Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

NGUYỄN TRUNG NGẠN VỊ HOÀNG GIÁP TUỔI SỬU TÀI CAO

Nguyễn Văn Chiến
Nguyễn Trung Ngạn ( 1289 - 1370 ) trước tên là Cốt, hiệu Giới Hiên, tự là Bang Trực, sinh trưởng trong một gia đình làm nghề ca cầm ở làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi ( nay là làng Thổ Hoàng, huyện Ân Thi). Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng văn hay. Năm Giáp Dần, niên hiệu Hưng Long 12 (1304), Nguyễn Trung Ngạn thi đậu Hoàng giáp khi mới 16 tuổi, cùng khoa với Mạc Đĩnh Chi. Năm 24 tuổi ông giữ chức Giám quân, vua Minh Tông lên ngôi, ông được cử đi sứ nhà Nguyên cùng Phạm Ngộ để báo tin và dâng cống phẩm.
Năm Khai Thái thứ 8 (1321) ông được sung làm Ngự sử đài. Năm Khai Thái 11 (1324), Mã Mậu Hợp là sứ nhà Nguyên đi qua cầu Tây không chịu xuống ngựa Nguyễn Trung Ngạn đã dùng lý lẽ sắc sảo buộc chúng phải xuống đi bộ vào thành. Vốn là người bộc trực và thẳng tính nên nhiều lần ông trái ý vua do vậy vua đổi ông ra châu Yên Lãng. Năm 1326 ông làm An phủ sứ Thanh Hoá. Năm 1329 vua Hiến Tông lên kế vị, ông theo Thượng Hoàng đi đánh Ngưu Hống ở Đà giang và được lệnh viết sách Thực lục về cuộc hành quân ấy. Năm Khai Hựu thứ 4 (1332) ông được phong làm phó nội viện Nội mật, coi việc ở viện Thẩm bình nhưng vẫn kiêm An phủ sứ Thanh Hoá. Khi vừa nhậm chức, ông liền cho xây nhà Bình doãn dùng để xử kiện một cách công minh.
Năm Khai Hựu 9 (1337), ông được đổi làm An phủ sứ Nghệ An, kiêm coi việc chép sử ở Viện quốc sử, rồi làm Tào vận sứ ở lộ Khoái Châu. Đến năm 1340 ông được cử sang làm Đại doãn ở kinh sư. Vua Dụ Tông lên ngôi sai ông cùng Trương Hán Siêu biên định Hoàng triều đại điển Hình luật thư.
Năm Thiệu Phong thứ 2 (1342) ông được thăng lên chức Hành khiển coi viện Khu mật. Sang năm Thiệu Phong 12 (1352) thăng lên chức Nhập nội hành khiển. Năm thứ 15 (1355) ông được thăng lên chức Kinh lược sứ Lạng Giang, Đại hành khiển, Thượng thư hữu bật kiêm viện khu mật, lại thăng Đại học sĩ Trụ quốc khai huyện bá, Thân quốc công.
Nguyễn Trung Ngạn làm quan trong năm đời vua và thọ hơn 80 tuổi. Ông không những là nhà chính trị ngoại giao kiệt xuất mà ông còn là một nhà thơ có tài hơn người trong việc kinh bang tế thế.
Sinh thời, ông làm nhiều thơ và được coi là danh Nho thời Trần, nhưng nguyên cảo thơ ông đã bị mất, may mắn là một số bài còn được lưu lại trong các tập “Việt âm thi tập” của Phan Phu Tiên, “ Toàn Việt thi lục” của Lê Qúy Đôn, “Hoàng Việt thi tuyển” của Bùi Huy Bích, “Tinh tuyển chư gia thi luật” của Dương Đức Nhan, “ Trích diễm tập” của Hoàng Đức Lương và một số sách khác. Đến năm Ất Mùi niên hiệu Cảnh Hưng (1775), Nguyễn Huy Uông mới sưu tầm và biên tập lại thơ của Nguyễn Trung Ngạn và đặt tên là “Giới hiên thi cảo toàn trật”.
Giới Hiên thi tập tổng cộng có hơn tám mươi bài, nội dung phản ánh phong phú, phần nào thể hiện được con người mẫn cán của Nguyễn Trung Ngạn. Đánh giá về “ Giới Hiên thi tập” Phan Huy Chú viết “Nguyễn Trung Ngạn soạn (Giới Hiên thi tập); nguyên cảo đã bị mất. Thơ ông tìm thấy tản mát trong các nhà. Chú tôi là Chỉ Am công đã thu thập cả lại, chia loại chép ra được hơn tám mươi bài, lời thơ phần nhiều hào mại, phóng khoáng, có khí cốt như thơ Đỗ Lăng.
Hiện nay, di bút duy nhất của Nguyễn Trung Ngạn còn được lưu lại là tấm bia khắc trên vách đá ở phủ Tương Dương, Nghệ An với nhan đềMa Nhai kỉ công bi văn”. Cùng với các danh nho Phạm Sư Mạnh, Mạc Đĩnh Chi, Đinh Củng Viên, Phạm Tông Mại, Nguyễn Trung Ngạn  đã phát triển một đề tài mới trong văn học đời Trần, đó là đề tài Thơ đi sứ, với nội dung phong phú, những xúc cảm mới lạ. Lần đầu tiên, cảnh sắc Trung Hoa hùng vĩ, đẹp đẽ xuất hiện trong thơ Việt Nam đầy gợi cảm. Tác phẩm nổi tiếng nhất trong những bài thơ đi sứ của Nguyễn Trung Ngạn, là bài “Quy hứng”. Một bài thơ thể hiện tâm trạng nhớ nhà da diết đã được đưa vào sách giáo khoa phổ thông, đủ để minh chứng cho tinh hoa thơ văn thời Trần.
Lão tang diệp lạc tàm phương tận
Tảo đoạ hoa hương giải chính phì
Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo
Giang Nam như lạc bất như quy
Dịch thơ
Dâu già giục kén tằm vàng
Lúa đang ngậm sữa cua càng béo thêm
Rằng nên: nghèo thú ở nhà
Giang Nam vui vẻ về là vẫn hơn
Nguyễn Trung Ngạn đã ra đi gần 700 năm, nhưng những gì mà vị Hoàng giáp tuổi Sửu đóng góp đáng để chúng ta tự hào về một danh nhân đất Hưng Yên. Ông xuất hiện với tư cách một nhà chính trị, nhà ngoại giao kiệt xuất; đồng thời cũng là một nhà thơ đầy tài năng, đầy cảm xúc. Hiện nay, tên của ông đã được đặt cho nhiều đường phố ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… cũng như tên của những ngôi trường ở nhiều địa phương khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét