Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC CỦA NGƯỜI HƯNG YÊN QUA CÁC GHI CHÉP HÁN NÔM VÀ LỄ HỘI TIÊU BIỂU

Nguyễn Văn Chiến

Truyền thống hiếu học và coi trọng trí thức là một truyền thống quý báu của dân tộc ta, truyền thống đó đã ăn sâu vào tâm khảm mỗi người dân Việt. Ngay từ thuở lập nước thì việc bồi dưỡng nhân tài, xây thành, đắp lũy, thủy lợi, trị an… bao giờ cũng được các bậc quân vương, minh chúa lưu tâm. Bởi “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vượng thì thế nước mạnh và đi lên, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi đi xuống”. Vì thế, từ khi khoa cử ra đời, thời nào cũng có những bậc hiền sĩ, nhân tài xuất hiện giúp sức vào việc củng cố nền thịnh trị của quốc gia, làm rạng danh cho đất nước. Từ đó, những Văn Miếu, Văn bia được dựng nên để lưu danh những hiền nhân. Và ở Hưng Yên cũng vậy, Văn miếu được xuất hiện cũng không ngoài mục đích đó; tôn thờ đạo Nho, lưu danh tiến sĩ. Từ đó,nó trở thành một tượng đài bất tử về tinh thần hiếu học ngàn đời của mỗi người dân Hưng Yên.
          Được biết đến là vùng quê có 4 làng hiếu học nằm trong tốp 10 làng hiếu học cả nước, Hưng Yên đã trở thành vùng quê nổi bật hơn cả về tính hiếu học. Trong Đai Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn có viết về phong tục ở Hưng Yên như sau: “kẻ sĩ gắng học,  nhà nông chăm cày, ưa tiết kiệm, tránh xa xỉ”... Theo thống kê, toàn tỉnh Hưng Yên có 163 vị đại khoa, đặc biệt ở Hưng Yên truyền thống hiếu học thường theo làng, xã sau đó là đến dòng họ. Đơn cử họ Dương ở Lạc Đạo – Văn Lâm có 1 trạng nguyên và 8 tiến sĩ, Họ Đỗ ở Lại Ốc – Văn Giang, họ Nguyễn ở Thổ Hoàng – Ân Thi, họ Tô ở Xuân Cầu – Văn Giang… Các vị đại khoa ở Hưng Yên cũng đăng khoa từ sớm mở đầu cho nền khoa cử xứ đông  như  Đỗ Thế Diên (1115), hay đỗ đạt khi tuổi đời còn rất trẻ như Nguyễn Trung Ngạn đỗ Hoàng giáp năm 16 tuổi.
Không chỉ có tính hiếu học mà người Hưng Yên còn rất coi trọng trí thức; điều đó có thể nhận thấy qua hương ước và quy định khuyến học của các làng, xã trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Đơn cử như quy định của các làng:
Qui định về khuyến học ở Lạc Đạo
Năm Bảo Đại thứ năm (1930) các thôn hào đã sửa bản điều lệ cũ, trong đó có một số điều quy định về việc đề cao việc học, khuyến học như sau: 
          Điều 5:  Mệnh bái chủ tế chọn dùng người khoa bảng, chức sắc phẩm hàm rồi mới đến chánh phó tổng tại chức, tiếp đến là các cụ cao tuổi có đức hạnh được ứng tế. Nếu chưa khao vọng thì chưa được tế.
          Điều 8: Người nào có lễ vọng vào tư văn nạp tiền năm đồng. Suy rộng ra từ khoá sinh trở lên đến người có văn bằng tốt nghiệp; người đứng đầu thì từ chánh phó lý, thủ quĩ, thư ký trở lên mới được vọng.
          Điều 10: Người nào thi đỗ cử nhân, tú tài hoặc sĩ hoạn cao đẳng, chánh phó tổng làm khao mừng. Từ thanh hội phải lo làm đối trướng để chúc mừng. Nếu có vị nào tạ thế cũng có lễ phúng 5 đồng bạc.
          Điều 21: Vị chủ tế phải trong hàng khoa mục phẩm hàm rồi mới đến chánh hội, lý trưởng cao tuổi.
          Điều 22: Khoa trường từ tú tài, cử nhân, người học cao, khoa hoạn khao vọng tư văn qui định biếu một đầu lợn, 1 cỗ xôi, 1 bình rượu, 5 quả cau. Rồi đến chánh phó tổng,  mỗi vị được biếu thêm 3 quả cau.
          Điều 24: Khoá sinh từ Hán học sang Tây học mà trúng tuyển  có văn bằng trở lên, khao vọng xong thì được vào sổ tư văn.
          Điều 28: Người nào khoa mục phẩm hàm, được suy tôn ngồi chiếu trên còn như các vị khác theo tuổi tác mà ngồi.
Qui định về khuyến học ở Phú Thị
Theo bản hương ước làng Phú Thị được sao lại y như bản chính ngày 27 tháng 8 năm 1942 để trình tri phủ Khoái Châu, tại điều 31 chương 13 quy định: nhà nào có con trẻ từ 8 tuổi giở lên phải cho ra trường mà học. Lương - Hương sư đã có ruộng học điền đấu giá xung quỹ, cứ đến cuối tháng đến chánh hội mà lĩnh lương, hoặc lên phủ lĩnh. Làng bố trí 8 mẫu 6 sào ruộng Đạo Hạ làm ruộng học điền do Hương Lý đứng ra đấu giá, được bao nhiêu hoa lợi đem sung vào quỹ để chiểu phát cho Hương sư chia làm 12 tháng.
Cũng theo Hương ước của làng, chương 21, điều 53 quy định về thứ vị trong làng: Theo quan chế, những người đỗ đại khoa, trung khoa, tri huyện đến quan nhất phẩm thì dân làng bản tổng, bản xã phải xây dựng cho họ một dinh riêng; khi chết cũng phải lập một cái miếu riêng để thờ
Hương ước cũng quy định: Ông tiến sỹ Tây học (chữ Pháp) ngồi ngang với ông tiến sỹ Hán học (chữ Hán). Ông có bằng tốt nghiệp Cao đẳng cùng các ông kỹ sư chuyên môn ngồi ngang với ông cử nhân chữ Hán. Ông có bằng tốt nghiệp sơ học yếu lược ngồi ngang với ông nhất nhì trường chữ Nho. Việc phân ngôi thứ, bậc thật rõ ràng nên đến ngay hội làng hay có việc họp bàn tại đình làng cứ chiểu theo thứ vị mà ngồi.
   Những người đỗ đạt, học trò, thầy đồ, hay những người có phẩm hàm... được miễn không phải đi canh phòng làng, xã. Gia đình nào nghèo mà con đến tuổi đi học, không có tiền mua giấy bút thì phải xuất tiền công quỹ của làng ra mua giấy mực cho chúng để chúng có thể đi học như những bạn cùng trang lứa.
Qui định về khuyến học ở Thổ Hoàng
Buổi đầu làng qui định, những ai đỗ từ tú tài trở lên làng đều phải mở tiệc ăn mừng, riêng đối với tiến sĩ khi vinh qui bái tổ được tổ chức đón rước linh đình. Làng trích ra 10 mẫu ruộng loại tốt làm ruộng công, hàng năm thu từ số hoa lợi này dùng vào việc làng như hội hè, lễ tiết, khuyến học. Những ai đỗ cao đều được ban thưởng bằng ruộng. Cử nhân được 5 sào, tiến sĩ được 1 mẫu. Trong thực tế thì do hương ước ra đời khá muộn, nên không có vị tiến sĩ nào nhận được phần ruộng thưởng (người đỗ cuối cùng là vào năm 1637), chỉ có một vài cử nhân thời Nguyễn sau này có được tặng thưởng.
Bên cạnh những quy định về khuyến học, tính hiếu học, trọng trí, trọng tài của người dân Hưng Yên được thể hiện rõ hơn qua thơ phú. Trên bia đá tại lăng mộ Vũ Hồng Lượng trong quần thể khu di tích đền Ủng thuộc xã Phù Ủng – huyện Ân Thi còn lưu lại bài thơ của tiền nhân khuyên con cháu chuyên cần trong nghiệp học như sau:
Khuyến tử tôn cần học thi
Học khả vinh danh khả lập thân
Tử tôn thức đắc thiếu tu cần
Cơ cầu tố nghiệp nghi đôn thủ
Kinh sử lương điền gia khẩn vân
Hàn thị bát đồng liên vạn tú
Đậu lang ngũ quế ái phương phân
Độc thư tín thị thành gia bản
Cảnh hạnh tằng vân ngã diệc vân
Dịch nghĩa:
Bài thơ khuyên con cháu cần cù học tập
Học có thể vinh danh lại có thể lập thân
Con cháu nên biết để từ nhỏ tu dưỡng, rèn luyện
Chăm chỉ việc đèn sách nên dốc mình giữ vững
Kinh sử là ruộng tốt cần gia công khai khẩn, làm cỏ
Họ Hàn tám cây đồng liên tiếp ra vạn nhánh tốt
Nhà họ Đậu năm cây quế thi nhau tỏa thơm
Đọc sách chắc chắn thành cái gốc nhà ta
Việc này người nói thế và ta cũng nói thế
Có thể nói việc làm thơ, khắc bia truyền lại cho con cháu mang mục đích giáo dục “khuyên con cháu lấy việc đèn sách làm gốc” không phải ở đâu và dễ gì gặp nhưng ở Hưng Yên việc ấy chắc cũng không quá khó khăn, vì ngoài tấm bia này thì ngay trong khuôn viên khu thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão hiện vẫn còn lưu lại tấm bia đá khắc toàn bộ hương ước mang tính khuyến học của bản thôn khi đó. Tuy nhiên, nội dung bia rất dài nên chúng tôi không có điều kiện giới thiệu trong bài viết này, mong rằng chúng tôi sẽ có dịp giới thiệu đến độc giả trong một dịp gần nhất. Bên cạnh những ghi chép thể hiện tinh thần hiếu học thì có những lễ hội hiện nay ở Hưng Yên cũng thể hiện tinh thần đó. Một trong những lễ hội điển hình là lễ hội thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ.
Làng An Cầu có nhiều lễ hội trong một năm vì làng có nhiều di tích và thờ chín vị thần, gồm những vị: Tống Trân, Dương Tam Kha, Đoàn Thượng, nhị vị tướng quân Thiên Bồng, Phù Lưu, bốn mẹ con bà cung phi của Ngô Quyền. Nhưng đáng chú ý và có quy mô lớn nhất là lễ hội đền Tống Trân. Trước đây, mỗi năm làng mở lễ hội hai lần “xuân thu nhị kì” vào tháng hai và tháng tám âm lịch. Sau này, chỉ còn một lần bắt đầu từ ngày 10 đến 17 tháng 4 âm lịch hàng năm, trọng hội là ngày 14.
Ngày 10 - 4 sau khi tế lễ khai hội, nhân dân làm lễ rước mực (thực chất đây là một lễ hội rước nước). Nhưng vì sao trong làng lại gọi như vậy, có một câu chuyện truyền lại rằng: Tống Trân sau khi đỗ Trạng nguyên về vinh quy bái tổ, về đến làng mình nhưng chẳng có ai đón rước, vì dân làng và tầng lớp quan lại, chức dịch cho rằng Tống Trân còn quá ít tuổi, lại là con nhà nghèo sớm mồ côi cha, xuất thân từ tầng lớp thấp hèn của xã hội, nên không được đón rước. Bực mình ông đã ném nghiên bút xuống sông để quở mắng quan lại chức dịch trong làng. Chính vì điển tích này nên nhân dân đã gọi lễ hội rước nước là rước mực vì nước được lấy từ dòng sông Luộc nơi ông ném nghiên bút xuống.
Nước sau khi được lấy lên sẽ rước cùng nghiên bút ở bến Đò Nông (nơi mà nhân dân cho rằng nghiên bút của Tống Trân còn nằm dưới đó) về đền thờ ông. Đi đầu đoàn rước kiệu thường là những người có học rồi mới đến các vị bô lão, sau là chức dịch. Kiệu rước mực được giao cho nam thanh, nữ tú khiêng, đặc biệt ưu tiên người có học.
          Ngày 11 - 12/4 là ngày các phe giáp (dòng họ) và nhân dân trong làng đến lễ và xin khước từ đức thánh. Tức là xin một chút “mực” từ chiếc choé đựng nước ở bến Đò Nông trong đền. Người ta tin rằng, nếu xin được một chút “mực” đó đem về xoa lên đầu trẻ con thì những đứa trẻ đó sẽ sáng dạ và học giỏi như vị Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân xưa kia.
Xưa kia, lễ hội diễn ra trong cả làng nhưng tập trung chính ở xóm Kiều Nguyễn, vì nơi đây có mảnh đất hình con ngựa chầu về đền Tống Trân. Tương truyền  đây là con ngựa do vua ban cho Trạng nguyên Tống Trân khi ông vinh quy bái tổ về làng. Bên cạnh đó, ở cánh đồng xóm Lê Xá có gò đất hình hổ phục quay đầu về đền Tống Trân. Truyền rằng, đây là con hổ đã mang tin báo của Cúc Hoa cho Tống Trân khi bị gia đình ép gả cho một tên địa chủ trong làng.
           Trong thời gian mở hội, những người có học từ tú tài trở lên về làng dự hội sẽ được giao cho việc tổ chức, tiếp đón khách (chức sắc trong vùng) và được ngồi mâm trên cùng các vị có vai vế trong làng. Những người này cũng được tham gia ban khước cho những dòng họ và những gia đình đến lễ, xin lộc từ đức thánh.
Có thể nói, lễ hội thôn An Cầu là một lễ hội khá đặc biệt, nó thể hiện tinh thần hiếu học vốn có của một làng quê từ xưa nổi tiếng với những tác phẩm thơ văn, nổi danh với vị thần đồng trẻ tuổi. Nhưng hơn hết cả, đó là một lễ hội của sự thành kính những người tài đức và nêu cao giá trị của việc học trong tâm thức của nhiều thế hệ người dân ở vùng quê này.
          Có thể thấy, nghiệp khoa cử dường như đã ăn sâu vào tiềm thực của kẻ sĩ Hưng Yên, mỗi một triều đại, mỗi một giai đoạn lịch sử; thời nào cũng thế, Hưng Yên đều xuất hiện những văn nhân góp sức dựng xây tổ quốc. Để trở thành một tỉnh có nhiều làng hiếu học đứng tốp đầu cả nước ấy là do tự ngàn xưa người Hưng Yên đã rất coi trọng nghiệp học và coi trọng nhân tài, trí thức.

LỄ HỘI THÔN AN CẦU MỘT LỄ HỘI TÔN VINH VIỆC HỌC

Nguyễn Văn Chiến

Thôn An Cầu còn có một tên chữ là thôn An Đô (có nghĩa là Kinh đô yên ổn) vì nơi đây từng là đại bản doanh của Ngô Quyền xây dựng chống quân Nam Hán (939 - 967). Ngoài ra làng còn có tên Nôm khác là làng Gầu, thuộc xã Tống Trân, huyện Phù Cừ. Từ xưa, làng An Cầu nổi tiếng với truyện Nôm khuyết danh “Tống Trân, Cúc Hoa”. Nhưng danh sĩ biết đến ngôi làng nhỏ bé này nhiều hơn vì đây là quê hương của Lưỡng quốc trạng nguyên Tống Trân “Trạng nguyên tám tuổi thơm trời Việt”.
          An Cầu có 6 xóm, chia làm 2 khu nằm ngay bên bờ sông Luộc. Nếu sông Luộc được ví như một con rồng khổng lồ thì đoạn chảy qua An Cầu uốn khúc, ôm lấy làng và được tiền nhân truyền rằng đây là bụng, rốn rồng. Phần đất ở trong đê được ví như một con phượng đang múa, với cái đầu là phần đất của đền Tống Trân, hai cánh là xóm Kiều Nguyễn và Lê Xá.
Làng An Cầu có nhiều lễ hội trong một năm vì làng có nhiều di tích và thờ chín vị thần, gồm những vị: Tống Trân, Dương Tam Kha, Đoàn Thượng, nhị vị tướng quân Thiên Bồng, Phù Lưu, bốn mẹ con bà cung phi của Ngô Quyền. Nhưng đáng chú ý và có quy mô lớn nhất là lễ hội đền Tống Trân. Trước đây, mỗi năm làng mở lễ hội hai lần “xuân thu nhị kì” vào tháng hai và tháng tám âm lịch. Sau này, chỉ còn một lần bắt đầu từ ngày 10 đến 17 tháng 4 âm lịch hàng năm, trọng hội là ngày 14.
Ngày 10 - 4 sau khi tế lễ khai hội, nhân dân làm lễ rước mực (thực chất đây là một lễ hội rước nước). Nhưng vì sao trong làng lại gọi như vậy, có một câu chuyện truyền lại rằng: Tống Trân sau khi đỗ Trạng nguyên về vinh quy bái tổ, về đến làng quê mình nhưng chẳng có ai đón rước, vì dân làng và tầng lớp quan lại, chức dịch cho rằng Tống Trân còn quá ít tuổi, lại là con nhà nghèo sớm mồ côi cha, xuất thân từ tầng lớp thấp hèn của xã hội, nên không được đón rước. Bực mình ông đã ném nghiên bút xuống sông để quở mắng quan lại chức dịch trong làng. Chính vì điển tích này nên nhân dân đã gọi lễ hội rước nước là rước mực vì nước được lấy từ dòng sông Luộc nơi ông ném nghiên bút xuống. Nước sau khi được lấy lên sẽ rước cùng nghiên bút ở bến Đò Nông (nơi mà nhân dân cho rằng nghiên bút của Tống Trân còn nằm dưới đó)  về đền. Đi đầu đoàn rước kiệu thường là những người có học rồi mới đến các vị bô lão, sau là chức dịch. Kiệu rước mực được giao cho nam thanh, nữ tú khiêng, đặc biệt ưu tiên người có học.
          Ngày 11 - 12/4 là ngày các phe giáp (dòng họ) và nhân dân trong làng đến lễ và xin khước từ đức thánh. Tức là xin một chút “mực” từ chiếc choé đựng nước ở bến Đò Nông trong đền. Người ta tin rằng, nếu xin được một chút “mực” đó đem về xoa lên đầu trẻ con thì những đứa trẻ đó sẽ sáng dạ và học giỏi như vị Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân xưa kia.
          Đến ngày 12 / 4 sẽ tổ chức lễ rước kiệu từ các đền chùa trong làng cũng như các đền thờ Dương Tam Kha ở đền xóm Kiều Nguyễn, Đoàn Thượng ở xóm An Bến (Thượng Bến), bốn mẹ con bà cung phi ở xóm Lê Xá và chùa Cổ Lộng, Kim Liên, Thánh Ân về tụ họp ở đền  -  đình.
          Hội diễn ra cả ngày, đêm trên nhiều địa điểm khác nhau, trong lễ hội có hát chèo, quan họ, hát đối đáp, diễn tuồng, đánh cờ người . Ngoài các trò chơi trên thì hội ở An Cầu còn có múa lân, múa rối nước, đi cầu kiều, chọi gà, kéo co... Những người có học được mời làm cố vấn, trọng tài, đầu trò trong các môn chơi ở lễ hội.
Xưa kia, lễ hội diễn ra trong cả làng nhưng tập trung chính ở xóm Kiều Nguyễn, vì nơi đây có mảnh đất hình con ngựa chầu về đền Tống Trân. Tương truyền  đây là con ngựa do vua ban cho Trạng nguyên Tống Trân khi ông vinh quy bái tổ về làng. Bên cạnh đó, ở cánh đồng xóm Lê Xá có gò đất hình hổ phục quay đầu về đền Tống Trân. Truyền rằng, đây là con hổ đã mang tin báo của Cúc Hoa cho Tống Trân khi bị gia đình ép gả cho một tên địa chủ trong làng.
           Trong thời gian mở hội, những người có học từ tú tài trở lên về làng dự hội sẽ được giao cho việc tổ chức, tiếp đón khách (chức sắc trong vùng) và được ngồi mâm trên cùng các vị có vai vế trong làng. Những người này cũng được tham gia ban khước cho những dòng họ và những gia đình đến lễ, xin lộc từ đức thánh.
Ngày nay, lễ hội ở An Cầu đã giản lược hơn vì nhiều di tích đồ tế tự cũng như đồ để hành lễ không còn. Tuy nhiên, ngày 10 - 4 vẫn là ngày mở cửa đền, rồi mỗi hôm có một xóm đến tế lễ. Phần rước kiệu, có năm rước, năm không. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày 14 và 15 tháng 4. Phần hội có các môn thể thao như bóng chuyền, bóng đá và các trò chơi truyền thống như kéo co, bắt vịt, hát chèo, chọi gà, cờ tướng, cầu kiều.
Có thể nói, lễ hội thôn An Cầu là một lễ hội khá đặc biệt, nó thể hiện tinh thần hiếu học vốn có của một làng quê từ xưa nổi tiếng với những tác phẩm thơ văn, nổi danh với vị thần đồng trẻ tuổi. Nhưng hơn hết cả, đó là một lễ hội của sự thành kính những người tài đức và nêu cao giá trị của việc học trong tâm thức của nhiều thế hệ người dân ở vùng quê này.


HỘI TAO ĐÀN HƯNG YÊN DẤU TÍCH CÒN LẠI

Nguyễn Văn Chiến

Trên bầu trời văn học Việt Nam, trong mọi thời đại, mảnh đất Hưng Yên bao giờ cũng góp mặt những ngôi sao sáng nhất. Vạn vật có lúc thịnh, lúc suy và văn học cũng vậy. Nếu như từ thế kỉ X đến nửa cuối thế kỉ XIX nền văn học Hán – Nôm phát triển rực rỡ thì đến đầu thế kỉ XX nền văn học ấy dần mất đi thời hoàng kim. Nhiều bậc nhân sĩ đương thời đã tìm cách vực lại nền văn học này cho xứng tầm với những thế kỉ trước, nhưng sự thực họ đã không làm được và đành để cho nền Tây học lấn lướt. Chính trong bối cảnh ấy, tại mảnh đất Phố Hiến, đã xuất hiện một hội Tao Đàn. Hội này có tên đầy đủ là hội Tao Đàn Hưng Yên, một tổ chức được xây dựng cũng với mong muốn phục hưng nền Nho học và quy tụ khá nhiều nhân vật có tiếng đương thời tham gia như: cha con Tam Nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Phan Văn Ái…
Hội Tao Đàn Hưng Yên được thành lập vào thượng tuần tháng 3 năm Ất Tỵ (1905) theo ý tưởng của Tổng Đốc Hưng Yên thời bấy giờ là Lê Hoan khởi xướng. Ngay sau khi được thành lập, Lê Hoan đã cho xây dựng “Bình Thi lầu” giữa hồ Bán Nguyệt của Phố Hiến để làm chốn bình thơ cho các thành viên trong hội. Hơn nữa, Nguyệt Hồ cũng là nơi cảnh đẹp, dễ tạo thi tứ cho các văn nhân sáng tác, nên đây có thể được coi là nơi thích hợp nhất trên mảnh đất này. Bởi vậy, không cần phải là một tao nhân mặc khách, nhưng khi đặt chân lên Bình Thi lầu ở Phố Hiến du khách có thể nhận ra ngay những nét thơ mộng của hồ Bán Nguyệt. Đêm thanh gió mát, nhìn xuống hồ sẽ thấy trăng hiện lung linh, ngửa mặt lên nhìn trời thì cũng gặp một "gương hồ" thăm thẳm trong vầng trăng… Chẳng thế mà Chu Mạnh Trinh có làm bài thơ ca ngợi Đền Mẫu, trong đó có câu nói về cảnh đẹp của Nguyệt Hồ như sau:
Nhất hồ thu tẩy kính quang viên
Có nghĩa:
Mặt hồ thu đến rửa trong như chiếc gương
Còn trong bài phú Bán Nguyệt hồ, Lê Cù cũng viết:
Bóng nguyệt chênh chênh, tuần tám chín đôi vầng cao thấp,
Gương hồ vằng vạc, buổi ba thu một vẻ dưới trên
Chẳng biết có phải do cảnh đẹp dễ gợi nên những ý thơ hay cho tâm hồn thi sĩ hay không? Mà sau khi vừa thành lập hội Tao Đàn, Tổng đốc Lê Hoan đã tổ chức một cuộc thi vịnh Kiều ở ngay hồ Bán Nguyệt. Nhiều học giả vẫn cho rằng, cuộc thi vịnh Kiều mà Lê Hoan tổ chức là nhằm lôi kéo các nho sĩ từ bỏ con đường vận động cứu nước.
Dù quan điểm đó có đúng hay không thì cuộc thi thơ này xứng đáng được xếp vào hạng lớn nhất thời ấy. Trong ban giám khảo có cả Cụ Tam Nguyên Yên Đổ. Bài vở từ khắp các địa phương gửi về dự thi rất nhiều.
Là một danh sĩ quê Hưng Yên, dù rằng đã cáo quan về nhà vui thú điền viên, nhưng Chu Mạnh Trinh lại trở thành một trong những nhà thơ tham gia tích cực nhất cuộc thi vịnh Kiều. Ông gửi tới hội thi cả một tập thơ ngót hai chục bài với nhan đề "Thanh Tâm Tài Nhân thi tập", trong đó toàn những lời phun châu nhả ngọc, có nhiều câu rất thâm thúy, ẩn chứa tư tưởng mà ông ấp ủ. Hiển nhiên, Chu Mạnh Trinh xứng đáng được trao giải nhất trong cuộc thi này.
Ngay từ khi ra đời, hội Tao Đàn Hưng Yên đã phát triển rất nhanh và quy tụ được nhiều tầng lớp người có tài thi phú tham gia. Hàng năm, cứ vào tết Nguyên tiêu và rằm trung thu, hội đều tổ chức bình, vịnh, họa những bài thơ hay do hội viên đưa ra.
Tuy nhiên, vừa ra đời không lâu thì một số hội viên cự phách của hội ra đi như Chu Mạnh Trinh ( mất năm 1905), Nguyễn Khuyến ( mất năm 1909). Điều này có ảnh hưởng khá lớn đến tổ chức của hội. Nhưng phải đến cuối năm 1909 khi Lê Hoan thôi giữ chức Tổng Đốc Hưng Yên mà sang Hải Dương nhậm chức thì hội Tao Đàn Hưng Yên mới lâm vào cảnh thưa vắng người tham gia và thôi không hoạt động nữa. Từ đó, người đến Bình Thi lầu dần ít đi, rồi vắng bóng hẳn. Chỉ còn trơ lại tòa lầu lẻ loi soi bóng xuống hồ rồi cùng thời gian biến mất. Tuy nhiên, Bình Thi lầu không còn nhưng dấu tích năm nào của tòa lầu vẫn hiện hữu giữa hồ Bán Nguyệt ngày nay như minh chứng về một hội Tao Đàn năm nào.
Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian không dài, nhưng với số hội viên đông đảo, hội Tao Đàn Hưng Yên đã trình làng khá nhiều tác phẩm có giá trị. Đáng tiếc là những tác phẩm còn lưu giữ được đến nay không đầy đủ như vốn có, ước chừng còn lại phần ba, phần tư gì đó. Nhưng may mắn là những tác phẩm còn lại đều là những bài thơ vịnh ca ngợi cảnh đẹp của Hưng Yên như tập “ Văn miếu thập vịnh, Hưng Yên thập cảnh”. Chúng tôi mong rằng sẽ giới thiệu dần đến độc giả những bài thơ còn lưu lại của hội Tao Đàn Hưng Yên trong một thời gian không xa, để chúng ta cùng hiểu thêm về cảnh đẹp của xứ sở nhãn lồng.


CHÙA TƯỢNG SƠN VÀ DÒNG HỌ LÊ HỮU

Nguyễn Văn Chiến
Hà Tĩnh từ xưa vốn nổi tiếng địa linh nhân kiệt, nơi đây đã sản sinh ra nhiều thế hệ ưu tú. Hà Tĩnh cũng là nơi nâng đỡ và nuôi dưỡng những nhân tài của đất nước đến cư trú. Một trong những người như thế có Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, bậc đại y tông của nền y học dân tộc. Sau khi vào Hương Sơn nghiên cứu y dược, biên soạn những trước tác về y lý có giá trị cho đời sau, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác còn chú ý đến cả việc xây dựng những công trình văn hoá, tâm linh tại nơi này. Một trong những công trình do ông trực tiếp xây dựng hiện còn tồn tại đến nay trên đất Hà Tĩnh phải kể đến chùa Tượng Sơn.
Chùa Tượng Sơn có diện tích hơn một hecta, nằm trên địa phận làng Yên Hạ ( làng Quát), xã Tình Diệm, tổng Hữu Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nay là xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa được xây dựng vào thời Hậu Lê ( đầu thế kỷ XVII), kiến trúc theo kiểu chữ     Nhất (-). Chùa đã phải trùng tu lại nhiều lần, năm 1993 chùa trải qua đợt đại trùng tu và có quy mô như ngày nay. Chùa Tượng Sơn nằm xa khu dân cư, phía trước có sông Ngàn Phố ngăn cách chùa với làng, nên đã tạo cho nơi đây vẻ u tịch trong cảnh chùa và sự trang nghiêm nơi phật giới. Phía sau ngôi chùa có dãy núi Voi nên nhân đó các tín đồ đã đặt tên cho chùa là “ Tượng Sơn tự” ( chùa Núi Voi). Ngay đầu dãy núi Voi lại có ngọn khe băng qua ghềnh đá ngày đêm nước chảy ầm ầm, nên ngoài tên chữ là “ Tượng Sơn tự” thì chùa còn có tên Nôm khác là chùa “Ầm Ầm”.
Theo gia phả dòng họ Lê Hữu ở huyện Hương Sơn thì chùa Tượng Sơn do bà Tham đốc quận công nêu ra ý tưởng xây dựng đầu tiên, tham đốc phu nhân có hiệu phong là “ Tạ hiệu điểm, Đặng phùng hầu Bùi thứ”, bà là bà ngoại của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Nhưng vì hoàn cảnh nên ý tưởng xây dựng chùa bà không thực hiện được. Nhưng thật may mắn khi con gái  bà là Bùi Thị Thưởng vợ thứ của tiến sĩ Lê Hữu Mưu đã tiếp tục hoàn thành ý nguyện của mẹ và sáng lập nên chùa. Chùa được dựng chủ yếu để bà tụng phật, tu dưỡng, bên cạnh đó còn dùng để thờ phụng cha bà là “ Đăng quận công Bùi tướng công” và mẹ là “ Tham đốc quận công”. Hiện nay mộ của bà Tham đốc quận công đã được chuyển về vườn chùa.
Chùa Tượng Sơn được xây dựng dưới sự trực tiếp chỉ đạo của hai người con bà Bùi Thị Thưởng là Lê Hữu Tán và đại danh y Lê Hữu Trác. Buổi đầu chùa chỉ có duy nhất một gian dùng làm nơi an toạ toà tam bảo. Sau khi chùa Tượng Sơn hoàn thành, dòng họ Lê Hữu đã thỉnh sư thầy Thích Nguyên Khiết về trụ trì nhưng do tuổi đã cao nên không được bao lâu sư thầy viên tịch. Đến thời Nguyễn kế tục đạo tràng của thiền sư Nguyên Khiết về trụ trì chùa Tượng Sơn là thiền sư Phổ Quang thế danh (Lê Hữu Ân) con thứ sáu của ông Lê Hữu Thiên, cháu đời thứ ba của tiến sĩ Lê Hữu Mưu và là cháu gọi Lê Hữu Tán và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác bằng chú. Thuở nhỏ thiền sư Thích Phổ Quang theo nghiệp Nho học, ngày 1 tháng 11 năm Bính Tuất khi thiền sư hai mươi tư tuổi ông đã xuống tóc xuất gia và tu tại chùa Hoành Chung thuộc làng Hoành Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, được sư thầy thụ pháp và đặt phật tính là Phổ Quang. Năm Minh Mệnh thứ 16(1835), tháng 7 nhà vua mở khoa tăng thí, vua triệu tất cả các nhà sư tinh thông phật pháp ở hai mươi tám tỉnh trong cả nước dự thi, tổng số có một trăm bảy tư ưu tăng ra ứng thí. Kết quả đậu bốn mươi bốn vị, trong đó hạng giỏi có bốn vị, còn lại bốn mươi vị hạng dưới. Thiền sư Phổ Quang đậu thứ bảy và được nhà vua triệu vào đãi yến tại chùa Thiên Mụ ( Thừa Thiên Huế). Khi thiền tăng bái mạng ra về nhà vua đã ban cho ông một thanh long đao( dùng để cạo tóc), một đạo long điệp ( đạo sắc), tám lạng vàng, lương và tiền lộ phí để về quê. Đặc biệt trong dịp này nhà vua còn đặc ân ban cho nhà sư một quả ấn bằng vàng khắc năm chữ  “ LÊ TỪ QUANG CHI ẤN”. Quả ấn này hiện không còn nữa, sau khi từ Kinh Đô trở về chùa Tượng Sơn, thiền sư đã hưng công và tự xuất tiền ra dựng thêm lầu chuông, gồm hai tầng tám mái, đúc một quả chuông lớn có tên chữ là “Tượng Sơn tự chung” (chuông  chùa Tượng Sơn)  và khắc một bài ký ca ngợi công đức của phật tử. Đến năm Tự Đức 30( 1855) thiền sư Phổ Quang viên tịch tại Tượng Sơn tự, hiện nay tháp thờ ông vẫn còn trong vườn chùa.
          Kế tục sự nghiệp của thiền sư Phổ Quang là thiền sư Thích Tâm Đắc ( thế danh Phan Đình Hạp), thiền sư Tâm Đắc về chùa trụ trì trong một thời gian ngắn thì ngài giao lại việc trụ trì Tượng Sơn tự cho Tỳ Khiêu ni Thích Diệu Thông. Một thời gian sau, Tỳ Khiêu ni Diệu Thông lại nhường việc mở mang đạo tràng cho thiền sư Thích Quảng Vận (thế danh Lê Khả Cơ). Sau ba năm, kể từ ngày thiền sư Phổ Quang viên tịch thì chùa Tượng Sơn không đổi khác là mấy. Cho đến năm Tự Đức 33 (1858) thiền sư Thích Quảng Vận mới thực sự kế tục được đạo tràng trước kia của thiền sư Phổ Quang khi ông đứng ra hưng công trùng tu lại chùa Thượng, kiến thiết thêm tổ đường, làm nhà khách, dựng thêm hệ thống thập bát La Hán, lát bốn sân gạch, xây bể, trồng hoa, cây ăn quả, tổng  diện tích hơn một mẫu.
          Thiền sư Thích Phổ Quang cũng như thiền sư Thích Quảng Vận không những làm đạo tràng được rộng mở, phật sự tăng quang, thiện tín thêm tôn sùng Tam bảo, mà hai ông đã dựng nên một tín ngưỡng phát triển rộng rãi ở  vùng quê bé nhỏ này. Khi thiền sư Thích Quảng Vận viên tịch, người kế nhiệm ông trụ trì chùa Tượng Sơn là thiền sư Thích Nhuận Du. Nhưng thiền sư Nhuận Du ở đây được một thời gian ngắn thì lại được điều đi nơi khác.
Tính từ khi thành lập chùa đến năm Mậu Thìn, niên hiệu Bảo Đại 3(1928), chùa Tượng Sơn có tất cả sáu nhà sư trụ trì. Nhưng kể từ năm 1928 đến năm 1931 Tượng Sơn tự đã vắng bóng các nhà sư. Trước bối cảnh đó dòng họ Lê Hữu đã phải mở khai đản ba ngày để cầu siêu cho gia tiên, đồng thời cũng để thỉnh người về trụ trì chùa nhà. Trong dịp này họ Lê Hữu đã mời được sư thầy Thích Thanh Đăng đang trụ trì ở chùa Đá - Vinh về trụ trì chùa Tượng Sơn. Được một thời gian sư thầy lại quay về chùa Đá và viên tịch tại đấy. Đến năm 1940 dòng họ Lê Hữu lại thỉnh sư thầy Thích Tịnh Minh là đồ đệ của thầy Thích Kim Chương ở chùa Diệc Cổ lên trụ trì Tượng Sơn, thầy Tịnh Minh đã thu nạp một đệ tử là Tâm Châu rồi cho vào Huế học phật. Năm 1942 sư thầy Kim Chương viên tịch, nên thầy Thích Tịnh Minh phải quay về chùa Diệc Cổ trụ trì. Trước khi dời chùa Tượng Sơn, sư thầy Tịnh Minh đã nhờ hai ni sư là Thích Đàm Minh và Thích Đàm Thành ở chùa Số Bốn lên thay. Sau một thời gian (khoảng năm 1947), các chư tăng lại đăng cử sư thầy Thích Trí Viễn (thế danh Phan Học) về trụ trì. Năm 1948 tăng già và các cư sĩ đã tổ chức một tháng an cư do sư thầy Thích Mật Thể làm giáo thụ. Và từ đây dòng họ Lê Hữu đã xin nhường lại chùa Tượng Sơn cho tăng già Nghệ Tĩnh làm tu viện, gọi là “ TÙNG LÂM TU VIỆN”. Đến năm 1949 chư tăng đã cử ông Tuệ Châu cư sĩ lên thay thầy Thích Trí Viễn, để thầy Trí Viễn về Nghệ An nhận chức thư ký tỉnh hội phật giáo. Kể từ năm 1950 Tượng Sơn tự đã không có các nhà sư trụ trì nữa, việc quản lý và bảo vệ chùa đều do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm.
Giờ đây, chùa Tượng Sơn không còn là của riêng dòng họ Lê Hữu nữa,  nhưng Tượng Sơn tự luôn gắn với dòng họ đăng khoa kế thế Lê Hữu nổi danh một thời. Tượng Sơn tự là thế, thời gian đã phủ mờ lớp vàng son của một thời hưng thịnh phật pháp, những gì Tượng Sơn tự giữ lại đến nay không thực sự nhiều, để chúng ta có thể hiểu hết về ngôi chùa vốn là nơi hoằng đạo rộng khắp ở vùng quê Yên Hạ bé nhỏ này. Núi Voi còn đó, thác nước vẫn ngày đêm ầm ầm như  luôn gợi đến một ngôi chùa nằm khuất nẻo, ít người biết đến trong tiếng “ ẦM ẦM” vô tận của thời gian.

NHỮNG TÊN GỌI CỦA "PHỐ HIẾN" TRONG LỊCH SỬ

Nguyễn Văn Chiến 

T lâu, câu ca Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến” như một minh chứng  khẳng định cho vị thế của cảng sông Phố Hiến ở Đàng Ngoài. Mặc dù, tên gọi Phố Hiến đã quen thuộc với đại đa số người dân Việt Nam, nhưng không mấy người biết được sự ra đời và thay đổi tên gọi Phố Hiến diễn ra như thế nào? Suốt nhiều năm qua, câu hỏi này đã trở thành tâm điểm chú ý của nhiều nhà nghiên cứu về Phố Hiến trong và ngoài nước.
Theo các nhà nghiên cứu nước ngoài thì Phố Hiến ra đời khá muộn, G.Dumoutier cho rằng, với việc thương nhân Hà Lan đặt thương điếm ở đây vào năm 1637 Phố Hiến mới ra đời. Quan điểm này cũng được A.Shreiner tác giả của Lược sử Annam tán đồng. Kim Vĩnh Kiện một nhà nghiên cứu về ngoại thương của Trung Quốc cũng đồng tình và cho rằng Phố Hiến ra đời không sớm hơn năm 1663 là năm chúa Trịnh dồn dân Hoa Kiều về khu vực riêng.
Thực chất, Phố Hiến đã xuất hiện và phát triển thành cảng sông từ sớm hơn thời gian mà các nhà nghiên cứu nước ngoài nhận định rất nhiều. Ngược dòng lịch sử, chúng ta có thể thấy, ngay từ thế kỷ X Phố Hiến đã manh nha phát triển thành trung tâm buôn bán khi Tướng quân Phạm Phòng Át chọn nơi đây làm thủ phủ cát cứ. Tuy nhiên, thời gian này vùng đất đô hội sau Kinh kỳ vẫn chưa được định danh bằng tên Phố Hiến mà được gọi với tên Đằng Châu.
Đến đời Lý, một địa danh mang tên Cư Liên được nhắc tới trong Đại Việt Sử Ký toàn thư "Vào năm 1069, vua  Lý Thánh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành không được phải rút về; nhưng khi đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên phi Ý Lan thay vua ở nhà coi việc triều đình rất uy nghiêm, bèn trở lại chiến trường và đã thắng được quân giặc". Sau khi khảo qua một chuỗi ngữ âm gần giống nhau như Hưng Yên – Cư Liên – Hiến, nhiều nhà sử học đã đoán định địa danh Cư Liên mà Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại có thể là vùng đất Phố Hiến thời đó. Vì thế, vào thời Lý, Phố Hiến rất có thể mang danh xưng là Cư Liên.
Sang thế kỷ XIII, dưới triều Trần, Phố Hiến đã có bước chuyển mình tạo đà cho ngoại thương phát triển khi những người Hoa lánh nạn giặc Nguyên sang đây thành lập nên làng Hoa Dương và những người Việt từ các địa phương khác cũng lần lượt đổ về buôn bán, sinh sống trên mảnh đất này. Khi đó, người ta vẫn còn biết đến một Phố Hiến với tên gọi Xích Đằng.
Sang đến thế kỷ XVI, một danh xưng mới cho Phố Hiến bắt đầu xuất hiện, đó là Vạn Lai triều và danh xưng này tồn tại một thời gian khá dài. Đại Nam nhất thống chí có chép như sau: “Cung cũ Hiến Nam” ở địa phận xã Nhân Dục, huyện Kim Bảng là lỵ sở trấn Sơn Nam đời Lê: “Phàm người nước ngoài đến buôn bán ở đây thì gọi là Vạn Lai Triều, phong vật phồn thịnh, nhà ngói như bát úp”. Trên bia Đỉnh kiến Tả đô đốc Thiếu bảo Tước quận công tặng Thái bảo Anh Linh vương Lê công từ bi ký, khắc năm Bảo Thái thứ 4 (1723). Người soạn văn bia là Trần Đế Đào (quê huyện Tấn Giang tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) nguyên là tàu trưởng tàu Hải Nam đến cư trú ở Vạn Lai Triều có ghi: “… Thấy non sông này văn nhân tài giỏi, võ sĩ siêu quần, quốc thể âu vàng bền vững, bọn chúng tôi thường cùng nhau tấm tắc ca ngợi. Về chỗ tàu thuyền ra vào tấp nập thì Vạn Lai Triều là nơi thuyền buôn dừng đậu, người Bắc quốc sang buôn bán đến nay đã mấy chục năm được an cư lạc nghiệp, không kể xa gần đều vui đến quần tụ nơi đây.”
Vạn Lai Triều là tên gọi quen thuộc đầu tiên dùng để chỉ cho vùng đất Phố Hiến mà sử sách còn ghi lại; ngoài sử sách, chúng ta có thể gặp địa danh Vạn Lai Triều trong văn thơ như:
Bến Nễ Độ gió nâng buồm gấm
Phố Bắc Hòa nguyệt ngắm rèm thưa
Thú đô hội trong ngoài chẳng thiếu
Vạn Lai triều là tiểu kinh đô.
Ngoài tên gọi Vạn Lai Triều, chúng ta còn gặp một tên gọi quen thuộc thứ hai nữa là Hiến Nam. Năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1625), trên bia đá chùa Hiến có chép về sự sầm uất của vùng đất Hiến Nam khi đó như sau: “Hiến Nam danh thị tứ phương tiểu Tràng An dã” (Phố Hiến Nam nổi tiếng là nơi tiểu Tràng An của bốn phương tụ hội). Trong Đại Nam nhất thống chí phần ghi về chợ và phố cũng có đoạn chép như sau: “ Đời Lê, Vạn Lai triều và dinh Hiến Nam đều ở đây; hai phố này nhà ngói như bát úp”. Như thế, đời Lê, hai danh xưng đã được ghi lại trong Đại Nam nhất thống chí là Vạn Lai triều và Hiến Nam để chỉ cho Phố Hiến.
Khoảng cuối thế kỷ XVII, Phố Hiến đã được các sử gia gọi bằng một danh từ khá gần gũi với cách gọi của người dân bản địa là Hiến Nội, như thế Hiến Nội  là danh xưng thứ ba của Phố Hiến. Danh xưng Hiến Nội không chỉ xuất hiện trong sách sử mà chúng ta còn thấy xuất hiện khá nhiều trong thơ văn. Ở bài Hoa Dương hoài cổ, ngay câu mở đầu, Phạm Đình Hổ có viết:
Tự thiếu tằng văn Hiến Nội hảo
Ti lai Hiến Nội quá điêu hao
Có nghĩa:
Từ nhỏ từng nghe Hiến Nội rất đẹp
Đến nay Hiến Nội quá điêu tàn, sa sút
 Còn trong Nguyệt Hồ phú, Lê Cù không chỉ nói đến danh xưng Hiến Nội mà ông còn nhắc lại danh xưng Hiến Nam từng vang bóng một thời trong tiềm thức của người dân bản địa:
Dấu Đằng Giang còn nức tiếng sứ quân
Chữ Hiến Nội hãy ghi lời bác Khách
Và câu:
Đền phủ Khoái chỉn bậc nhì danh thắng
Cảnh Hiến Nam giành đệ nhất phong quang
Khoảng năm 1637, Phố Hiến còn có một tên gọi khác là Phố Khách. Trong tác phẩm của mình, G.Domoutier có viết “Harsink không xin mở được thương điếm ở Thăng Long nên đành xuôi xuống Phố Khách lập một thương điếm cho công ty Đông Ấn Hà Lan và thương điếm này nhanh chóng làm ăn thinh vượng”. Như vậy, thời gian này Phố Hiến được người nước ngoài gọi bằng tên Phố Khách (tức là phố của người Hoa) vì người Hoa đã sinh sống rất đông đúc ở đây.
 Đến năm 1688 khi Phan Đình Khuê có chuyến qua vùng đất Phố Hiến xưa và ông chép lại trong tập An Nam ký du của mình về Phố Hiến bằng một tên gọi khác là phố Thiên Triều.
Vào khoảng năm 1709 Phố Hiến có một tên gọi nữa là Hiến Doanh, trên bia chùa Chuông mặt “Nhân Dục xã, cổ tích truyện” ghi tên địa danh Hiến Doanh, còn trong Trịnh gia phả kí cũng có một bài thơ Nôm do Gia Quận công từng làm trấn thủ Sơn Nam viết dâng chúa Trịnh có đoạn như sau:
Vâng mệnh Sơn Nam trấn Hiến Doanh
Khổn thần tưởng vọng lấy lòng thành
Song mai hiệu đặt vài bàn thiếc
Tứ quý danh xưng bốn bức tranh…
Đến năm 1717, khi vẽ bản đồ về địa danh Phố Hiến Robert đã dùng danh từ Hean để chỉ cho vị trí thương cảng nổi tiếng ở Đàng Ngoài này. Như thế, danh từ Hean cũng được người phương Tây dùng để chỉ cho thương cảng Phố Hiến.
Sang triều Nguyễn, Phố Hiến đã được định danh bằng tên gọi của tỉnh khi vua Minh Mệnh cho thành lập tỉnh Hưng Yên vào năm Minh Mệnh thứ 12 (1831). Từ đó, tên gọi Phố Hiến không còn được sử dụng để ghi trong các công văn đương thời. Lịch sử sang trang, sông Hồng đổi dòng, Phố Hiến mất dần vị thế của một thương cảng. Sau khi triều đình phong kiến bị đánh đổ, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên nắm quyền. Đến ngày 15-8-1946 Ủy ban hành chính Bắc Bộ ra Nghị định số 1216 về việc thành lập thị xã Hưng Yên. Công báo nêu rõ: “Nay thành lập tỉnh Hưng Yên một thị xã, có chia khu đặt tên là thị xã Hưng Yên, bắc giáp làng Xích Đằng và Nhân Dục thuộc huyện Kim Động; tây giáp sông Nhị Hà; nam giáp làng Nhân Dục, Mậu Dương và Lương Điền, huyện Kim Động. Thị xã Hưng Yên chia hai khu phố Đấu Lĩnh và Đằng Giang. Phía nam thị xã giáp làng An Vũ huyện Kim Động”. Từ đây, thị xã Hưng Yên, thủ phủ của tỉnh Hưng Yên đã xuất hiện và trở thành đơn vị hành chính quan trọng nhất của chính quyền tỉnh.
Sau khi thực dân Pháp quay lại chiếm đóng Hưng Yên, đến ngày 12-5-1950 chúng đã đổi địa danh thị xã Hưng Yên thành quận Phố Hiến trực thuộc tỉnh Hưng Yên. Đổng lý văn phòng Thủ hiến Bắc Việt Vũ Quý Mão ký Nghị định số 1979 THP-ND cho thành lập quận hành chính Phố Hiến trở thành một đơn vị hành chính, thủ phủ của tỉnh Hưng Yên do Thực dân Pháp cai quản.
Ngày 6-8-1954 sau khi thực dân Pháp bị đánh đổ hoàn toàn, chính quyền của ta đã quay lại tiếp quản thị xã Hưng Yên và đặt lại đơn vị hành chính theo Nghị định 1216 ngày 15-8-1946. Thị xã Hưng Yên từ đó đi vào ổn định và phát triển, xứng đáng là đơn vị hành chính của tỉnh Hưng Yên.
Ngày 19-1-2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 04/NĐ - CP về việc thành lập thành phố Hưng Yên thuộc tỉnh Hưng Yên. Theo đó, thành phố Hưng Yên thuộc tỉnh Hưng Yên được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Hưng Yên. Thành phố có diện tích tự nhiên 4.685,51 ha, phía đông và nam giáp huyện Tiên Lữ, phía tây giáp tỉnh Hà Nam, phía bắc giáp huyện Kim Động.
Trên đây là những nét sơ lược nhất về quá trình thay đổi và đan xen tên gọi của Phố Hiến trong tiến trình lịch sử. Mặc dù, tên gọi Phố Hiến không còn tồn tại như một đơn vị hành chính của tỉnh và không được dùng trong các văn bản hành chính để chỉ cho vùng đất này nữa nhưng danh xưng Phố Hiến vẫn mãi là niềm tự hào của người Hưng Yên nói riêng và người dân Đàng Ngoài nói chung.

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

LUẬN VỀ HUNG CỤC, SÁT CỤC VÀ TỬ CỤC

Nguyễn Văn Chiến


1 – TRÙNG DƯƠNG TỬ TUYỆT CÁCH
Trùng dương thử cách bất lao khan
Huyền vũ cao cao cấp cấp san
Nhược ngộ táng chi đa bại tuyệt
Gia tài bất tất yếu tài quan
Có nghĩa:
Trùng dương là cách xem không mấy khó
Huyền vũ thì cao mà núi đi gấp gáp
Nếu táng huyệt nhầm vào nơi đó thì sẽ bại tuyệt
Gia tài tất bị chôn vùi
Cách này có thể hiểu cụ thể như sau: Cách Trùng dương, có thể nói là sơn đầu ở phía sau, cứ cao lên một chút thì thủy lại cao lên, huyệt kết từ ba đốt đến 10 đốt, tất cả cứ tầng tầng mà đột khởi, không có Long bác hoãn thuận khởi nên gọi đó là Trùng dương. Cách như thế này thì không thể táng được, hoặc ngộ nhỡ táng nhầm nơi đó, sinh nhiều chuyện tử tuyệt, vì thế khuyên mọi người nên cẩn thận với nó. Có thơ răn rằng:
Địa hình tuyệt tự thiểu nhân tri
Bắc lộ tây trì định bất nghi
Long đê phản ngoại nam vô tử
Hổ đoạn hình tha nữ bất nhi
Có nghĩa:
Địa hình tuyệt tự ít người biết
Đường phía bắc, ao phía tây phân định nên khỏi nghi ngờ
Long thì thấp mà phản ra bên ngoài làm con trai tuyệt tự
Hổ đứt từng khúc làm con gái không con
2 – TRÙNG DƯƠNG TỬ TUYỆT CÁCH
Trùng dương thử địa bất khả vi
Hậu sơn nhất cấp hựu nhất đê
Nhược ngộ táng chi đa bất lợi
Thời sư mạc nãi tác tâm ki
Có nghĩa:
Trùng dương đất ấy không thể làm
Hậu sơn một đoạn thấp, một đoạn cao
Ngộ nhỡ táng nhầm sinh nhiều điều bất lợi
Thời các thầy địa lý cần phải lưu tâm
Cách này có thể hiểu như sau: Cách Trùng dương, có thể nói là sơn đầu ở phía sau, cứ cao lên một chút thì thủy từ trong huyệt nổi lên mà đi ra sau đầu. Vì thế gọi là Thủy phá đầu mà đi nên gọi là cách Ngưỡng ngõa, từ trong huyệt đến hậu đầu có từ ba đốt đến 10 đốt, tất cả đều thấp mà không đột khởi, nên gọi đó là cách Trùng dương. Ngộ nhỡ táng nhầm nơi này thì cuối cùng cũng sinh ra bất lợi; thủy khẩu đối chọi và thấp, không sinh kì thạch nên sẽ bần cùng. Nếu buông thả, uốn lượn thì con gái sẽ bị phá bại, một đời chỉ thấy có điều hung mà thôi.
3 - ĐẤU MẠCH SÁT KHÍ CHI ĐỒ
Trực lai trực thụ thế vi nan
Đấu mạch táng chi thị bất an
Thử địa trùng tang sinh bách bệnh
Thời sư thức bĩ nhãn lao khan
Có nghĩa:
Mạch đến thẳng mà ngay đơ khi kết huyệt thì cuộc sống khó khăn
Đấy là Đấu mạch, táng xuống đó thì sẽ không yên ổn
Đất ấy sinh trùng tang và bách bệnh
Thời nay các thầy địa lý cũng khó mà nhìn nhận
Lại có cách giải thích như sau: Mạch xuất phát từ cung Huyền vũ mà xông thẳng đến trông thô phác, không có đột khởi hay phục Long Bác hoãn mà nhập huyệt. Cho nên mới gọi là đến thẳng, nhận thẳng; như Long ở Càn, Hợi đến giao kết huyệt, lại tọa Tốn, hướng Tị nên gọi là Đấu mạch sát khí, nên không thể táng ở đó. Cho nên còn gọi là Mai hoa song kim nhị sát, chú ý không được phạm vào. Do vậy, Long lai, hướng, can, chi tất cả đều có thể phải kị nó. Cho nên có thơ rằng:
Thủy khuyết môn tiền hạ thạch giang
Bệnh phùng hạ lị tử khê bàng
Sơn cao áp diện sinh thần mục
Thủy tiết biên thân tẩu dị hương
Bắc khuyết phong suy đa bệnh khổ
Nam phương hỏa tử hữu tai ương
Nhược đắc thử môn như hữu thử
Tử tôn hà hoạn hữu ôn hoàng
Có nghĩa:
Thủy khuyết trước cửa huyệt mà phía dưới có thạch giang
Bệnh gặp cảnh đau bởi có khe nước chết kề bên
Núi cao áp vào mặt mà sinh bệnh ở môi mắt
Nước chảy bên thân rồi trôi đi nơi khác
Hướng bắc khuyết hãm, gió thổi thì gặp nhiều bệnh tật khổ sở
Phương nam hỏa chết gặp lắm tai ương
Nếu như táng vào nơi như vừa kể
Thì con cháu làm sao tránh khỏi hoạn nạn, tật bệnh.
4 – TUYỆT MỆNH ĐỒ
Bất phân Long Hổ sự nan khan
Thử địa thô tề hữu nhị ban
Nhược ngộ táng chi tai sấn chí
Bất tu trứ mục uổng lao khan
Có nghĩa:
Không phân Long Hổ gặp việc khó khăn
Đất này thô mà ngay đơ có hai thứ bày ra
Ngộ nhỡ táng vào chỗ đó thì tai ương sẽ đến
Không luyện cho sáng mắt thì thật uổng công xem.
Có cách giải thích như sau: Chủ sơn cùng với huyệt và Long Hổ đều ngang nhau, không phân cao thấp, gián đoạn mà cùng một hạng. Vị chi Long Hổ cùng chủ sơn đều mạnh như nhau, không phân cách cục, nên không có phép để phân chia rõ ràng. Mà ngộ nhỡ gặp nó, táng mộ xuống thì sinh lắm việc tán bại. Cách này khuyên mọi người chú ý. Trong trung tâm mạch (tức vị trí Mão), chạy đến cung Giáp thì con trai sẽ gặp phong bệnh, nếu nhập vào cung Tốn thì con gái cũng có chứng phong bệnh. Do đó có thơ dạy rằng:
Thủy bức tiền môn bất khả khan
Thô hiềm ngũ nhập tuế nhi hoàn
Long trường Hổ đoản nam thương túc
Hổ súc, Long cao nữ chiết uyên
Tử vô tùy phụ nan thành phẩm
Phụ bất tòng phu tất dã quan
Hữu địa nhược quan y thị thử
Tiên sinh hà tất chuyển La bàn
Có nghĩa:
Thủy chảy gấp qua trước cửa huyệt nên khó xem
Chảy năm canh, suốt mùa không quay lại
Long mà dài, Hổ mà ngắn con trai gãy chân
Hổ mà thẳng, Long mà cao con gái gãy tay
Con không nghe lời cha nên khó có phẩm giá
Vợ chẳng theo chồng tất sẽ chết sớm
Có đất thế này mà xem được kĩ như thế
Thì thầy địa lý làm gì phải đặt La bàn.
5- SÁT MẠCH ĐỒ
Đoạn Long chi thủ bất kham thiên
Tuy hữu chân hình bất khả ngôn
Đoạn mạch thổ tiêu nhân thụ sát
Quý sơn sát mạch địa nan toàn
Có nghĩa:
Đoạn đầu Long bị đứt không thành đốt
Tuy có chân hình nhưng không thể tả được
Mạch đứt thổ tiêu con người sẽ bị sát
Quý sơn nhưng gặp sát mạch đất đấy cũng khó an toàn
Có người lại nói: Long đến nhập huyệt hoặc bị người làm cho cong vẹo và bị hãm, hoặc bị nước lớn phá hỏng, Long bị đứt ở phía sau, tuy có huyệt quý Long, nhưng cũng không thể táng được. Ví như táng vào chỗ đó, nếu có phát cũng không được lâu dài, khuyên mọi người nên cẩn thận. Có bài thơ khuyên rằng:
Tứ vi hữu lộ tẩu như xà
Thế tự tù đồ ngục tất gia
Ngũ quỷ vũ thương binh trận tử
Nhập lưu cấp án tọa sinh ba
Có nghĩa:
Bốn bên có đường vây quanh uốn éo như rắn bò
Hình thế trông như chữ tù, nên hình ngục hẳn sẽ vướng vào
Ngũ quỷ múa giáo làm cho binh chết trận
Nhập vào chảy gấp qua án tiền sinh ra sông lớn.
Huyệt này có thể hiểu là: Dù trong đời con người ai cũng muốn tránh việc tù ngục, nhưng thủy ở trước Minh đường này tốt ra sao? Nếu bốn bên có đường tạo thành chữ tỉnh (), thì người ta gọi thế đó là Thiên ngục (ngục của trời), chủ về bị tai ách về tù ngục, tra khảo, bốn phương mà nhọn thì phạm vào đao binh và chết trận. Nếu nước chảy hình chữ bát () thì sẽ bị phạm vào tù tội mà chết.
6 – ĐÊ THẤP TUYỆT HUYỆT ĐỒ
Khuyến quân Tuyệt huyệt bất lao hạ
Tất sử nhân đinh bất an dã
Thời sư loạn tác ngộ đa ban
Táng giả nhân đinh chung thụ sấn
Có nghĩa:
Khuyên anh Tuyệt huyệt chớ đặt mộ xuống đó
Tất sẽ khiến người trong nhà bất an
Nếu thầy địa lý ngộ nhỡ làm loạn đặt vào
Táng xuống đó thì người trong nhà cuối cùng sẽ gặp tai họa
Có cách giải thích như sau: Mạch đến thì loạn, huyệt thì ở nơi thấp kém, như thế không thể táng được, khí lạnh đâm vào áo quan. Táng vào huyệt như thế này, vong tán bất an, con cháu gặp tật bệnh, đó là Tuyệt địa nên cần xem kĩ. Giả như thế cục hữu tình, mạch lại đi quá gần huyệt, khí sắc của đất thấy sự sinh sôi hẳn huyệt nằm nơi thấp, huyệt này không được có bùn lầy. Thấy như thế cần xét mạch đến tận cùng, để đề phòng tuyệt khí, địa thần (môi đất) nhỏ nhẹ, chắc có sự sinh sôi. Nhưng nếu như thấp kém mà trông hữu tình, hình thế có vẻ rất đẹp nhưng không có bùn lầy thì cũng có thể xét huyệt đó mà táng. Nên có thơ dạy rằng:
Lưỡng biên Long Hổ dấu như trùy
Nhân mệnh hình tai bất định kì
Khuyết tý định tri ly táng mệnh
Tàng đầu tất thị họa giang thi
Phương ấn tiêm trường nhân tất dũ
Viên hình khoan hậu tử tôn phì
Thủy bức đường tiền xâm thượng tọa
Tao phùng khái xuyễn mệnh nan y
Có nghĩa:
Hai bên Long Hổ đánh nhau như vồ đập
Nhân mệnh sẽ gặp hình ngục, tai họa không yên
Khuyết tay (khuyết Hổ) cần biết kĩ khi táng mộ
Đầu mà ẩn kín thì chắc chắn họa như khiêng xác chết
Phương có ấn mà nhọn dài thì người tất sẽ lo lắng
Nếu hình mà tròn, trông khoan hậu thì con cháu phát đạt
Thủy chảy gấp qua trước Minh đường xâm phạm đến chỗ cao
Thì bỗng nhiên người gặp bệnh ho, xuyễn khó chữa
7 – HOÀNH SÁT ĐỒ
Khán Long chi huyệt tế thôi tường
Táng thử nhân đa thụ họa ương
Tật bệnh yêu vong hà đắc hảo
Quý điền dung vệ sử nhân thương
Có nghĩa:
Thấy huyệt của Long nhỏ mà lại nổi lên rất dài
Táng xuống đó thì người sẽ gặp nhiều điềm tai ương
Tật bệnh sẽ đến như thế thì tốt sao được?
Dù ruộng quý mà dùng huyệt này cũng khiến người bị tổn thương
Có cách giải thích như sau: Sơn từ bên phải mà lại, theo bên phải mà nhập thủ chắc chắn sẽ đi ngang mà nhận khí ngang; nếu có sơn và có án tiền, có Long, có Hổ, huyệt cư ở chỗ Long kiên nên không thể táng. Nếu như miễn cưỡng táng vào chỗ đó, chắc chắn sẽ đau buồn, nếu lỡ táng rồi, thì sự mất mát sẽ đến từ đó, tật bệnh, tai họa khó tránh. Vì vậy khuyên mọi người cẩn thận khi xem xét huyệt này. Nếu như tả hữu tự nhiên như đè lên cục, không có bùn lầy thì sách có dạy rằng:
Đè lên Long thì hẳn huyệt sẽ sinh ở vai Long, nhiều con, nhiều cháu quý nhưng không tệ.
Xét trên 7 đồ hình vừa giới thiệu đều là tiện cách, tất cả là giả huyệt, hoặc làm dương phần, hoặc làm âm trạch, thì đều rơi vào những vị trí của cách táng tuyệt.Vị chi là phép của việc dẫn cái chết. Làm thầy địa lý thật khó, khi thương xót người thì phải dùng hết tinh lực xem xét để lấy cái sinh đuổi hết cái tử, chọn lấy nơi đẹp mà dùng. Nay viết ra đây sự tinh yếu của sáu tự, chắc hẳn địa thế cũng không vượt qua những việc này. Vả lại, lấy khí cục làm đầu, địa mạch xét sau, đấy là cái lý của việc đoán xét. Nếu như đi ra nơi đồng hoang chọn huyệt; thấy huyệt rồi đi khoảng bốn, năm bước mà không thấy khí sắc phát ra từ nơi sở tại, thì phải coi nơi đó đã chọn sai, thấy cái chân ấy chỉ là cái giả, thì phải theo sự chỉ dẫn của Thiên môn, địa hộ, bùn lầy ở trong cục, phàm khi tả mà thấy rắc rối thì không thể là chính quý được, cho nên hết sức cẩn thận.