Nguyễn Văn Chiến
Nguyên phi Ỷ Lan là người phụ nữ tài ba nhất mà lịch sử Việt Nam còn ghi lại, vì thế cho đến nay có rất nhiều các dị bản chuyện liên quan đến bà. Tương truyền Ỷ Lan có tên là Lê Thị Khiết, hay Lê Thị Yến. Một học giả người Tống là Thẩm Hoạt lại ghi là Lê Thị Yến Loan, Theo tài liệu truyện thơ của Trương Thị Ngọc Trong, thì bà có tên là Lê Khiết Nương.
Nguyên phi Ỷ Lan sinh ngày 7 tháng 3 năm 1044, (19 tháng 2 Giáp Thân, niên hiệu Thiên Cảm Thánh Võ thứ nhất). Một tài liệu khác cho rằng năm sinh của Ỷ Lan không rõ.
Nguyên quán của bà là làng Thổ Lỗi (còn gọi là làng Ghênh), phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc, nay thuộc thôn Ngọc Quỳnh, xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Yến Loan vốn là một thôn nữ, con gái ông Lê Công Thiết và bà Vũ Thị Tình, gia đình làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm. Năm Yến Loan 12 tuổi thì mẹ mất. Hai năm sau Lê Công Thiết lấy một người con gái họ Đồng làm vợ kế. Năm Yến Loan 16 tuổi, cha cũng qua đời, cô được mẹ kế nuôi dạy.
Năm Quý Mão 1063, Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai. Vua và hoàng hậu đi cầu tự nhiều nơi nhưng chưa ứng nghiệm. Một hôm, vua ngự giá đến trang Thổ Lỗi, thấy một cô thôn nữ xinh đẹp tựa bên gốc lan ca hát, cô gái đó là Lê Thị Yến. Lý Thánh Tông lấy làm lạ, cho người gọi lại hỏi, người con gái đối đáp thông minh, cử chỉ đoan trang, dịu dàng. Vua truyền lệnh tuyển cô vào triều, rước về Lan Cung thuộc đất làng Kim Cổ, huyện Thọ Xương của kinh thành Thăng Long và là Ỷ Lan phu nhân, có ý nhớ lại hình ảnh cô gái đứng tựa gốc lan.
Trong cung Ỷ Lan chú tâm vào học hành, không lấy việc tô điểm nhan sắc, để chiếm được tình cảm của vua làm trọng. Bà khổ công học hỏi, miệt mài đọc sách. Chỉ trong một thời gian ngắn, mọi người đều kinh ngạc trước sự hiểu biết uyên thâm về nhiều mặt của bà.
Năm 1066, Ỷ Lan sinh Càn Đức. Càn Đức được phong làm Hoàng thái tử, bà được phong là Thần phi. Khi Ỷ Lan sinh người con trai thứ hai là Minh Nhân Vương, bà được phong là Nguyên phi. Năm 1072, Càn Đức lên nối ngôi, tức là vua Nhân Tông, bà được phong là Linh Nhân Hoàng thái hậu.
Năm 1069, Lý Thánh Tông cùng Lý Thường Kiệt dẫn quân đi đánh giặc phương Nam, trao quyền nhiếp chính cho Ỷ Lan. Không may năm ấy, Đại Việt bị lụt, mùa màng thất bát, nhiều nơi sinh loạn. Nhưng nhờ có kế sách trị nước đúng đắn của bà, loạn lạc bị dẹp, dân đói được cứu sống. Cảm cái ơn ấy, nhân dân đã tôn Ỷ Lan là Quan Âm Nữ, lập đền thờ ở nhiều nơi. Được biết, nhờ tài trị nước của vợ mà dân yên ổn. Lý Thánh Tông đã phấn khởi mà lập nên thắng lợi ở chiến trường.
Năm 1072, Lý Thánh Tông qua đời, Lý Nhân Tông mới 7 tuổi lên ngôi, bà được tôn làm Hoàng thái phi, rồi Hoàng thái hậu. Triều đình rối loạn, Ỷ Lan lại ra coi triều chính lần thứ hai. Bà điều khiển cả quốc gia, cùng tể tướng Lý Thường Kiệt chủ trương đánh quân Tống xâm lược. Hai lần quân Tống đến ( 1075 và 1077) vua Lý Nhân Tông chưa quá 10 tuổi, Ỷ Lan đã bỏ qua hiềm khích cũ, điều Lý Đạo Thành từ Nghệ An về, trao lại chức Thái sư. Bà cùng Lý Đạo Thành lo việc binh lương chuyển ra tiền tuyến và làm nên một chiến thắng trên sông Như Nguyệt ngời sáng trong sử xanh của Đại Việt.
Khi vào triều, Ỷ Lan phu nhân đã tìm cách đưa ca múa dân gian vào theo, nhờ thế mà từ vua quan đến dân chúng đều yêu mến nghệ thuật ca múa dân tộc. Bà cùng vua Lý Nhân Tông cho đắp đê chống lũ lụt, khởi đầu việc đắp đê ngăn lũ ở nước ta. Bà khuyến khích phát triển nông nghiệp, nghề thủ công, cấm giết trâu bò cày, lập chính sách thuế hợp lý, dùng gấm vóc Việt may phẩm phục triều đình. Bà chủ trương phát triển nghề nuôi tằm, dệt vải. Ngay trong kinh thành Thăng Long, Ỷ Lan đã cho dựng các khu nuôi tằm, lập các xưởng dệt. Đặc biệt Nguyên phi Ỷ Lan còn quan tâm tới những phụ nữ bất hạnh, bà đã phóng thích cho nhiều cung nữ về quê lấy chồng. Và có lẽ, khi bà còn sống, Phật giáo phát triển mạnh hơn cả.
Hơn 40 năm gián tiếp hay trực tiếp nắm quyền triều chính Nguyên phi Ỷ Lan đã làm được nhiều việc ích nước, lợi dân khiến đương thời và hậu thế đều kính phục.
Năm 1115, khi 71 tuổi, Hoàng thái hậu Ỷ Lan về hẳn quê nhà ở Ghênh. Triều đình nhà Lý đã cho xây tại Ngọc Kinh một Thủy Lâu đài (lâu đài trên hồ nước) để bà tiếp khách triều đình, nghỉ ngơi và tu tại gia. Sau khi bà mất ngày 25/7 âm lịch, năm Đinh Dậu 1117, bà được hỏa táng, dâng thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng thái hậu, Thủy lâu đài được sửa sang thành đền thờ bà, gọi là đền Ghênh.
Nguyên phi Ỷ Lan là một phụ nữ đức hạnh, tài, sắc vẹn toàn. Bà là người phụ nữ duy nhất trong lịch sử nắm quốc quyền, hai lần nhiếp chính thay vua trị vì đất nước. Ỷ Lan có công xây dựng nhà Lý trở thành một quốc gia cường thịnh. Bà giữ nước, yên dân bằng tấm gương sáng kết hợp cả pháp trị và đức trị. Không những vậy, Linh Nhân Hoàng thái hậu còn là người luôn hướng về cửa Phật, hướng về điều thiện. Nhờ vậy bà còn lưu lại cho hậu thế những bài kinh, trong đó có các câu kệ nhan đề “ Sắc Không” và được coi là một trong những tác gia văn học thời Lý - Trần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét