thịnh, dương suy”, nên việc xung chiến giữa âm dương hiển nhiên xảy ra. Bởi thế, thông qua việc thể hiện tính xung đột giữa âm dương, nghệ nhân dân gian đã khắc họa cảnh đánh ghen cũng là một cách thể hiện rất tài tình tính không tương thích của âm dương thông qua các nét vẽ.
 Qua mấy bức tranh vừa phân tích ở trên, phần nào cho ta thấy sự giao hòa của âm – dương và tính xung khắc của âm – dương thông qua hình tượng nam nữ. Khi âm dương giao hòa đăng đối, nó thể hiện sự phát triển; khi âm dương không tương đồng, nó thể hiện tính xung khắc, tranh đấu. Đó là tư tưởng mà nghệ nhân dân gian đã đồng nhất với quan điểm Dịch học. Trong Hệ từ truyện có nói: 天地氤氲,萬物化純,男女構造,萬物化生  “ Thiên địa nhân huân, vạn vật hóa thuần, nam nữ cấu tạo, vạn vật hóa sinh” ( Khi trời đất giao hòa thì mọi vật thuần túy, nam nữ kết tinh, muôn vật hóa sinh). Hay như câu: 剛柔相推, 變在其中“Cương nhu tương thôi, biến tại kỳ trung” (Cứng mềm xô nhau là biến đổi ở trong đó).
Như vậy, cương nhu, trời đất, trai gái đều là những phạm trù chỉ âm – dương, Trương Tái học giả đời Tống đã gọi biểu hiện đó là: 二端  “Nhị đoan” (hai đầu mối). Và hai đầu mối đó đã được phát triển rộng hơn nữa trong tranh dân gian Đông hồ bằng biểu thức trái – phải, có – không, trên – dưới. Tức là, cái gì được biểu hiện bên trái là dương, bên phải là âm; biểu hiện ở trên gọi là dương, không được biểu hiện và ở dưới là âm. Cụ thể hơn, chúng ta tìm hiểu qua một số tranh sẽ rõ.
Ở trên, tính âm dương biểu hiện qua vị trí trái phải đã được đề cập sơ lược, thông qua vị trí tay trái, tay phải và số dừa trong hai tay của người hái dừa trong tranh “Hứng dừa”. Nhưng để thấy rõ hơn biểu hiện của âm dương qua đặc tính trái phải, chúng ta cũng cần đi vào phân tích một vài bức tranh cụ thể sẽ thấy rõ hơn. Bức tranh đầu tiên chúng ta có thể bắt gặp hình tượng âm dương như thế là bức tranh “Đấu vật”.
ĐẤU VẬT
Tranh “Đấu vật” ở trên, nếu xét theo quan niệm dân gian qua câu nói“ Tả dương, hữu âm; tả nam, hữu nữ…”. Ta sẽ có tính âm dương được thể hiện qua tư thế “ tả - hữu” của các đô vật. Nếu như đô vật bên đông giơ tay trái thì đô vậy bên đoài sẽ giơ tay phải và ngược lại. Quan niệm âm dương theo tư thế trái – phải không chỉ thể hiện qua bức tranh đấu vật, mà nó còn thể hiện qua một số tranh khác như bức “Tam dương khai thái” vẽ hai chú gà trống, một con  nhấc chân trái – một con nhấc chân phải. Tranh “Chọi trâu” cũng có cùng cách biểu đạt như vậy.
Bên cạnh quan niệm âm dương trái phải thì quan niệm âm dương bằng biểu thức có – không; trên - dưới cũng được thể hiện khá nhiều trong tranh dân gian Đông Hồ. Chúng ta hãy xét qua một vài bức tranh cụ thể.
ĐINH TIÊN HOÀNG
Bức tranh “Đinh Tiên Hoàng” tính âm dương được biểu hiện bằng việc đối lập giữa hai người cùng thuộc tính nam, nhưng một người được thể hiện bằng có vật nắm trong tay và đưa lên cao biểu trưng cho dương, cương. Một người không có vật trong tay và hạ thấp biểu hiện cho tính âm, nhu.  Biểu thức có không, cao thấp như thế ta còn thấy qua các bức tranh khác như tranh “Múa lân”, “Rước trống”.














MÚA LÂN
RƯỚC TRỐNG
          Ta thấy tất cả số người trong tranh đều thuộc tính nam nhưng âm dương của nó biểu hiện bằng việc người có vật trong tay giơ lên cao biểu hiện cho dương, không có trong tay hoặc có trong tay mà hạ thấp là biểu hiện tính âm. Đây cũng là một trong những cách biểu hiện âm dương theo tư tưởng của Dịch học. Trong Hệ từ thượng có nói 天尊地卑,乾坤定矣, 卑高以陳,貴賤位矣 “Thiên tôn địa ti, càn khôn định hỹ, ti cao dĩ trần, quý tiện vị hỹ” (Trời cao đất thấp, đạo càn khôn đã định, thấp cao bày ra thì sang hèn chia thành ngôi).
          Rõ ràng, từ những phân tích qua từng bức tranh trên ta thấy tính âm dương trong tranh dân gian Đông Hồ phần nào chịu ảnh hưởng của tư tưởng Dịch học trên nhiều khía cạnh. Âm – dương giao hòa nhau, âm dương đan xen nhau, âm dương tàng chứa lẫn nhau và âm dương xung đột nhau. Nhưng đó không phải là ảnh hưởng duy nhất của Dịch học được thể hiện trong tranh dân gian Đông Hồ mà đặc trưng của Hà đồ và Lạc thư cũng được dòng tranh này tiếp nhận cụ thể.
Tài liệu tham khảo:
-         Dịch học nguyên lưu ( Đặng Văn Canh, NXB VHTT – 2002)
-         Luận bàn về Kinh Dịch ( Triệu Hướng Dương, Trương Hưng Toàn, NXBVHTT – 2002)
-         Kinh Dịch trọn bộ ( Ngô Tất Tố, NXB TPHCM – 1991)
-         Chu Dịch phổ thông ( Nguyễn Duy Hinh, NXB Cà Mau – 1995)
-         Dịch Học ( Chu Bá Côn, NXB VHTT – 2003)
-         Kinh Dịch cấu hình tư tưởng Trung Quốc ( Dương Ngọc Dũng, Lê Anh Minh, NXB Khoa học xã hội – 1999)
-         Âm dương ngũ hành với đời sống con người (Lê Văn Quán, NXB Văn hóa Dân tộc – 2002)
-         Chu Dịch tường giải” ( Nguyễn Quốc Đoan, NXB VHTT – 1998)
-         Tính minh triết trong tranh dân gian Việt Nam ( Nguyễn Vũ Anh Tuấn, NXB VHTT – 2002)
-         Kinh Dịch và hệ nhị phân ( Hoàng Tuấn, NXB VHTT – 2002)
-         Dịch học tinh hoa ( Nguyễn Duy Cần, NXB TPHCM – 1992).
-         Đồ họa cổ Việt Nam ( Phan Cẩm Thượng, Lê Quốc Việt, Cung Khắc Lược, NXB Mỹ Thuật – 1999).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét