Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

ĐỖ THẾ DIÊN ÔNG TRẠNG KHAI KHOA

Nguyễn Văn Chiến
Đỗ Thế Diên hay còn gọi là Đỗ Thế Bình, người làng Cổ Liêu, huyện Đường Hào (nay là thôn Thanh Xá, xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ). Cho đến nay, chưa có tài liệu nào ghi chép chính xác về năm sinh và năm mất của ông, chỉ biết rằng cụ thân sinh ra ông là Đỗ Tiên Chính và mẹ là bà Kiều Thị. Tương truyền, cha của Đỗ Thế Diên mất sớm, lúc đó ông còn rất nhỏ. Sau khi cha mất, Đỗ Thế Diên cùng mẹ sống trong cảnh mẹ góa con côi tại căn nhà rách nát cuối thôn. Mặc dù nhà nghèo không có đèn dầu để đọc sách, nhưng ông vẫn chuyên tâm kinh sử bằng cách quét lá đa, đốt cháy và nhờ ánh sáng đó để học bài.
Một hôm, Đỗ Thế Diên đang học do quá buồn ngủ nên ông gục xuống bàn thiếp đi. Khi tỉnh dậy, ông thấy một con yêu tinh đang đứng cạnh mình. Ông giật mình thảng thốt toan bỏ chạy, nhưng yêu tinh đã khuyên Đỗ Thế Diên bình tĩnh và không nên sợ hãi. Nó giải thích việc đến đây là do cảm động trước sự hiếu thảo và lòng ham học của ông. Nói xong, yêu tinh nhả một viên ngọc đưa ông nuốt vào bụng. Từ đó, ông học rất nhanh, học một biết mười, đọc đâu nhớ đó. Đầu ông chứa thiên kinh vạn quyển và cả vùng không ai sánh kịp.
Đến khoa thi mùa xuân, năm Trinh Phù thứ 10 (1185) đời Lý Cao Tông, khoa thi nhằm chọn ra các bậc sĩ nhân trong nước, Đỗ Thế Diên đã trúng đầu kì thi này. Sách Đại Việt sử ký toàn thư quyển số IV phần ghi về Cao Tông Hoàng Đế viết: Vào năm Trinh Phù thứ 10 (1185) đời Vua Lý Cao Tông, triều đình tổ chức mở khoa thi tuyển sỹ vọng vào làm việc trong cung, ông đã dự thi và đỗ đầu cùng Đặng Nghiêm, Bùi Quốc Khái và 30 người nữa. Vì vào thời nhà Lý chưa có học vị Trạng nguyên, học vị này về sau mới có. Nhưng do Đỗ Thế Diên trúng đầu khoa thi nên mọi người tại bản thôn vẫn quen gọi ông là cụ Trạng. Việc Đỗ Thế Diên đăng khoa đã trở thành mốc son trong sự nghiệp khoa cử của người Hưng Yên. Bởi ông chính là người đầu tiên của tỉnh thi đỗ trong một cuộc sát hạch mang tính quốc gia như thế. Ông không chỉ là người khai khoa cho Hưng Yên mà còn là người khai khoa cho cả nền khoa cử của xứ Đông.
Sau khi thi trúng tuyển, Đỗ Thế Diên được triều đình vời ra làm quan, ông từng đảm nhận các chức như: Triều Nghị Đại nhập nội thị- Phu tỉnh Quảng từ công cung sự- Quảng từ kiêm Quan phán hình viên sự, và được vua ban cho túi dạ cá vàng. Sau này, do lập nhiều công trạng, ông đã được phong đến chức Đại tư đồ (Thượng thư bộ hộ) bậc trụ quốc (tứ trụ triều đình).
Vì tuổi cao, sức yếu, Đỗ Thế Diên được triều đình cho về nghỉ tại quê nhà. Vốn là người học rộng, biết nhiều ông đã dành tiền xây dựng chùa Báo Ân với suy nghĩ trước báo ân vua, sau báo ân cha mẹ và người dân trong thôn đã đùm bọc ông ăn học thành tài. Việc xây dựng chùa Báo Ân đã được Đỗ Thế Diên ghi lại trên tấm bia đá dựng trước Triệu Nghị cổ miếu (nay được đặt phía trước nhà thờ Trạng nguyên).Tiếc rằng bia đá ấy đến nay chữ đã mờ gần hết, chỉ còn vài dòng có thể đọc được, nhưng hoa văn lưu lại trên bia cũng đủ minh chứng cho ta thấy bia được dựng vào thời Lý.
Sau khi ông mất, nhà vua cho lập đền thờ Trạng nguyên Đỗ Thế Diên ngay trên nền nhà cũ của ông và có chỉ dụ cho các quan trong triều về tế lễ, ngày nay thôn Thanh Xá vẫn còn địa danh “Ngõ Chầu”. Địa danh này nhắc lại việc các quan và nhân dân địa phương đón nghe chiếu chỉ vua ban. Hiện nay, trong đền thờ Trạng nguyên ngoài tượng thờ ông, đền còn lưu giữ được nhiều di văn quý giá ca ngợi lòng hiếu thảo và tinh thần hiếu học của Đỗ Thế Diên. Điển hình như bức đại tự:
Đông Hải Văn Khôi
(Đỗ đầu đạo văn vùng Đông Hải).
Hay như đôi câu đối:
Tứ hải dương đạo học chi nguyên, Cổ Liêu khai địa mạch
Lý Triều trúng giáp khoa chi tuyển, Đông thổ phá thiên hoa
Có nghĩa:
Khơi nguồn học bốn biển, Cổ Liêu khai mạch đất
Trúng khoa giáp Lý triều, xứ Đông tỏ đạo văn
Để tưởng nhớ công đức của Đỗ Thế Diên, triều đình đã ban cho dân làng Cổ Liêu ruộng “Tế điền”, nhân dân có thể lấy nguồn thu từ ruộng đó để hàng năm phụng thờ Trạng nguyên. Hiện nay, tại tỉnh Hưng Yên không còn nhiều di văn ghi về thân thế và sự nghiệp của Đỗ Thế Diên. Duy chỉ có bia số 9 trong văn miếu Hưng Yên còn ghi lại tên tuổi và quê quán của vị Trạng nguyên khai khoa cho vùng xứ Đông năm nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét