Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

HỘI TAO ĐÀN HƯNG YÊN DẤU TÍCH CÒN LẠI

Nguyễn Văn Chiến

Trên bầu trời văn học Việt Nam, trong mọi thời đại, mảnh đất Hưng Yên bao giờ cũng góp mặt những ngôi sao sáng nhất. Vạn vật có lúc thịnh, lúc suy và văn học cũng vậy. Nếu như từ thế kỉ X đến nửa cuối thế kỉ XIX nền văn học Hán – Nôm phát triển rực rỡ thì đến đầu thế kỉ XX nền văn học ấy dần mất đi thời hoàng kim. Nhiều bậc nhân sĩ đương thời đã tìm cách vực lại nền văn học này cho xứng tầm với những thế kỉ trước, nhưng sự thực họ đã không làm được và đành để cho nền Tây học lấn lướt. Chính trong bối cảnh ấy, tại mảnh đất Phố Hiến, đã xuất hiện một hội Tao Đàn. Hội này có tên đầy đủ là hội Tao Đàn Hưng Yên, một tổ chức được xây dựng cũng với mong muốn phục hưng nền Nho học và quy tụ khá nhiều nhân vật có tiếng đương thời tham gia như: cha con Tam Nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Phan Văn Ái…
Hội Tao Đàn Hưng Yên được thành lập vào thượng tuần tháng 3 năm Ất Tỵ (1905) theo ý tưởng của Tổng Đốc Hưng Yên thời bấy giờ là Lê Hoan khởi xướng. Ngay sau khi được thành lập, Lê Hoan đã cho xây dựng “Bình Thi lầu” giữa hồ Bán Nguyệt của Phố Hiến để làm chốn bình thơ cho các thành viên trong hội. Hơn nữa, Nguyệt Hồ cũng là nơi cảnh đẹp, dễ tạo thi tứ cho các văn nhân sáng tác, nên đây có thể được coi là nơi thích hợp nhất trên mảnh đất này. Bởi vậy, không cần phải là một tao nhân mặc khách, nhưng khi đặt chân lên Bình Thi lầu ở Phố Hiến du khách có thể nhận ra ngay những nét thơ mộng của hồ Bán Nguyệt. Đêm thanh gió mát, nhìn xuống hồ sẽ thấy trăng hiện lung linh, ngửa mặt lên nhìn trời thì cũng gặp một "gương hồ" thăm thẳm trong vầng trăng… Chẳng thế mà Chu Mạnh Trinh có làm bài thơ ca ngợi Đền Mẫu, trong đó có câu nói về cảnh đẹp của Nguyệt Hồ như sau:
Nhất hồ thu tẩy kính quang viên
Có nghĩa:
Mặt hồ thu đến rửa trong như chiếc gương
Còn trong bài phú Bán Nguyệt hồ, Lê Cù cũng viết:
Bóng nguyệt chênh chênh, tuần tám chín đôi vầng cao thấp,
Gương hồ vằng vạc, buổi ba thu một vẻ dưới trên
Chẳng biết có phải do cảnh đẹp dễ gợi nên những ý thơ hay cho tâm hồn thi sĩ hay không? Mà sau khi vừa thành lập hội Tao Đàn, Tổng đốc Lê Hoan đã tổ chức một cuộc thi vịnh Kiều ở ngay hồ Bán Nguyệt. Nhiều học giả vẫn cho rằng, cuộc thi vịnh Kiều mà Lê Hoan tổ chức là nhằm lôi kéo các nho sĩ từ bỏ con đường vận động cứu nước.
Dù quan điểm đó có đúng hay không thì cuộc thi thơ này xứng đáng được xếp vào hạng lớn nhất thời ấy. Trong ban giám khảo có cả Cụ Tam Nguyên Yên Đổ. Bài vở từ khắp các địa phương gửi về dự thi rất nhiều.
Là một danh sĩ quê Hưng Yên, dù rằng đã cáo quan về nhà vui thú điền viên, nhưng Chu Mạnh Trinh lại trở thành một trong những nhà thơ tham gia tích cực nhất cuộc thi vịnh Kiều. Ông gửi tới hội thi cả một tập thơ ngót hai chục bài với nhan đề "Thanh Tâm Tài Nhân thi tập", trong đó toàn những lời phun châu nhả ngọc, có nhiều câu rất thâm thúy, ẩn chứa tư tưởng mà ông ấp ủ. Hiển nhiên, Chu Mạnh Trinh xứng đáng được trao giải nhất trong cuộc thi này.
Ngay từ khi ra đời, hội Tao Đàn Hưng Yên đã phát triển rất nhanh và quy tụ được nhiều tầng lớp người có tài thi phú tham gia. Hàng năm, cứ vào tết Nguyên tiêu và rằm trung thu, hội đều tổ chức bình, vịnh, họa những bài thơ hay do hội viên đưa ra.
Tuy nhiên, vừa ra đời không lâu thì một số hội viên cự phách của hội ra đi như Chu Mạnh Trinh ( mất năm 1905), Nguyễn Khuyến ( mất năm 1909). Điều này có ảnh hưởng khá lớn đến tổ chức của hội. Nhưng phải đến cuối năm 1909 khi Lê Hoan thôi giữ chức Tổng Đốc Hưng Yên mà sang Hải Dương nhậm chức thì hội Tao Đàn Hưng Yên mới lâm vào cảnh thưa vắng người tham gia và thôi không hoạt động nữa. Từ đó, người đến Bình Thi lầu dần ít đi, rồi vắng bóng hẳn. Chỉ còn trơ lại tòa lầu lẻ loi soi bóng xuống hồ rồi cùng thời gian biến mất. Tuy nhiên, Bình Thi lầu không còn nhưng dấu tích năm nào của tòa lầu vẫn hiện hữu giữa hồ Bán Nguyệt ngày nay như minh chứng về một hội Tao Đàn năm nào.
Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian không dài, nhưng với số hội viên đông đảo, hội Tao Đàn Hưng Yên đã trình làng khá nhiều tác phẩm có giá trị. Đáng tiếc là những tác phẩm còn lưu giữ được đến nay không đầy đủ như vốn có, ước chừng còn lại phần ba, phần tư gì đó. Nhưng may mắn là những tác phẩm còn lại đều là những bài thơ vịnh ca ngợi cảnh đẹp của Hưng Yên như tập “ Văn miếu thập vịnh, Hưng Yên thập cảnh”. Chúng tôi mong rằng sẽ giới thiệu dần đến độc giả những bài thơ còn lưu lại của hội Tao Đàn Hưng Yên trong một thời gian không xa, để chúng ta cùng hiểu thêm về cảnh đẹp của xứ sở nhãn lồng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét