Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

NHÌN LẠI PHẠM VĂN THỤ

Nguyễn Văn Chiến

Phó bảng Phạm Văn Thụ tự Đàn Viên, hiệu Đông Bạch Phái, sinh ngày 30/6/1866 (tức ngày 18/5 năm Bính Dần, niên hiệu Tự Đức thứ 19) tại xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho, thuở hàn vi Phạm Văn Thụ được ông bà nội ngoại và bố mẹ hết sức yêu quý, dạy bảo. Ông bà nội thường hay kể chuyện cổ tích, chuyện lịch sử của làng xã, và thân thế sự nghiệp của tổ tiên cho cháu nghe. Thân phụ Phạm Văn Thụ là cụ Phạm Xuân Đồng, từng thi trúng nhị trường, dân trong vùng khi đó phong ông là một trong bốn “Đường Hào tứ kiệt” (gồm 4 vị: Ngâm, Nhân, Đồng, Trạch). Thời đó, đất nước nhiều biến loạn; thân phụ và thân mẫu của Phạm Văn Thụ luôn chung lưng gìn giữ nghiệp nhà. Hai cụ thường khuyên con cháu: “Dù nếm mật nằm gai cũng phải chăm học, kỳ cho trả được cái thù đèn sách”.
Phạm Văn Thụ nhờ sự giúp đỡ và dạy bảo của gia đình, nên ông chỉ tự học ở nhà. Năm 14 tuổi Phạm Văn Thụ đã tỏ ra thông minh hơn người, tính lại rất cần kiệm, chỉ học toàn sách cũ của anh, viết toàn mực than giấy lộn, không muốn tiêu phí đến cha mẹ. Khi đã lớn, ông theo các anh đi học, thầy giáo cũng là cậu ruột. Phạm Văn Thụ thường làm câu đối rất hay, có lần thầy giáo nói với thân phụ ông: “Không ngờ thằng bé này tài lạ, chắc sẽ hơn chúng mình”.
Năm 20 tuổi Phạm Văn Thụ đỗ tú tài khoa Bính Tuất, niên hiệu Đồng Khánh nguyên niên (1886). Năm Thành Thái thứ 3 (1891) trong đợt thi Hương tại trường thi Nam Định, ông đỗ Cử nhân. Năm sau (1892) ở kỳ thi Hội tại kinh thành Huế, ông đậu Phó bảng cùng khoa với Nguyễn Thượng Hiền và được hậu bổ làm tri huyện Thư Trì.
Năm 1894, Phạm Văn Thụ được đổi sang làm tri huyện Thần Khê - Thái Bình. Ngay từ ngày đầu ra làm quan, ông đã nghĩ làm những việc có ích cho dân “Phàm những việc lợi cho dân Thái Bình, hết thảy ta được dự phần tài quyết”. Khi giải quyết việc, bao giờ ông cũng hỏi ý kiến thân, hào, quốc, lão; ví dụ như việc sát nhập ở Thái Bình, việc đắp đê chống lụt. Ngoài ra, ông còn lập toà Hội đồng để xét thưởng phạt, người có công thì được trọng thưởng, người có tội thì bị phạt. Việc làm của ông rất được sự đồng tình của nhân dân.
Trong ba năm làm tri huyện Thần Khê, Phạm Văn Thụ đã cho đắp lại đê trong khu vực của tỉnh, đào sông mới … đoạn đê nào cong thì đắp thẳng, đoạn sông nào bị bồi thì khai sâu … khiến nhiều ruộng làm được hai vụ. Ông còn cho đắp đường mới, một đường từ trung tâm tỉnh qua Tân Đệ thông sang Nam Định, một đường từ Phụ Dục thông sang Ninh Giang … huyện nọ sang huyện kia, tổng này sang tổng khác, công việc nhiều nhưng dân không oán.
Năm 1895, Phạm Văn Thụ được cử làm tri huyện Duyên Hà. Thời kỳ này ông đã tìm hiểu và biết được tình hình ở đây còn nhiều hủ tục, nhiều kẻ hay xu nịnh nên ông tìm cách bài trừ. Ông đã xem xét đơn oan, cứu được nhiều dân lương thiện. Những kẻ thiếu tôn trọng, thiếu lễ phép đều bị ông xử phạt. Năm sau, ông được đổi sang làm tri huyện Phụ Dục. Thời kỳ ông làm quan ở đây, nhân dân được hưởng cảnh ấm no, tệ nạn, tội ác đều bị ngăn chặn.
Đến năm 1897, ông sang làm tri phủ Kiến Xương. Tại đây, Phạm Văn Thụ đã nắm tình hình dân chúng, quan lại. Ông giải quyết được nhiều việc đúng đắn, dân phủ rất mến phục. Cách tìm hiểu thực tế về dân chúng của ông rất hay, đó là không lộ cho dân biết mình là quan phủ mới, gặp tầng lớp nào thì hỏi việc của tầng lớp ấy, nắm được tình hình rồi, ông mới giải quyết việc. Các khoản tiền lệ phí, sung công, ông đều đưa vào công quỹ để lo việc sửa cống, đắp đường, xây lớp học cho dân. Ông từng nói “ Ta cốt nhờ được duyên may mà thi thố các việc lợi ích cho dân, không hề hiệp sủng doanh tư”.
Về trị an, ông luôn quan tâm đến sông nước, đê điều, cầu, cống. Ở phủ, huyện nào ông cũng nắm vững bản đồ địa hình của nơi đó. Ngoài ra, mỗi tháng ông lại mở một kỳ thi văn và bình văn cùng các thân sỹ.
Ở phủ Kiến Xương được hai năm từ 1897- 1899, Phạm Văn Thụ nhận thấy huyện Tiên Hưng là nơi nghèo nhất tỉnh Thái Bình. Ông đã xin về huyện này. Trong năm năm, ông đã giúp dân Tiên Hưng xây được bốn mươi cống ở hai bên sông Sa Nông. Ông cũng nhiều lần tranh biện với sở Công chính Hà Nội về việc xây cống Thọ Vực, cống Cổ Khúc. Ông còn viết giấy điều trần, phân tích việc không có lợi, không nên đào sông Tân Đệ cho thông dài đến Cống Đậu lên quan trên và phân tích cái được thì quá ít, cái hại thì quá nhiều, vừa tiêu phí, vừa kết oán với dân.
Trong thời gian này, Phạm Văn Thụ đã viết “Thái Bình tỉnh thông chí” gồm mười chương.  Ngoài sách thánh hiền, Phạm Văn Thụ còn đọc sách thuốc, ông rất tâm đắc với bộ “Hải thượng Y tông tâm lĩnh” của Lê Hữu Trác. Đặc biệt ông quan tâm nhiều tới việc khuyến học, quan tâm đến việc mở mang sự học cho nhân dân. Ông đôn đốc mở trường dạy chữ Nho, trường Pháp Việt. Ngoài ra, ông còn khuyến khích dân trồng nhãn hai bên đường, dạy dân khi vào mùa gặt thì thu gom rơm tốt để nuôi trâu bò. Phạm Văn Thụ từng nói về bổn phận làm quan của mình: "Nghề làm quan không phải để làm giàu. Ăn của dân cốt làm việc cho dân, trước là trị an, thứ đến là khuyến học, khuyến nông, muốn hưng lợi, trước tiên phải trừ tệ nạn. Dân vui là ta hết khó nhọc".
Trong những lần đi hộ đê, Phạm Văn Thụ đã làm nhiều thơ ghi lại cảnh đê vỡ để bày tỏ mối thông cảm với nhân dân, ví như bài thơ “Vỡ đê Mễ”. Thời gian khoảng những năm 1898 ông đã gặp và giúp đỡ những người hoạt động cách mạng. Bà Nguyễn Thị Thanh- chị ruột Bác Hồ kể lại: “Khi làm quan tri phủ Tiên Hưng, quan Phạm Văn Thụ đã bí mật ủng hộ quỹ “Đông Du”; lần thứ hai ông ủng hộ quỹ “Việt Nam Quang Phục hội”. Lần thứ hai này, bà Thanh đã gặp Phạm Văn Thụ tại dinh Tổng đốc Nam Định.
Năm 1904, Phạm Văn Thụ được thăng lên làm Án sát tỉnh Thái Bình. Trong bốn năm giữ chức Án sát, ông có dịp gặp nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử, những nhà cải cách dân chủ, ông rất tâm đắc với việc phải bỏ hủ tục, đổi mới sinh hoạt trong xã hội. Vì thế, Phạm Văn Thụ đã đi vào trước tác nhiều hơn, ông biên soạn cuốn “Tân Niên Thuyết” in năm 1908, viết về cách nuôi bèo hoa dâu, dùng bèo đó làm phân bón cho cây trồng. Thời gian này, ông cũng gặp gỡ nhà cách mạng dân chủ Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Đinh Chương Dương… cũng dịp này Phạm Văn Thụ đã có công cứu được nhiều người dân phản đối nhà cầm quyền trong phong trào đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu.
 Cuối năm 1908, bên phủ Thống Sứ  có giấy triệu tập mời ông lên nhận chức mới ở phủ Liêm Sứ. Thời gian này, ông đã đọc và viết các bài từ, bài bình luận cho nhiều cuốn sách mà hiện vẫn còn lưu giữ tại Viện Hán- Nôm. Gồm các cuốn:
-         Trung học Việt sử toát yếu.
-         Việt sử kính.
-         Quốc triều luật học giản yếu.
-         Nữ huấn truyện.
-         Đại Việt tam tự sự.
-         Hương Sơn hành trình tạp vịnh.
Đến năm 1910 ông được bổ làm Tuần phủ Phúc Yên. Phạm Văn Thụ đã vận động các quan lại khác ủng hộ ông, cải tiến cách ăn mặc, họp hành chào tết nên vận áo chẽn xanh, bỏ lối mặc lụng thụng, cầu kỳ đi. Vừa nhậm chức chưa được bao lâu thì xảy ra vỡ đê An Hội. Lần này, ông đã xuất tiền nhà ứng trước để mộ phu từ Thái Bình. Vì đã quen việc giữ đê nên ông làm ngay trước mặt quan trên, mọi người đều khâm phục khi thấy đê được giữ chắc chắn … Ông còn trình bày theo địa đồ, chỗ nào không nên ngăn nước, chỗ nào có thể làm được. Nhân dịp này Phạm Văn Thụ đã xin xá thuế cho tỉnh Phúc Yên. Việc làm của Phạm Văn Thụ khi đó được đánh giá cao, nhiều lần được đề nghị tặng thưởng, nhưng ông từ chối, ông nói: “Đó chỉ là làm đủ bổn phận thôi, không đáng lấy thưởng”.
Năm 1913, ở Thái Bình xảy ra ném tạc đạn, quan tuần phủ ở đó bị chết, cấp trên chuyển ông về Thái Bình thay thế và lo giải quyết hậu quả. Lần vỡ đê Phú Chử, ông đã huy động trong một ngày đủ mười vạn dân phu. Tất cả các quan về hưu, ông cử, ông tú, hào mục đều phải đi đôn đốc, các quan phân đoạn cùng làm. Ông xin thuyền, gạo phát chẩn cứu từng làng, lại xin cấp các khoản tiền cho dân, giảm kỳ thuế, tăng cường an ninh, tránh cướp bóc. Ông lại vận động những người giàu làm từ thiện. Số tiền sau này được đưa vào công quỹ xây trường học, tu bổ miếu tỉnh Thái Bình.
Năm 1920, tỉnh Thái Bình đã yên ổn, ông được đổi sang làm Tổng đốc Bắc Ninh. Tám tháng sau, ông lại được chuyển về làm Tổng đốc Nam Định.
Cuối năm 1922, Phạm Văn Thụ đệ đơn xin về hưu trước thời hạn nhưng không được chấp nhận. Sau đó, ông được điều vào kinh làm việc, ông đã thảo sớ xin từ chối nhưng rồi triều đình bác bỏ.
Đầu năm 1923, ông cùng “nội tướng” vào kinh bệ kiến vua Khải Định mong đựơc về hưu nhưng bị vua từ chối. Sau vài tháng ông lại xin về hưu nhưng vẫn không được chấp thuận.
Đến thời vua Bảo Đại, ông được thăng làm Thái tử Thiếu Bảo sắc phong Bộ trưởng Hội đồng quan kiểm quản. Thời kỳ ở Huế, Phạm Văn Thụ đã tập hợp được hơn bốn mươi người quê hương xứ Bắc tổ chức ra hội Châu Phả, quyên tiền mua đất bên núi Ngự Bình để xây chùa Tập Thiện.
Phạm Văn Thụ nhiều lần kết liên lạc với các nhà Cách mạng chân chính, luôn giúp đỡ, che chở các vị này. Với các quan cai trị Pháp, ông rất cương trực, những vấn đề cần quyết liệt thì tỏ ra quyết liệt. Qua việc ông kiên quyết giữ lại Văn Miếu Quốc Tử Giám càng thấy những việc ông làm không chỉ lợi cho một địa phương mà còn ảnh hưởng đến toàn kỳ khi đó. Ông thực sự là vị quan lo cho dân, cho nước: “Dẫu triều Nguyễn dời đô vào Phú Xuân cũng không huỷ được Văn Miếu, phải để nguyên làm cổ tích cho nước Nam”. Cuối cùng chính quyền Pháp phải hủy bỏ việc lấy Văn Miếu Quốc Tử Giám làm nhà thương. Mặc dù chúng đã quyết bỏ ra hai vạn lạng bạc cho tỉnh Hà Đông xây dựng Văn Miếu mới. Việc này đã được ghi lại trong bài “Sự kiện dịch hạch ở Hà Nội và số phận Văn Miếu”. Sau việc này, Phạm Văn Thụ được thăng chức “Nam tước - Thượng thư cơ mật viện đại thần”, hàm vị “Thái tử thiếu bảo- Đông Các đại học sỹ”.
Trong đạo sắc mà triều đình triệu ông vào kinh có ghi “Khoa giáp trứ danh, thanh liêm tố tính, thông đạt thời vụ, kiến dựng cương thường, làm quan Bắc kỳ ba mươi năm sỹ dân kính phục”.
Phạm Văn Thu mất ngày 12/6 năm Canh Ngọ (tức ngày 7/7/1930) tại quê nhà xã Bạch Sam- huyện Mỹ Hào- tỉnh Hưng Yên. Và được dựng lăng tại đó.

1 nhận xét: