Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

VẤN ĐỀ LỊCH SỬ VĂN MIẾU HƯNG YÊN

Nguyễn Văn Chiến
Văn miếu nói chung được dựng nên như biểu tượng tôn vinh nền học vấn. Vì thế, ở các địa phương trong suốt một thời gian dài đã lần lượt xuất hiện những công trình tôn thờ đức Khổng và Đạo Nho. Ở Hưng Yên cũng vậy, Văn miếu được dựng nen cũng không ngoài mục đích đó. Nó như bộ mặt, là ý chí, là sức mạnh thôi thúc các thế hệ trong tỉnh vượt khó khăn để đến với nghiệp học và nối tiếp nhau thành danh trong khoa cử. Sau đó, những người con của quê hương xứ nhãn này lại mang trí tuệ của mình ra để cống hiến cho quê hương, đất nước. Đó cũng có thể là một nhân tố cơ bản để có được Văn miếu như ngày nay và đó cũng là ý nghĩa cơ bản mà Văn miếu mang lại cho chúng ta. Nhưng ở trong bài viết này, chúng tôi không bàn sâu về những ý nghĩa đó, hay kể về những gương sáng vượt khó để học tập của các ông nghè, ông cống còn lưu tên trên những bia đá ở Văn miếu Hưng Yên. Mà ở đây, chúng tôi chỉ xin bàn về lịch sử của Văn miếu này.
Văn miếu Hưng Yên nằm tại địa phận thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thị xã Hưng Yên nên người ta còn gọi là Văn miếu Xích Đằng (hay xứ Đằng). Văn miếu xứ Đằng được biết đến từ rất sớm và cũng được sử sách ghi lại từ khá lâu.
Trong Đại Nam nhất thống chí (Nxb. Thuận Hóa, tr.308) phần ghi các đền miếu có viết về Văn miếu Hưng Yên như sau: “Văn miếu ở phía Bắc tỉnh thành, thuộc địa phận xã Xích Đằng. Dựng từ năm Minh Mệnh thứ 20. Đền Khải Thánh nằm bên hữu Văn miếu”. Từ niên đại đã được ghi lại trong Đại Nam nhất thống chí nên từ trước đến nay, mọi người vẫn nghĩ và thống nhất Văn miếu Hưng Yên có từ năm Minh Mệnh thứ 20 là hiển nhiên đúng và không cần bàn tới nữa. Nhưng trên thực tế thì không như vậy, qua khảo sát hệ thống di văn và di vật còn lưu lại ở đây, chúng tôi bước đầu nhận định niên đại xủa Văn miếu xứ Đằng không phải được dựng vào năm Minh Mệnh 20 (1839), mà Văn miếu này đã có từ trước đó rất lâu. Điều này chúng tôi có thể có minh chứng qua những cứ liệu sau.
Hiện nay, tại phía tả Văn miếu có một lầu chuông trong có treo một quả chuông đồng kích thước tương đối lớn. Chuông cao 1.1m, đường kính 0.74m, trên thân có chạm hoa văn. Ở bốn mặt của chuông có khắc bốn chữ lớn “Văn miếu Kim Chung” (chuông vàng Văn miếu). Mặt phía đông có khắc hàng chữ như sau “Gia Long tam niên tuế thứ Giáp Tý quý thu cát nhật” (Ngày tốt mùa thu năm Gia Long 3 - 1804) và “Châu Cầu, Hùng Phú nhị xã phụng tiến” (Hai xã Châu Cầu, Hùng Phú cúng tiến). Như vậy, nếu lấy cứ liệu từ quả chuông trên, chúng ta có thể tạm đi đến kết luận về lịch sử của Văn miếu Hưng Yên không phải được dựng năm 1839 mà nó được dựng vào năm 1804. Niên đại này nếu so với niên đại trong Đại Nam nhất thống chí thì chênh nhau 35 năm. Con số này không phải là nhỏ nếu lấy đó làm mốc lịch sử. Nhưng trên thực tế, sự chênh lệch 35 năm này không phải đã hết. Vì đối diện với lầu chuông là lầu khánh, tại lầu khánh còn có một khánh đá kích thước 1.78x0.82m trên mặt trước có khắc 4 chữ lớn “Văn miếu ngọc khánh” (Khánh ngọc Văn miếu). Mặt sau có những bài vịnh về Văn miếu Hưng Yên và có ghi niên đại làm khánh này như sau “Gia Long nhị niên tam nguyệt thập tam nhật” (ngày 13/3/1803). Từ đó nếu lấy niên đại trên khánh đá mà so sánh thì sự chênh lệch nhau về năm dựng Văn miếu Hưng Yên so với niên đại trong Đại Nam nhất thống chí là 36 năm. Còn trong Đình chùa lăng tẩm nổi tiếng Việt Nam (Nxb. VH-TT, tr.672) cũng cho rằng Văn miếu Hưng Yên được khởi dựng vào năm 1839 như vậy qua đây chúng ta vẫn chưa có thêm thông tin gì mới. Nhưng trong Hưng Yên tỉnh nhất thống chí (tr.20) có ghi như sau “… Đằng trước Văn miếu có 2 tháp đá của chùa Xích Đằng, chùa này có từ cuối đời Lê Cảnh Hưng (1740-1779) đã dời về trấn Sơn Nam sau xây Văn miếu trên nền cũ của ngôi chùa này. Văn miếu có khánh đá đề rõ là do xã Định Viễn cung tiến, một chuông đồng có ghi do dân hai xã Châu Cầu và Hùng Phi (Phú) cung tiến”. Tuy vậy trong Những ông nghè, ông cống nổi tiếng Việt Nam có ghi như sau “Thi Hương thời Nguyễn năm 1808 có bảy trường Nghệ An, Thanh Hoá, Thái Nguyên, Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam… Trường Sơn Nam đặt tại làng Hiến Nam nên có tên là trường Hiến Nam. Năm 1813 Gia Long đặt thêm hai trường nữa ở Quang Đức và Thăng Long. Năm Gia Long 18 (1819) trường Sơn Nam dời về Vị Hoàng…” . Qua đây, ta có thể thấy lịch sử của trường Sơn Nam được nhắc một cách sơ lược trong sách này mà ngôi trường ấy lại nằm trên địa phận Văn miếu Hưng Yên ngày nay. Rất có thể trường Hiến Nam là nếp nhà đầu tiên của Văn miếu mà sau khi dời về Vị Hoàng nó đã bị quên lãng cho mãi đến năm Minh Mệnh 20 ngôi trường này mới được mở rộng thêm về diện tích, quy mô. Như thế để lý giải về lịch sử của Văn miếu Hưng Yên quả thật không phải đơn giản, mà đó là một công việc rất khó. Vì chỉ qua hai di vật có di văn còn lưu lại ở đây và một số tư liệu, chúng ta đã thấy có sự chênh lệch so với chính sử một khoảng cách lịch sử khá lớn. Nhưng nếu lật lại lịch sử của địa bàn mà Văn miếu Hưng Yên đang tọa và kiến trúc của nó thì chúng ta sẽ còn thấy nhiều vấn đề đặt ra.
Thứ nhất, điều mà rất nhiều người khi vào Văn miếu xứ Đằng đều đặt câu hỏi trong đầu là: vì sao Văn miếu lại có diện tích đất rộng như vậy? Câu hỏi này có lẽ cũng không khó giải thích lắm nhưng chúng ta hãy ngược lại dòng thời gian để tìm hiểu. Xin nêu về vị trí mà Văn miếu Hưng Yên hiện nay đang nằm, chính là đất của ngôi chùa Nguyệt Đường. Nguyệt Đường tự là một ngôi chùa cổ và có diện tích rất lớn. Trong lịch sử, ngôi chùa này cũng được nhắc đến rất nhiều trong các sách sử. Suốt một thời gian dài, Nguyệt Đường tự đã trở thành nơi danh lam và là nơi linh ứng vang khắp trong triều, ngoài nội và không ít các cao tăng trụ trì ở đây đã đắc đạo. Nhưng câu hỏi tiếp theo mà chắc nhiều người sẽ hỏi là: tại sao ngôi chùa tiếng tăm như thế lại bị phá để xây dựng Văn miếu ? Xin trả lời rằng: trên thực tế, không phải Nguyệt Đường tự bị phá đi để lấy đất dựng Văn miếu mà điều này do biến cố của lịch sử. Trên tấm bia bốn mặt trong chùa Nguyệt Đường (chùa Xích Đằng) ngày nay còn ghi lại công trạng của Viên Thông đại Hòa thượng đã cống hiến cho quốc gia vì thế những vị cao tăng trong chùa Nguyệt Đường không phải là những người đã thoát tục hoàn toàn. Họ đi tu nhưng vẫn luôn lo đến sự an nguy của quốc gia. Có thể thấy, đây là những cao tăng thường đựôc vời vào nội để bàn việc triều chính. Cho nên, khi Nguyễn Huệ vừa kéo quân ra Bắc, ông “Vua áo vải” đã lệnh cho voi và lính về Xích Đằng san bằng Nguyệt Đường tự và giật đổ các tháp thờ. Kết quả, chùa có bị hạ, tháp không hề đổ mà voi đều chết; và hiện nay hai ngôi tháp vẫn còn lại trong khuôn viên của Văn miếu.
Như vậy, từ những vấn đề vừa dẫn, chúng tôi tạm đưa ra giả thuyết về bối cảnh dựng Văn miếu như sau: Văn miếu Hưng Yên xuất hiện khi Nguyệt Đường tự vừa bị phá sau một vài năm. Người dân ở đây dựng Văn miếu trước chủ yếu để tưởng nhớ lại ngôi chùa linh ứng xưa. Mặc dù họ sợ không dám khôi phục lại ngôi chùa nguyên vẹn như cũ nhưng họ cũng rất khéo khi đưa vào Văn miếu mới dựng một vài nét như ngôi chùa cổ. Đó là hiện tượng lầu chuông, lầu khánh và con đường nhất chính đạo kiểu của một ngôi chùa như hiện nay.
Lịch sử Văn miếu Hưng Yên mà trong Đại Nam nhất thống chí và một số tư liệu khác ghi lại, đó là lịch sử vào năm trùng tu lại Văn miếu Xích Đằng một cách quy mô nhất, chứ thực chất không phải năm khởi dựng Văn miếu này.
Văn miếu Hưng Yên rất có thể được dựng từ những năm đầu thế kỷ XIX tức là năm 1800 hay 1801, và đây là Văn miếu duy nhất chịu ảnh hưởng của kiến trúc chùa và tín ngưỡng Phật giáo và đây là một Văn miếu còn nhiều vấn đề cần bàn.
Qua bài viết này, dựa vào những di văn còn lưu lại và một số tư liệu khác, chúng tôi xin đưa ra kết luận về lịch sử của Văn miếu Hưng Yên như vừa nêu trên. Đây chỉ là những kết luận bước đầu mà qua khảo sát chúng tôi thấy cần bàn tới. Thông qua những luận điểm này, trên tinh thần khoa học, chúng tôi mong rằng, việc minh chứng đúng về lịch sử của Văn miếu Hưng Yên nói riêng sẽ giúp tìm hiểu đầy đủ và ngày càng chính xác hơn về lịch sử Phố Hiến cũng như lịch sử của Văn miếu các địa phương nói chung./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét