Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

LỄ HỘI THÔN AN CẦU MỘT LỄ HỘI TÔN VINH VIỆC HỌC

Nguyễn Văn Chiến

Thôn An Cầu còn có một tên chữ là thôn An Đô (có nghĩa là Kinh đô yên ổn) vì nơi đây từng là đại bản doanh của Ngô Quyền xây dựng chống quân Nam Hán (939 - 967). Ngoài ra làng còn có tên Nôm khác là làng Gầu, thuộc xã Tống Trân, huyện Phù Cừ. Từ xưa, làng An Cầu nổi tiếng với truyện Nôm khuyết danh “Tống Trân, Cúc Hoa”. Nhưng danh sĩ biết đến ngôi làng nhỏ bé này nhiều hơn vì đây là quê hương của Lưỡng quốc trạng nguyên Tống Trân “Trạng nguyên tám tuổi thơm trời Việt”.
          An Cầu có 6 xóm, chia làm 2 khu nằm ngay bên bờ sông Luộc. Nếu sông Luộc được ví như một con rồng khổng lồ thì đoạn chảy qua An Cầu uốn khúc, ôm lấy làng và được tiền nhân truyền rằng đây là bụng, rốn rồng. Phần đất ở trong đê được ví như một con phượng đang múa, với cái đầu là phần đất của đền Tống Trân, hai cánh là xóm Kiều Nguyễn và Lê Xá.
Làng An Cầu có nhiều lễ hội trong một năm vì làng có nhiều di tích và thờ chín vị thần, gồm những vị: Tống Trân, Dương Tam Kha, Đoàn Thượng, nhị vị tướng quân Thiên Bồng, Phù Lưu, bốn mẹ con bà cung phi của Ngô Quyền. Nhưng đáng chú ý và có quy mô lớn nhất là lễ hội đền Tống Trân. Trước đây, mỗi năm làng mở lễ hội hai lần “xuân thu nhị kì” vào tháng hai và tháng tám âm lịch. Sau này, chỉ còn một lần bắt đầu từ ngày 10 đến 17 tháng 4 âm lịch hàng năm, trọng hội là ngày 14.
Ngày 10 - 4 sau khi tế lễ khai hội, nhân dân làm lễ rước mực (thực chất đây là một lễ hội rước nước). Nhưng vì sao trong làng lại gọi như vậy, có một câu chuyện truyền lại rằng: Tống Trân sau khi đỗ Trạng nguyên về vinh quy bái tổ, về đến làng quê mình nhưng chẳng có ai đón rước, vì dân làng và tầng lớp quan lại, chức dịch cho rằng Tống Trân còn quá ít tuổi, lại là con nhà nghèo sớm mồ côi cha, xuất thân từ tầng lớp thấp hèn của xã hội, nên không được đón rước. Bực mình ông đã ném nghiên bút xuống sông để quở mắng quan lại chức dịch trong làng. Chính vì điển tích này nên nhân dân đã gọi lễ hội rước nước là rước mực vì nước được lấy từ dòng sông Luộc nơi ông ném nghiên bút xuống. Nước sau khi được lấy lên sẽ rước cùng nghiên bút ở bến Đò Nông (nơi mà nhân dân cho rằng nghiên bút của Tống Trân còn nằm dưới đó)  về đền. Đi đầu đoàn rước kiệu thường là những người có học rồi mới đến các vị bô lão, sau là chức dịch. Kiệu rước mực được giao cho nam thanh, nữ tú khiêng, đặc biệt ưu tiên người có học.
          Ngày 11 - 12/4 là ngày các phe giáp (dòng họ) và nhân dân trong làng đến lễ và xin khước từ đức thánh. Tức là xin một chút “mực” từ chiếc choé đựng nước ở bến Đò Nông trong đền. Người ta tin rằng, nếu xin được một chút “mực” đó đem về xoa lên đầu trẻ con thì những đứa trẻ đó sẽ sáng dạ và học giỏi như vị Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân xưa kia.
          Đến ngày 12 / 4 sẽ tổ chức lễ rước kiệu từ các đền chùa trong làng cũng như các đền thờ Dương Tam Kha ở đền xóm Kiều Nguyễn, Đoàn Thượng ở xóm An Bến (Thượng Bến), bốn mẹ con bà cung phi ở xóm Lê Xá và chùa Cổ Lộng, Kim Liên, Thánh Ân về tụ họp ở đền  -  đình.
          Hội diễn ra cả ngày, đêm trên nhiều địa điểm khác nhau, trong lễ hội có hát chèo, quan họ, hát đối đáp, diễn tuồng, đánh cờ người . Ngoài các trò chơi trên thì hội ở An Cầu còn có múa lân, múa rối nước, đi cầu kiều, chọi gà, kéo co... Những người có học được mời làm cố vấn, trọng tài, đầu trò trong các môn chơi ở lễ hội.
Xưa kia, lễ hội diễn ra trong cả làng nhưng tập trung chính ở xóm Kiều Nguyễn, vì nơi đây có mảnh đất hình con ngựa chầu về đền Tống Trân. Tương truyền  đây là con ngựa do vua ban cho Trạng nguyên Tống Trân khi ông vinh quy bái tổ về làng. Bên cạnh đó, ở cánh đồng xóm Lê Xá có gò đất hình hổ phục quay đầu về đền Tống Trân. Truyền rằng, đây là con hổ đã mang tin báo của Cúc Hoa cho Tống Trân khi bị gia đình ép gả cho một tên địa chủ trong làng.
           Trong thời gian mở hội, những người có học từ tú tài trở lên về làng dự hội sẽ được giao cho việc tổ chức, tiếp đón khách (chức sắc trong vùng) và được ngồi mâm trên cùng các vị có vai vế trong làng. Những người này cũng được tham gia ban khước cho những dòng họ và những gia đình đến lễ, xin lộc từ đức thánh.
Ngày nay, lễ hội ở An Cầu đã giản lược hơn vì nhiều di tích đồ tế tự cũng như đồ để hành lễ không còn. Tuy nhiên, ngày 10 - 4 vẫn là ngày mở cửa đền, rồi mỗi hôm có một xóm đến tế lễ. Phần rước kiệu, có năm rước, năm không. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày 14 và 15 tháng 4. Phần hội có các môn thể thao như bóng chuyền, bóng đá và các trò chơi truyền thống như kéo co, bắt vịt, hát chèo, chọi gà, cờ tướng, cầu kiều.
Có thể nói, lễ hội thôn An Cầu là một lễ hội khá đặc biệt, nó thể hiện tinh thần hiếu học vốn có của một làng quê từ xưa nổi tiếng với những tác phẩm thơ văn, nổi danh với vị thần đồng trẻ tuổi. Nhưng hơn hết cả, đó là một lễ hội của sự thành kính những người tài đức và nêu cao giá trị của việc học trong tâm thức của nhiều thế hệ người dân ở vùng quê này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét