Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

NHỮNG TÊN GỌI CỦA "PHỐ HIẾN" TRONG LỊCH SỬ

Nguyễn Văn Chiến 

T lâu, câu ca Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến” như một minh chứng  khẳng định cho vị thế của cảng sông Phố Hiến ở Đàng Ngoài. Mặc dù, tên gọi Phố Hiến đã quen thuộc với đại đa số người dân Việt Nam, nhưng không mấy người biết được sự ra đời và thay đổi tên gọi Phố Hiến diễn ra như thế nào? Suốt nhiều năm qua, câu hỏi này đã trở thành tâm điểm chú ý của nhiều nhà nghiên cứu về Phố Hiến trong và ngoài nước.
Theo các nhà nghiên cứu nước ngoài thì Phố Hiến ra đời khá muộn, G.Dumoutier cho rằng, với việc thương nhân Hà Lan đặt thương điếm ở đây vào năm 1637 Phố Hiến mới ra đời. Quan điểm này cũng được A.Shreiner tác giả của Lược sử Annam tán đồng. Kim Vĩnh Kiện một nhà nghiên cứu về ngoại thương của Trung Quốc cũng đồng tình và cho rằng Phố Hiến ra đời không sớm hơn năm 1663 là năm chúa Trịnh dồn dân Hoa Kiều về khu vực riêng.
Thực chất, Phố Hiến đã xuất hiện và phát triển thành cảng sông từ sớm hơn thời gian mà các nhà nghiên cứu nước ngoài nhận định rất nhiều. Ngược dòng lịch sử, chúng ta có thể thấy, ngay từ thế kỷ X Phố Hiến đã manh nha phát triển thành trung tâm buôn bán khi Tướng quân Phạm Phòng Át chọn nơi đây làm thủ phủ cát cứ. Tuy nhiên, thời gian này vùng đất đô hội sau Kinh kỳ vẫn chưa được định danh bằng tên Phố Hiến mà được gọi với tên Đằng Châu.
Đến đời Lý, một địa danh mang tên Cư Liên được nhắc tới trong Đại Việt Sử Ký toàn thư "Vào năm 1069, vua  Lý Thánh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành không được phải rút về; nhưng khi đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên phi Ý Lan thay vua ở nhà coi việc triều đình rất uy nghiêm, bèn trở lại chiến trường và đã thắng được quân giặc". Sau khi khảo qua một chuỗi ngữ âm gần giống nhau như Hưng Yên – Cư Liên – Hiến, nhiều nhà sử học đã đoán định địa danh Cư Liên mà Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại có thể là vùng đất Phố Hiến thời đó. Vì thế, vào thời Lý, Phố Hiến rất có thể mang danh xưng là Cư Liên.
Sang thế kỷ XIII, dưới triều Trần, Phố Hiến đã có bước chuyển mình tạo đà cho ngoại thương phát triển khi những người Hoa lánh nạn giặc Nguyên sang đây thành lập nên làng Hoa Dương và những người Việt từ các địa phương khác cũng lần lượt đổ về buôn bán, sinh sống trên mảnh đất này. Khi đó, người ta vẫn còn biết đến một Phố Hiến với tên gọi Xích Đằng.
Sang đến thế kỷ XVI, một danh xưng mới cho Phố Hiến bắt đầu xuất hiện, đó là Vạn Lai triều và danh xưng này tồn tại một thời gian khá dài. Đại Nam nhất thống chí có chép như sau: “Cung cũ Hiến Nam” ở địa phận xã Nhân Dục, huyện Kim Bảng là lỵ sở trấn Sơn Nam đời Lê: “Phàm người nước ngoài đến buôn bán ở đây thì gọi là Vạn Lai Triều, phong vật phồn thịnh, nhà ngói như bát úp”. Trên bia Đỉnh kiến Tả đô đốc Thiếu bảo Tước quận công tặng Thái bảo Anh Linh vương Lê công từ bi ký, khắc năm Bảo Thái thứ 4 (1723). Người soạn văn bia là Trần Đế Đào (quê huyện Tấn Giang tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) nguyên là tàu trưởng tàu Hải Nam đến cư trú ở Vạn Lai Triều có ghi: “… Thấy non sông này văn nhân tài giỏi, võ sĩ siêu quần, quốc thể âu vàng bền vững, bọn chúng tôi thường cùng nhau tấm tắc ca ngợi. Về chỗ tàu thuyền ra vào tấp nập thì Vạn Lai Triều là nơi thuyền buôn dừng đậu, người Bắc quốc sang buôn bán đến nay đã mấy chục năm được an cư lạc nghiệp, không kể xa gần đều vui đến quần tụ nơi đây.”
Vạn Lai Triều là tên gọi quen thuộc đầu tiên dùng để chỉ cho vùng đất Phố Hiến mà sử sách còn ghi lại; ngoài sử sách, chúng ta có thể gặp địa danh Vạn Lai Triều trong văn thơ như:
Bến Nễ Độ gió nâng buồm gấm
Phố Bắc Hòa nguyệt ngắm rèm thưa
Thú đô hội trong ngoài chẳng thiếu
Vạn Lai triều là tiểu kinh đô.
Ngoài tên gọi Vạn Lai Triều, chúng ta còn gặp một tên gọi quen thuộc thứ hai nữa là Hiến Nam. Năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1625), trên bia đá chùa Hiến có chép về sự sầm uất của vùng đất Hiến Nam khi đó như sau: “Hiến Nam danh thị tứ phương tiểu Tràng An dã” (Phố Hiến Nam nổi tiếng là nơi tiểu Tràng An của bốn phương tụ hội). Trong Đại Nam nhất thống chí phần ghi về chợ và phố cũng có đoạn chép như sau: “ Đời Lê, Vạn Lai triều và dinh Hiến Nam đều ở đây; hai phố này nhà ngói như bát úp”. Như thế, đời Lê, hai danh xưng đã được ghi lại trong Đại Nam nhất thống chí là Vạn Lai triều và Hiến Nam để chỉ cho Phố Hiến.
Khoảng cuối thế kỷ XVII, Phố Hiến đã được các sử gia gọi bằng một danh từ khá gần gũi với cách gọi của người dân bản địa là Hiến Nội, như thế Hiến Nội  là danh xưng thứ ba của Phố Hiến. Danh xưng Hiến Nội không chỉ xuất hiện trong sách sử mà chúng ta còn thấy xuất hiện khá nhiều trong thơ văn. Ở bài Hoa Dương hoài cổ, ngay câu mở đầu, Phạm Đình Hổ có viết:
Tự thiếu tằng văn Hiến Nội hảo
Ti lai Hiến Nội quá điêu hao
Có nghĩa:
Từ nhỏ từng nghe Hiến Nội rất đẹp
Đến nay Hiến Nội quá điêu tàn, sa sút
 Còn trong Nguyệt Hồ phú, Lê Cù không chỉ nói đến danh xưng Hiến Nội mà ông còn nhắc lại danh xưng Hiến Nam từng vang bóng một thời trong tiềm thức của người dân bản địa:
Dấu Đằng Giang còn nức tiếng sứ quân
Chữ Hiến Nội hãy ghi lời bác Khách
Và câu:
Đền phủ Khoái chỉn bậc nhì danh thắng
Cảnh Hiến Nam giành đệ nhất phong quang
Khoảng năm 1637, Phố Hiến còn có một tên gọi khác là Phố Khách. Trong tác phẩm của mình, G.Domoutier có viết “Harsink không xin mở được thương điếm ở Thăng Long nên đành xuôi xuống Phố Khách lập một thương điếm cho công ty Đông Ấn Hà Lan và thương điếm này nhanh chóng làm ăn thinh vượng”. Như vậy, thời gian này Phố Hiến được người nước ngoài gọi bằng tên Phố Khách (tức là phố của người Hoa) vì người Hoa đã sinh sống rất đông đúc ở đây.
 Đến năm 1688 khi Phan Đình Khuê có chuyến qua vùng đất Phố Hiến xưa và ông chép lại trong tập An Nam ký du của mình về Phố Hiến bằng một tên gọi khác là phố Thiên Triều.
Vào khoảng năm 1709 Phố Hiến có một tên gọi nữa là Hiến Doanh, trên bia chùa Chuông mặt “Nhân Dục xã, cổ tích truyện” ghi tên địa danh Hiến Doanh, còn trong Trịnh gia phả kí cũng có một bài thơ Nôm do Gia Quận công từng làm trấn thủ Sơn Nam viết dâng chúa Trịnh có đoạn như sau:
Vâng mệnh Sơn Nam trấn Hiến Doanh
Khổn thần tưởng vọng lấy lòng thành
Song mai hiệu đặt vài bàn thiếc
Tứ quý danh xưng bốn bức tranh…
Đến năm 1717, khi vẽ bản đồ về địa danh Phố Hiến Robert đã dùng danh từ Hean để chỉ cho vị trí thương cảng nổi tiếng ở Đàng Ngoài này. Như thế, danh từ Hean cũng được người phương Tây dùng để chỉ cho thương cảng Phố Hiến.
Sang triều Nguyễn, Phố Hiến đã được định danh bằng tên gọi của tỉnh khi vua Minh Mệnh cho thành lập tỉnh Hưng Yên vào năm Minh Mệnh thứ 12 (1831). Từ đó, tên gọi Phố Hiến không còn được sử dụng để ghi trong các công văn đương thời. Lịch sử sang trang, sông Hồng đổi dòng, Phố Hiến mất dần vị thế của một thương cảng. Sau khi triều đình phong kiến bị đánh đổ, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên nắm quyền. Đến ngày 15-8-1946 Ủy ban hành chính Bắc Bộ ra Nghị định số 1216 về việc thành lập thị xã Hưng Yên. Công báo nêu rõ: “Nay thành lập tỉnh Hưng Yên một thị xã, có chia khu đặt tên là thị xã Hưng Yên, bắc giáp làng Xích Đằng và Nhân Dục thuộc huyện Kim Động; tây giáp sông Nhị Hà; nam giáp làng Nhân Dục, Mậu Dương và Lương Điền, huyện Kim Động. Thị xã Hưng Yên chia hai khu phố Đấu Lĩnh và Đằng Giang. Phía nam thị xã giáp làng An Vũ huyện Kim Động”. Từ đây, thị xã Hưng Yên, thủ phủ của tỉnh Hưng Yên đã xuất hiện và trở thành đơn vị hành chính quan trọng nhất của chính quyền tỉnh.
Sau khi thực dân Pháp quay lại chiếm đóng Hưng Yên, đến ngày 12-5-1950 chúng đã đổi địa danh thị xã Hưng Yên thành quận Phố Hiến trực thuộc tỉnh Hưng Yên. Đổng lý văn phòng Thủ hiến Bắc Việt Vũ Quý Mão ký Nghị định số 1979 THP-ND cho thành lập quận hành chính Phố Hiến trở thành một đơn vị hành chính, thủ phủ của tỉnh Hưng Yên do Thực dân Pháp cai quản.
Ngày 6-8-1954 sau khi thực dân Pháp bị đánh đổ hoàn toàn, chính quyền của ta đã quay lại tiếp quản thị xã Hưng Yên và đặt lại đơn vị hành chính theo Nghị định 1216 ngày 15-8-1946. Thị xã Hưng Yên từ đó đi vào ổn định và phát triển, xứng đáng là đơn vị hành chính của tỉnh Hưng Yên.
Ngày 19-1-2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 04/NĐ - CP về việc thành lập thành phố Hưng Yên thuộc tỉnh Hưng Yên. Theo đó, thành phố Hưng Yên thuộc tỉnh Hưng Yên được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Hưng Yên. Thành phố có diện tích tự nhiên 4.685,51 ha, phía đông và nam giáp huyện Tiên Lữ, phía tây giáp tỉnh Hà Nam, phía bắc giáp huyện Kim Động.
Trên đây là những nét sơ lược nhất về quá trình thay đổi và đan xen tên gọi của Phố Hiến trong tiến trình lịch sử. Mặc dù, tên gọi Phố Hiến không còn tồn tại như một đơn vị hành chính của tỉnh và không được dùng trong các văn bản hành chính để chỉ cho vùng đất này nữa nhưng danh xưng Phố Hiến vẫn mãi là niềm tự hào của người Hưng Yên nói riêng và người dân Đàng Ngoài nói chung.

6 nhận xét:

  1. Tôi cũng rất tự hào vì là một người con của Phố Hiến - Hưng Yên. Đi tới đâu tôi cũng tự hào mình là người con của Hưng Yên.

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết của anh rất hay, em cũng đang tìm hiểu về Phố Hiến để làm bài môn Cultural Heritage. Sau này có gì không hiểu, anh cho em thỉnh giáo nhé! :))

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn anh về bài viết hữu ích này! Một lần, tra trên google một số thông tin về Hưng Yên, tình cờ em bắt đọc được bài viết của anh. Em thấy anh có rất nhiều bài viết về HY. Chắc anh là nugời con xứ nhãn đúng không ạ?
    Em đang làm khoá luận về chùa Nguyệt Đường ở HY nhưng gặp nhiều khó khăn quá. Anh có thể hướng dẫn cho em một chút được không ạ? Em quê ở Kim Động. em cảm ơn anh nhiều!

    Trả lờiXóa
  4. Chùa Nguyệt Đường có người làm rồi mà, năm 2003, tôi có giúp một bạn làm về ngôi chùa này. Bạn có thể tham khảo thêm bài "Nguyệt Đường tự, dấu tích còn lại" của Nguyễn Văn Chiến - TC Xưa và Nay, số 217 – tháng 8 - 2004. Hiện chùa Xích Đằng của thầy May không bao quát được Nguyệt Đường tự xưa kia đâu, ở đó giờ còn mấy văn bia (Lê -Mạc), vài tượng tổ, bức hoành phi "Linh quang" của vua Cảnh Hưng và mấy câu đối là cổ, còn lại làm mới cả. Mà không biết bạn làm về di tích, hay di văn ở đấy nhỉ?

    Trả lờiXóa
  5. Em làm về di tích anh ạ. Đề tài của em là :Tìm hiểu về ngôi cổ tự Nguyệt Đường - danh lam trấn Sơn Nam một thời. Em tìm tài liệu nhưng anh cũng biết rồi đấy, rất hiếm tài liệu viết về chùa Nguyệt Đường, mà bản thân ngôi chùa cũng không còn nữa, chỉ còn mấy ngôi tháp đá, tháp gạch và mấy tấm bia thôi. khi em tìm thông tin trên mạng thì thấy bài viết "vấn đề lịch sử văn miếu Hưng Yên của anh", trong đó có nói một chút về chùa Nguyệt Đường.
    Anh có thể gợi ý cho em một số tài liệu về chùa được không ạ?
    Em cảm ơn anh!

    Trả lờiXóa
  6. Tài liệu về chùa Nguyệt Đường có lẽ đầy đủ nhất trong tất cả các di tích ở Hưng Yên, thậm chí còn có phần khảo tả di tích rất chi tiết, qua đó chúng ta có thể khôi phục lại di tích này theo đúng nguyên trạng từ xưa. Bạn có thể đọc "Toàn tập Minh Châu Hương Hải thiền sư" của Lê Mạnh Thát, "Hương Hải thiền sư ngữ lục" của cụ Thích Thanh Từ... hai cuốn này dễ dàng download từ trên mạng. Bạn có thể vào văn miếu Hưng Yên, thư viện Hưng Yên trong đó còn một vài tài liệu mình viết có đề cập đến chùa Nguyệt Đường. Về chùa Nguyệt Đường trên Tạp chí Phật học năm 2005 mình có viết về ngôi chùa ngày khá chi tiết, bạn có thể tham khảo thêm.

    Trả lờiXóa