Nguyễn Văn Chiến
Đoàn Thị Điểm, hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, biệt hiệu là Ban Tang, quê ở làng Hiến Phạm (tên nôm là làng Giữa), huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh. Nay là thôn Giai Phạm. Vì bà lấy ông Nguyễn Kiều, nên có sách chép là Nguyễn Thị Điểm. Bà sinh năm Ất Dậu (1705), thời Lê Trung Hưng. Lên 5 tuổi đã đọc đến sách Hán Cao Tổ, người có sắc đẹp kiều diễm và có tài ứng khẩu, họa thơ rất mau lẹ. Bà giỏi chữ Hán nhưng lại sáng tác nhiều bằng chữ Nôm.
Theo gia phả họ Đoàn, tổ tiên bà trước họ Lê và theo con đường võ nghiệp. Nguyên tằng tổ là Lê Công Nẫm, làm quan võ tới chức Thái Thường tự Thiếu Khanh, được phong tước Thiêm hào tử. Đến đời cụ thân sinh Lê Doãn Nghi vì nằm mộng thấy một vị thần bảo ông đổi sang họ Đoàn thì mới hiển đạt. Do đó, ông đã đổi là Đoàn Doãn Nghi. Về sau con cái hiển đạt, ông đã xây miếu thờ vị thần báo mộng cho mình tại bản thôn. Hiện nay, miếu thờ đó vẫn được con cháu họ Đoàn ở thôn Giai Phạm hương khói. Về việc này trong nhà thờ họ còn lưu đôi câu đối như sau:
Vũ liệt văn khôi quang thế phả,
Lê tiền Đoàn hậu ký Thần ngôn.
Lê tiền Đoàn hậu ký Thần ngôn.
Có nghĩa là:
Võ giỏi văn tài ngời phả họ,
Lê xưa Đoàn mới nhớ lời Thần.
Lê xưa Đoàn mới nhớ lời Thần.
Đoàn Thị Điểm là con bà thứ họ Vũ có anh cùng mẹ là tiến sĩ Đoàn Doãn Luân và một người anh khác mẹ nữa là cử nhân Đoàn Doãn Sỹ. Mặc dù là phận gái nhưng ngay từ nhỏ bà đã được học chữ như anh trai, học đủ Ngũ Kinh và Tứ Thư. Ngoài học văn bà còn được mẹ dạy cho nhiều việc nữ công gia chánh nên rất giỏi trong việc nội trợ.
Năm 16 tuổi, bà được Thượng thư Lê Anh Tuấn, mến tài văn chương và đức hạnh nên nhận làm con nuôi. Kể từ đó, bà về ở nhà của dưỡng phụ tại phường Bích Câu, kinh thành Thăng Long. Ở đây, Đoàn Thị Điểm quen biết nhiều người có danh vọng, khoa bảng, vì thế mà tiếng tăm về tài ứng đối văn chương và về hoa tay khéo léo của tài nữ họ Đoàn được đồn xa.
Trong thời gian ở nhà dưỡng phụ, Đoàn Thị Điểm có dịp đọc rất nhiều sách quí ở thư phòng của quan Thượng thư, nhờ vậy mà kiến thức của bà được mở rộng hơn trước rất nhiều. Dưỡng phụ muốn cho bà có dịp đem tài năng thi thố nên tiến cử vào cung chúa Trịnh để dạy cung nữ, nhưng bà nhất định từ chối, vì không muốn bị gò bó trong triều đình.
Sau khi cha và anh lần lượt qua đời bà đã vừa phải dạy học, vừa bốc thuốc lấy tiền giúp chị dâu, nuôi mẹ và dạy bảo hai cháu nhỏ là Đoàn Lệnh Khương và Đoàn Doãn Y. Từ khi lọt lòng, Lệnh Khương và Doãn Y đã được cô Điểm chăm sóc tận tình. Về sau, cả hai chị em đã làm rạng danh dòng họ Đoàn. Riêng Đoàn Lệnh Khương đã tiếp bước cô ghi tên mình vào hàng ngũ những nữ văn sĩ tài ba nhất của đất Việt.
Đến năm 35 tuổi, phần vì gánh nặng gia đình, phần đợi người có tài đức xứng đáng nên bà chưa lập gia đình. Mặc dù, có nhiều người đến dạm hỏi, kể cả những đám quyền quý nhưng bà đều từ chối. Ngay cả cậu ruột chúa Trịnh khi muốn cưới bà, bà cũng tìm cách khước từ bằng việc bôi mặt lấm lem giả là người mò cua, bắt ốc trốn đi, có lần trốn hàng tháng cốt lánh mặt cậu chúa ép mình về làm thiếp. Thời gian này, bà ra nhận chức giáo thụ cho một cung tần đang được vua sủng ái. Khi ở trong cung, bà thấy rõ những điều xấu xa bỉ ổi của đám quan lại, cùng sự thối nát của triều đình, nên bà xin trở về quê.
Hết thời hạn, bà lại đem cả nhà đến làng Vô Ngại và làm gia sư ở đó. Sau chuyển qua làng Chương Dương ( Hà Đông) làm nghề y và mở trường dạy học. Trong đám học trò của bà có một số người thành tài như Lê Duy Doãn đậu tiến sĩ năm 1763.
Sách Đoàn thị thực lục chép một việc như sau: "Năm Đoàn Thị Điểm 37 tuổi, một hôm đang giảng bài cho học trò thì từ ngoài có một người vén rèm bước vào, theo sau có vài đầy tớ mang cái quả sơn son thếp vàng, trong quả có một phong thư dán kín… Bức thư này là của quan Tả thị lang, người làng Phú Xá, tên là Nguyễn Kiều gửi thư đến cầu hôn. Bà than rằng: Lúc trẻ ta mong được người này đến cầu hôn. Đã trải qua hơn hai mươi năm, ta không bao giờ nghĩ tới nữa. Ta từng nhủ lòng, hạng người tài tử giai nhân rất hiếm trên đời này. Tốt hơn ta nên rửa sạch lòng trần, an nhàn nuôi lấy khí tượng thanh bình."
Chừng 10 ngày sau, Nguyễn Kiều lại sai một người mang thư đến. Trong bức thư này, lời lẽ rất khẩn thiết chân thành, có đoạn như sau: "Tôi rất bận việc quan, lại phải lo chuẩn bị lên đường, việc nhà không ai coi sóc và cai quản. Tôi nghĩ rằng cô cùng nội trợ với tôi, nếu cô vui lòng đùm bọc thì thật là may mắn cho cả nhà tôi đó". Cảm động trước tấm lòng chân tình của Nguyễn Kiều, bà đã về làm thiếp của ông.
Cưới nhau chưa đầy một tháng thì quan Thị lang Nguyễn Kiều được cử làm Chánh sứ sang triều cống nhà Thanh. Ông phải từ giã bà để phụng chiếu ra đi. Lệ thường, đi sứ như vậy khoảng 2 năm thì về. Trong thời gian này, bà đã đem những nỗi niềm chất chứa trong lòng về sự cô đơn, nhung nhớ, lo lắng cho chồng mà dịch bản Chinh Phụ Ngâm Hán văn của Đặng Trần Côn ra thơ Nôm.
Chuyến đi sứ thành công, Nguyễn Kiều trở về, vợ chồng lại có thời gian bên nhau đàm đạo thi phú. Ngoài tài văn thơ Đoàn Thị Điểm còn rất giỏi Dịch học, hễ có chuyện gì là bà liền bấm độn xem sự thể ra sao. Trong gia Phả họ Đoàn có đoạn như sau: “ Năm Mậu Dần, tháng hạ bà Điểm đang ngồi với ông chồng ở tư thất bình văn, tập hợp các bài văn cũ để làm thi tập cho cả nhà. Đột nhiên bức màn đỏ che trước cửa, kế bên ông bà ngồi, bị gió cuốn lên làm bụi bay tứ tung. Bà Điểm bấm đốt ngón tay rồi đọc câu thơ rằng:
Bắc khuyết vân trình chiêu thiếp thụy
Nam thùy xuân vũ trước quân ân
Có nghĩa:
Cửa Bắc xe mây điềm thiếp rõ
Bờ Nam mưa ấm tỏ ơn vua
Nghe qua, Nguyễn Kiều bồn chồn hỏi ý nghĩa câu thơ nhưng bà chỉ mỉm cười không nói. Nhưng bà biết điềm xấu sắp xảy ra với mình, còn chồng sẽ được thăng quan”.
Quả đúng như vậy, it lâu sau do có công trong chuyến đi sứ, Nguyễn Kiều được bổ làm Đốc đồng trấn Nghệ An. Lúc đó, Đoàn Thị Điểm không muốn theo chồng đi, vì ở nhà còn mẹ già và các cháu thiếu người chăm sóc, cũng như linh tính báo sẽ có điều không lành trong chuyến đi xảy đến với bà. Nhưng Nguyễn Kiều hết lời nài nỉ, cuối cùng bà phải chiều chồng, làm bổn phận người vợ, xuống thuyền cùng ông đi vào Nghệ An.
Lúc thuyền đến bến Đền Sòng, nơi thờ công chúa Liễu Hạnh, bà bị cảm rất nặng. Biết mình không thể qua khỏi, bà trăn trối với chồng: "Chàng nên cố gắng lo tròn việc nước để trở về kinh sớm ngày nào tốt ngày đó, chớ nên ở lâu chốn biên thùy này mà dấn thân vào nơi gió bụi hiểm nguy."
Trối xong, bà từ trần, lúc đó là ngày 11 tháng 9 năm Đinh Mão (1748), hưởng được 44 tuổi. Bà chưa có con với Nguyễn Kiều.
Nguyễn Kiều vô cùng thương tiếc người vợ tài ba nhưng vắn số. Ông quàn quan tài vợ tại Nghệ An đến một tháng sau mới đưa linh cữu trở về quê nhà của bà an táng.
Sinh thời Đoàn Thị Điểm đã sáng tác rất nhiều văn thơ nhưng tác phẩm còn truyền lại cho hậu thế chỉ còn:
- Văn tế khóc anh bằng chữ Hán
- Chinh phụ ngâm ( Bản dịch Nôm)
- Truyền Kỳ Tân Phả ( gồm 7 tiểu truyện)
- Hồng Hà phu nhân di văn.
Có thể nói, Đoàn Thị Điểm là nữ thi sĩ xuất sắc bậc nhất của nước ta dưới triều Lê Thuận Tông. Mặc dù thời gian đã phủ mờ quá khứ, nhưng những tác phẩm văn học bà để lại còn có giá trị rất lớn đối với các thế hệ sau này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét