Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

VĂN MIẾU XÍCH ĐẰNG BIỂU TƯỢNG CỦA NỀN HỌC VẤN HƯNG YÊN

Nguyễn Văn Chiến
Tam quan sừng sững giáp khuê lâu
Cao ngất Đằng thành một ngọn lầu
Hai tháp giáp gần cây cỏ rậm
Chín đồi nhìn xuống nước dòng sâu
          Đây là những câu thơ vịnh về Văn miếu Hưng Yên do một thành viên hội Tao Đàn Hưng Yên viết. Văn miếu Hưng Yên còn có tên gọi là Văn miếu Xích Đằng vì nó thuộc địa phận thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thị xã Hưng Yên.
          Văn miếu Hưng Yên được xây dựng từ đầu đời vua Gia Long ( khoảng năm 1800 – 1802), trên chuông đồng và khánh đá ghi là “Gia Long tam niên” ( năm 1804) vốn trước là Văn miếu của trấn Sơn Nam, vị trí đặt ở chợ Gò, Ngọc Thanh, Kim Động ngày nay. Đến năm 1831 tỉnh Hưng Yên được thành lập thì Văn miếu Hưng Yên thuộc Văn miếu hàng tỉnh. Ban đầu Văn miếu có quy mô nhỏ, nhưng đến năm Minh Mệnh thứ  20 (1839) Văn miếu được chuyển về Xích Đằng, rồi cho xây dựng lại với quy mô to lớn như hiện nay. Văn miếu mới được dựng trên nền chùa Nguyệt Đường. Nguyệt Đường tự do Hương Hải thiền sư khởi dựng năm 1701 dưới sự giúp đỡ của quận công Lê Đình Kiên, quan trấn thủ trấn Sơn Nam và cung tần Nguyễn Thị Ngọc Hân. Dấu tích còn lại của chùa là hai tháp đá “ Phương Trượng tháp” và “ Tịnh mãn tháp”.
          Văn miếu hiện nay tọa lạc trên một thế đất rộng khoảng 6 ha. Phía trước là đầm Vạc, phía tây có hồ Văn. Cách Văn miếu không xa là sinh từ Hoàng Cao Khải, đền thờ Lạc Long Quân và đền Cả thờ tướng quân Phạm Bạch Hổ.
Trước khi vào khu chính Văn miếu, chúng ta sẽ thấy một tam quan được dựng theo kiểu chồng diêm, hai tầng tám mái. Qua tam quan là khoảng sân rộng có đường thập đạo chạy ngang, dọc. Hai bên sân tọa lạc lầu chuông, gác khánh cùng các dãy tả vu và hữu vu. Tả vu và hữu vu xưa kia là nơi để kiệu và sửa sang y phục, mũ áo của các chức sắc trước khi dâng hương lễ Khổng Tử. Nay được sử dụng làm nơi trưng bày, giới thiệu những hình ảnh, tài liệu cũng như hiện vật của nền giáo dục Hưng Yên xưa và nay.
          Khu chính của Văn miếu gồm: Đại bái, Trung từ và Hậu cung. Bên trái và bên phải tòa Đại bái có yết bảng ghi danh các vị tân khoa. Gian Trung từ đặt khám và tượng Chu Văn An ( 1323-1370) nhà sư phạm tài năng, đức độ thời Trần. Gian Hậu cung đặt khám, tượng và bài vị của Khổng Tử (551-479 TCN), người sáng lập ra đạo Nho. Trong tương lai, Văn miếu Hưng Yên sẽ đưa vào phối thờ với Khổng Tử bốn vị Tiên hiền là ( Mạnh Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Nhan Tử ) và bài vị của thất Thập nhị hiền ( 72 học trò hiền của Khổng Tử ).
          Trong mỗi gian thờ đều có các hoành phi, câu đối ca ngợi đức Khổng và đạo Nho. Như “ Vạn thế sư biểu” ( Người thầy tiêu biểu của muôn đời). “ Đức tham thiên địa” ( Đức của Khổng Tử bao trùm trời đất)…
Nhưng hiện vật quý nhất còn lại ở Văn miếu đến nay phải kể tới 9 tấm bia đá ghi danh các vị đại khoa của tỉnh ( trong đó từ bia 1 đến bia 8 được Hoàng Cao Khải dựng ngày 21, tháng giêng, năm Mậu Tý, niên hiệu Đồng Khánh thứ ba (1888). Bia thứ 9 do Dương Thiệu Tường dựng năm Bảo Đại thứ 18 (1943) , bia 9 này ghi thêm các vị đại khoa của huyện Yờn Mỹ, Mĩ Hào, Văn Lâm cho đến phía Đông của phủ Ân Thi. Tổng 9 bia lưu danh 161 vị đại khoa ( Hưng Yên có 138, Thái Bình 23) trong tổng số 316 vị đại khoa của toàn tỉnh. Bia Văn miếu lưu danh: 8 Trạng nguyên, 4 Bảng nhãn, 6 Thám hoa. Địa phương có nhiều người đỗ đạt nhất là Văn Giang, 51 người; trong đó Nguyễn Duy Thiện  là người đỗ Phó bảng ở kỳ thi cuối cùng năm 1901. Ân Thi có 41 người, tiêu biểu là Nguyễn Trung Ngạn đỗ Hoàng Giáp năm 1304 khi mới 16 tuổi  là người trẻ tuổi nhất tỉnh đăng khoa. Yên Mỹ có 32 vị, quê hương của Đỗ Thế Diên, vị tiến sỹ khai khoa cho tỉnh nhà vào năm 1185. Tiên Lữ có 24 vị  tiêu biểu là Đào Công Soạn (1426) sứ thần hoà giảng, làm đến chức Thượng Thư Bộ Lễ, Bộ Lại dưới triều Lê.
Một trong những đặc điểm nổi bật của nền học vấn Hưng Yên là sự hình thành các dòng họ, gia đình, làng khoa bảng. Điều đó đã mang lại vẻ vang cho quê hương, đất nước. Trước hết phải kể đến dòng họ Dương ở Lạc Đạo-Văn Lâm có 9 vị, họ Hoàng ở Ân Thi có 5 vị, họ Lê ở Liêu Xá-Yên Mỹ có 6 vị. Đặc biệt 4 làng có từ 10 tiến sỹ trở lên là Hoa Cầu-Văn Giang ( 11 người ), Lạc Đạo (11 người ), Thổ Hoàng ( 10 người ), Lại Ốc ( 10 người).
Trước đây, cứ xuân thu nhị kì, tại Văn miếu thường tổ chức tế lễ Đức Khổng vào ngày 10.2 và 10.8 (âm lịch). Trong ngày lễ đó, nơi đây luôn diễn ra các hoạt động mang đậm tính giáo dục như bình thơ, vịnh thơ, làm câu đối…
Ngày nay, với mong muốn đưa Văn miếu trở thành trung tâm giáo dục truyền thống hiếu học, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, khuyến khích lớp trẻ học tập và rèn luyện về đạo đức . Tỉnh nhà đã giao cho ngành văn hóa lập sổ vàng tại Văn miếu để tiếp tục ghi danh, tôn vinh những người con của quê hương đạt thành tích xuất sắc về học tập và hoạt động khoa học, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước.
 Trong vài năm gần đây, cứ mỗi độ tết đến, xuân về tại Văn miếu lại tổ chức các hoạt động văn hóa như: tế lễ, dâng hương, triển lãm thư pháp, cho chữ đầu xuân, hát ca trù. Những hoạt động này phần nào thổi thêm cho Văn miếu một sức sống mới trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra từng ngày, từng giờ.
Văn miếu Xích Đằng mãi trường tồn như biểu tượng của nền học vấn Hưng Yên. Trong thời gian tới, Văn miếu cũng sẽ trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn, độc đáo với mọi du khách trong và ngoài nước mỗi khi về Hưng Yên. Nhưng trên hết, Văn miếu chính là nơi gắn kết  “nguyên khí quốc gia” của các thế hệ người Hưng Yên xưa và nay lại với nhau. Để Hưng Yên – Phố Hiến mãi xứng danh là mảnh đất đứng sau Kinh kỳ ngàn năm văn hiến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét