Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

CHÙA TƯỢNG SƠN VÀ DÒNG HỌ LÊ HỮU

Nguyễn Văn Chiến
Hà Tĩnh từ xưa vốn nổi tiếng địa linh nhân kiệt, nơi đây đã sản sinh ra nhiều thế hệ ưu tú. Hà Tĩnh cũng là nơi nâng đỡ và nuôi dưỡng những nhân tài của đất nước đến cư trú. Một trong những người như thế có Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, bậc đại y tông của nền y học dân tộc. Sau khi vào Hương Sơn nghiên cứu y dược, biên soạn những trước tác về y lý có giá trị cho đời sau, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác còn chú ý đến cả việc xây dựng những công trình văn hoá, tâm linh tại nơi này. Một trong những công trình do ông trực tiếp xây dựng hiện còn tồn tại đến nay trên đất Hà Tĩnh phải kể đến chùa Tượng Sơn.
Chùa Tượng Sơn có diện tích hơn một hecta, nằm trên địa phận làng Yên Hạ ( làng Quát), xã Tình Diệm, tổng Hữu Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nay là xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa được xây dựng vào thời Hậu Lê ( đầu thế kỷ XVII), kiến trúc theo kiểu chữ     Nhất (-). Chùa đã phải trùng tu lại nhiều lần, năm 1993 chùa trải qua đợt đại trùng tu và có quy mô như ngày nay. Chùa Tượng Sơn nằm xa khu dân cư, phía trước có sông Ngàn Phố ngăn cách chùa với làng, nên đã tạo cho nơi đây vẻ u tịch trong cảnh chùa và sự trang nghiêm nơi phật giới. Phía sau ngôi chùa có dãy núi Voi nên nhân đó các tín đồ đã đặt tên cho chùa là “ Tượng Sơn tự” ( chùa Núi Voi). Ngay đầu dãy núi Voi lại có ngọn khe băng qua ghềnh đá ngày đêm nước chảy ầm ầm, nên ngoài tên chữ là “ Tượng Sơn tự” thì chùa còn có tên Nôm khác là chùa “Ầm Ầm”.
Theo gia phả dòng họ Lê Hữu ở huyện Hương Sơn thì chùa Tượng Sơn do bà Tham đốc quận công nêu ra ý tưởng xây dựng đầu tiên, tham đốc phu nhân có hiệu phong là “ Tạ hiệu điểm, Đặng phùng hầu Bùi thứ”, bà là bà ngoại của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Nhưng vì hoàn cảnh nên ý tưởng xây dựng chùa bà không thực hiện được. Nhưng thật may mắn khi con gái  bà là Bùi Thị Thưởng vợ thứ của tiến sĩ Lê Hữu Mưu đã tiếp tục hoàn thành ý nguyện của mẹ và sáng lập nên chùa. Chùa được dựng chủ yếu để bà tụng phật, tu dưỡng, bên cạnh đó còn dùng để thờ phụng cha bà là “ Đăng quận công Bùi tướng công” và mẹ là “ Tham đốc quận công”. Hiện nay mộ của bà Tham đốc quận công đã được chuyển về vườn chùa.
Chùa Tượng Sơn được xây dựng dưới sự trực tiếp chỉ đạo của hai người con bà Bùi Thị Thưởng là Lê Hữu Tán và đại danh y Lê Hữu Trác. Buổi đầu chùa chỉ có duy nhất một gian dùng làm nơi an toạ toà tam bảo. Sau khi chùa Tượng Sơn hoàn thành, dòng họ Lê Hữu đã thỉnh sư thầy Thích Nguyên Khiết về trụ trì nhưng do tuổi đã cao nên không được bao lâu sư thầy viên tịch. Đến thời Nguyễn kế tục đạo tràng của thiền sư Nguyên Khiết về trụ trì chùa Tượng Sơn là thiền sư Phổ Quang thế danh (Lê Hữu Ân) con thứ sáu của ông Lê Hữu Thiên, cháu đời thứ ba của tiến sĩ Lê Hữu Mưu và là cháu gọi Lê Hữu Tán và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác bằng chú. Thuở nhỏ thiền sư Thích Phổ Quang theo nghiệp Nho học, ngày 1 tháng 11 năm Bính Tuất khi thiền sư hai mươi tư tuổi ông đã xuống tóc xuất gia và tu tại chùa Hoành Chung thuộc làng Hoành Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, được sư thầy thụ pháp và đặt phật tính là Phổ Quang. Năm Minh Mệnh thứ 16(1835), tháng 7 nhà vua mở khoa tăng thí, vua triệu tất cả các nhà sư tinh thông phật pháp ở hai mươi tám tỉnh trong cả nước dự thi, tổng số có một trăm bảy tư ưu tăng ra ứng thí. Kết quả đậu bốn mươi bốn vị, trong đó hạng giỏi có bốn vị, còn lại bốn mươi vị hạng dưới. Thiền sư Phổ Quang đậu thứ bảy và được nhà vua triệu vào đãi yến tại chùa Thiên Mụ ( Thừa Thiên Huế). Khi thiền tăng bái mạng ra về nhà vua đã ban cho ông một thanh long đao( dùng để cạo tóc), một đạo long điệp ( đạo sắc), tám lạng vàng, lương và tiền lộ phí để về quê. Đặc biệt trong dịp này nhà vua còn đặc ân ban cho nhà sư một quả ấn bằng vàng khắc năm chữ  “ LÊ TỪ QUANG CHI ẤN”. Quả ấn này hiện không còn nữa, sau khi từ Kinh Đô trở về chùa Tượng Sơn, thiền sư đã hưng công và tự xuất tiền ra dựng thêm lầu chuông, gồm hai tầng tám mái, đúc một quả chuông lớn có tên chữ là “Tượng Sơn tự chung” (chuông  chùa Tượng Sơn)  và khắc một bài ký ca ngợi công đức của phật tử. Đến năm Tự Đức 30( 1855) thiền sư Phổ Quang viên tịch tại Tượng Sơn tự, hiện nay tháp thờ ông vẫn còn trong vườn chùa.
          Kế tục sự nghiệp của thiền sư Phổ Quang là thiền sư Thích Tâm Đắc ( thế danh Phan Đình Hạp), thiền sư Tâm Đắc về chùa trụ trì trong một thời gian ngắn thì ngài giao lại việc trụ trì Tượng Sơn tự cho Tỳ Khiêu ni Thích Diệu Thông. Một thời gian sau, Tỳ Khiêu ni Diệu Thông lại nhường việc mở mang đạo tràng cho thiền sư Thích Quảng Vận (thế danh Lê Khả Cơ). Sau ba năm, kể từ ngày thiền sư Phổ Quang viên tịch thì chùa Tượng Sơn không đổi khác là mấy. Cho đến năm Tự Đức 33 (1858) thiền sư Thích Quảng Vận mới thực sự kế tục được đạo tràng trước kia của thiền sư Phổ Quang khi ông đứng ra hưng công trùng tu lại chùa Thượng, kiến thiết thêm tổ đường, làm nhà khách, dựng thêm hệ thống thập bát La Hán, lát bốn sân gạch, xây bể, trồng hoa, cây ăn quả, tổng  diện tích hơn một mẫu.
          Thiền sư Thích Phổ Quang cũng như thiền sư Thích Quảng Vận không những làm đạo tràng được rộng mở, phật sự tăng quang, thiện tín thêm tôn sùng Tam bảo, mà hai ông đã dựng nên một tín ngưỡng phát triển rộng rãi ở  vùng quê bé nhỏ này. Khi thiền sư Thích Quảng Vận viên tịch, người kế nhiệm ông trụ trì chùa Tượng Sơn là thiền sư Thích Nhuận Du. Nhưng thiền sư Nhuận Du ở đây được một thời gian ngắn thì lại được điều đi nơi khác.
Tính từ khi thành lập chùa đến năm Mậu Thìn, niên hiệu Bảo Đại 3(1928), chùa Tượng Sơn có tất cả sáu nhà sư trụ trì. Nhưng kể từ năm 1928 đến năm 1931 Tượng Sơn tự đã vắng bóng các nhà sư. Trước bối cảnh đó dòng họ Lê Hữu đã phải mở khai đản ba ngày để cầu siêu cho gia tiên, đồng thời cũng để thỉnh người về trụ trì chùa nhà. Trong dịp này họ Lê Hữu đã mời được sư thầy Thích Thanh Đăng đang trụ trì ở chùa Đá - Vinh về trụ trì chùa Tượng Sơn. Được một thời gian sư thầy lại quay về chùa Đá và viên tịch tại đấy. Đến năm 1940 dòng họ Lê Hữu lại thỉnh sư thầy Thích Tịnh Minh là đồ đệ của thầy Thích Kim Chương ở chùa Diệc Cổ lên trụ trì Tượng Sơn, thầy Tịnh Minh đã thu nạp một đệ tử là Tâm Châu rồi cho vào Huế học phật. Năm 1942 sư thầy Kim Chương viên tịch, nên thầy Thích Tịnh Minh phải quay về chùa Diệc Cổ trụ trì. Trước khi dời chùa Tượng Sơn, sư thầy Tịnh Minh đã nhờ hai ni sư là Thích Đàm Minh và Thích Đàm Thành ở chùa Số Bốn lên thay. Sau một thời gian (khoảng năm 1947), các chư tăng lại đăng cử sư thầy Thích Trí Viễn (thế danh Phan Học) về trụ trì. Năm 1948 tăng già và các cư sĩ đã tổ chức một tháng an cư do sư thầy Thích Mật Thể làm giáo thụ. Và từ đây dòng họ Lê Hữu đã xin nhường lại chùa Tượng Sơn cho tăng già Nghệ Tĩnh làm tu viện, gọi là “ TÙNG LÂM TU VIỆN”. Đến năm 1949 chư tăng đã cử ông Tuệ Châu cư sĩ lên thay thầy Thích Trí Viễn, để thầy Trí Viễn về Nghệ An nhận chức thư ký tỉnh hội phật giáo. Kể từ năm 1950 Tượng Sơn tự đã không có các nhà sư trụ trì nữa, việc quản lý và bảo vệ chùa đều do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm.
Giờ đây, chùa Tượng Sơn không còn là của riêng dòng họ Lê Hữu nữa,  nhưng Tượng Sơn tự luôn gắn với dòng họ đăng khoa kế thế Lê Hữu nổi danh một thời. Tượng Sơn tự là thế, thời gian đã phủ mờ lớp vàng son của một thời hưng thịnh phật pháp, những gì Tượng Sơn tự giữ lại đến nay không thực sự nhiều, để chúng ta có thể hiểu hết về ngôi chùa vốn là nơi hoằng đạo rộng khắp ở vùng quê Yên Hạ bé nhỏ này. Núi Voi còn đó, thác nước vẫn ngày đêm ầm ầm như  luôn gợi đến một ngôi chùa nằm khuất nẻo, ít người biết đến trong tiếng “ ẦM ẦM” vô tận của thời gian.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét