Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

GIỚI THIỆU ĐẠO SẮC PHONG ĐÌNH NGÔ - THÔN QUYẾT THẮNG – XÃ TÂN HƯNG – TIÊN LỮ - HƯNG YÊN

 Nguyễn Văn Chiến
Sắc phong ( 封) là văn bản mang tính nhà nước dùng để truyền mệnh lệnh của nhà vua phong chức cho quan lại, quý tộc, khen thưởng người có công hay phong thần và xếp hạng cho các vị thần được thờ trong các đình, đền... Sắc phong thường được viết trên vải hay giấy sắc đặc biệt, người xưa vẫn thường gọi là giấy Long đàm.
Sắc phong có hai loại: sắc phong thần và sắc phong chức tước. Sắc phong thần dùng để phong thần hiệu, định danh cụ thể danh thần cho nơi tế tự. Với tín ngưỡng làng xã thì việc xếp hạng cho các vị thần trong đình làng rất quan trọng, thể hiện được công trạng và sự linh ứng của vị thần đó. Sắc phong tước do nhà vua dùng để phong chức tước cho các quan lại, quý tộc, người có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước.
Sắc phong là loại cổ vật, cổ văn rất có giá trị do tính độc bản và là nguồn tư liệu có giá trị về nhiều phương diện.
Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu văn bản sắc phong của đình Ngô - thôn Quyết Thắng -  xã Tân Hưng – huyện Tiên Lữ - tỉnh Hưng Yên. Đạo sắc có nhiều thông tin thú vị mà chúng ta có thể tìm hiểu. Nội dung của đạo sắc này như sau: 


Sắc Anh duệ, thần triết, hiển đức, phong công, sùng hy, tập khánh, cảm ứng, phu thuật, phù tộ, trung chính, thuần túy, anh đôn, linh thông Bến Chỉ đại vương.
Sơn xuyên dục tú, hà hải chung linh, hãn hoạn, trừ tai, tứ cảnh tư đào, tộ tịch, tế dân, hộ quốc, ức niên vĩnh điện, thái bàn kí chiêu tương hữu chi công.Cái cử bao phong chi điển vi.
Quốc gia quang trạch, Bắc Kinh tân nguyên thi lệnh lễ hữu đăng trật ứng gia phong mỹ tự, tam tự, khả gia phong: anh duệ, thần triết, hiển đức, phong công, sùng hy, tập khánh, cảm ứng, phu thuật, phù tộ, trung chính, thuần túy, anh đôn, anh uy, hùng lược, tuấn liệt linh thông Bến Chỉ đại vương. Cố.
Sắc!
Bảo Hưng nhị niên,ngũ nguyệt thập thất nhật
Dịch nghĩa:
Sắc cho Đại vương Bến Chỉ là bậc anh duệ, thần triết, hiển đức, phong công, sùng hy, tập khánh, cảm ứng, phu thuật, phù tộ, trung chính, thuần túy, anh đôn, linh thông
Núi sông hun đúc, biển cả sinh thành; ngăn hoạn, trừ tai, bốn cõi cùng mừng, quanh năm cứu giúp cho dân, che chở cho nước ức niên còn mãi, làm nền thái bình bền vững, (thần) đã tỏ rõ công lao phù giúp.Vì vậy, đề cử phong tặng, ghi vào tự điển.
Nay quốc gia yên ổn, rạng ngời mở đầu cho vương triều ở Bắc Kinh nên ra lệnh vào lễ đăng trật có thể phong thêm (cho thần) ba chữ mỹ tự là: Đại vương Bến Chỉ là bậc anh duệ, thần triết, hiển đức, phong công, sùng hy, tập khánh, cảm ứng, phu thuật, phù tộ, trung chính, thuần túy, anh đôn, anh uy, hùng lược, tuấn liệt linh thông. Cho nên.
Sắc cho.
Ngày 17 tháng 5 năm Bảo Hưng thứ 2 ( 1802)
Trên đây là nội dung của văn bản sắc phong thuộc xã Tân Hưng. Trước đây vùng đất này là đất của phủ Tân Hưng “Đêi Lª Th¸nh T«ng ®Æt phñ Kho¸i Ch©u (5 huyÖn: Kim §éng, §«ng Yªn, Thiªn Thi, Tiªn L÷, Phï Dung) vμ phñ T©n H−ng (4 huyÖn: Diªn Hμ, Ngù Thiªn, ThÇn Khª, Thanh Lan), ®Æt thuéc thõa tuyªn Thiªn Tr−êng (1469), sau ®æi thuéc thõa tuyªn S¬n Nam (1473). Sau chia S¬n Nam lμm 2 lé: phñ Kho¸i Ch©u thuéc S¬n Nam Th−îng, phñ Tiªn H−ng (cò lμ T©n H−ng) thuéc S¬n Nam H¹ (C¶nh H−ng 2, 1741)”.[1]
Những vấn đề mà đạo sắc truyền tải
Về văn tự trên đạo sắc: phần lớn chữ được dùng để viết sắc là chữ Hán, có hai chữ là “Bến Chỉ” viết bằng chữ Nôm. Có lẽ, đây là một trong những đạo sắc nằm trong số hiếm các sắc xuất hiện văn tự Nôm, một thể văn tự vẫn có vị thế ít được coi trọng trong các văn bản mang tính quốc gia (triều đình), quyền lực thuộc chế độ phong kiến.
Về nhìn nhận lịch sử: ngoài giá trị về văn tự, cổ vật thì đạo sắc này còn góp phần minh chứng thêm lịch sử một cách khá cụ thể. Chúng ta có thể thấy, một số sách thuộc hệ thống sách tính niên biểu các triều đại Việt Nam không ghi về niên hiệu Bảo Hưng, còn khi ghi về niên hiệu này thì phần lớn các sách đó viết về niên hiệu cuối cùng của nhà Tây Sơn kết thúc ở năm thứ 2 niên hiệu Bảo Hưng (tức là vào ngày 29 tháng 4 năm Nhâm Tuất - 1802). Đến đầu tháng 5 (ngày 1 tháng 5 năm Nhâm Tuất – 1802) Nguyễn Ánh lên ngôi và mở đầu cho vương triều Nguyễn với niên hiệu Gia Long.
Nhưng thực ra, tháng 5, năm Nhâm Tuất, vua Bảo Hưng (Nguyễn Quang Toản) vẫn còn quản lý miền Bắc và gọi kinh đô mới ở đây là Bắc Kinh (Kinh đô phía Bắc). Tuy nhiên, trong lúc bị Gia Long truy kích Nguyễn Quang Toản vẫn còn làm được một số việc liên quan đến văn hóa như xây dựng đình, đúc chuông, ban sắc. Như vậy, ít nhất ở vùng Thăng Long – Phố Hiến, niên hiệu Bảo Hưng vẫn còn giá trị pháp lý trong tháng 5, năm Nhâm Tuất; mặc dù Gia Long lúc đó đã lên ngôi, xác lập quyền quản lý của mình và phủ nhận hoàn toàn nhà Tây Sơn. Theo tác giả Chu Quang Trứ thì Chùa làng Mơ Táo (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội vẫn còn quả chuông ghi rõ niên đại đúc và sửa: “Bảo Hưng nhị niên, tuế tại Nhâm Tuất tu tạo, ngũ nguyệt, nhị thập nhất nhật Canh Dần trú thành” do một Phật tử xứ Yên Quảng làm Hiệp trấn tổ chức đúc và khắc nổi chữ to bài văn chữ Phạn được dùng trong lễ tang ma xưa”. Như thế, những văn bản được ghi trong thời gian tháng 5, năm Nhâm Tuất vẫn được được Nhà nước sử dụng và nhân dân thừa nhận; dù ngay khi đó nhà Nguyễn có biết các di vật, văn bản dạng này thì họ vẫn tôn trọng và không phá hủy.
Trên đây là một số vấn đề liên quan đến văn bản sắc phong mà chúng tôi vừa giới thiệu. Qua bài viết này, chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý của các nhà nghiên cứu để chúng tôi có thêm nhiều kiến giải cụ thể hơn nữa.
 


[1] Đồng Khánh Dư địa chí

VẤN ĐỀ LỊCH SỬ VĂN MIẾU HƯNG YÊN

Nguyễn Văn Chiến
Văn miếu nói chung được dựng nên như biểu tượng tôn vinh nền học vấn. Vì thế, ở các địa phương trong suốt một thời gian dài đã lần lượt xuất hiện những công trình tôn thờ đức Khổng và Đạo Nho. Ở Hưng Yên cũng vậy, Văn miếu được dựng nen cũng không ngoài mục đích đó. Nó như bộ mặt, là ý chí, là sức mạnh thôi thúc các thế hệ trong tỉnh vượt khó khăn để đến với nghiệp học và nối tiếp nhau thành danh trong khoa cử. Sau đó, những người con của quê hương xứ nhãn này lại mang trí tuệ của mình ra để cống hiến cho quê hương, đất nước. Đó cũng có thể là một nhân tố cơ bản để có được Văn miếu như ngày nay và đó cũng là ý nghĩa cơ bản mà Văn miếu mang lại cho chúng ta. Nhưng ở trong bài viết này, chúng tôi không bàn sâu về những ý nghĩa đó, hay kể về những gương sáng vượt khó để học tập của các ông nghè, ông cống còn lưu tên trên những bia đá ở Văn miếu Hưng Yên. Mà ở đây, chúng tôi chỉ xin bàn về lịch sử của Văn miếu này.
Văn miếu Hưng Yên nằm tại địa phận thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thị xã Hưng Yên nên người ta còn gọi là Văn miếu Xích Đằng (hay xứ Đằng). Văn miếu xứ Đằng được biết đến từ rất sớm và cũng được sử sách ghi lại từ khá lâu.
Trong Đại Nam nhất thống chí (Nxb. Thuận Hóa, tr.308) phần ghi các đền miếu có viết về Văn miếu Hưng Yên như sau: “Văn miếu ở phía Bắc tỉnh thành, thuộc địa phận xã Xích Đằng. Dựng từ năm Minh Mệnh thứ 20. Đền Khải Thánh nằm bên hữu Văn miếu”. Từ niên đại đã được ghi lại trong Đại Nam nhất thống chí nên từ trước đến nay, mọi người vẫn nghĩ và thống nhất Văn miếu Hưng Yên có từ năm Minh Mệnh thứ 20 là hiển nhiên đúng và không cần bàn tới nữa. Nhưng trên thực tế thì không như vậy, qua khảo sát hệ thống di văn và di vật còn lưu lại ở đây, chúng tôi bước đầu nhận định niên đại xủa Văn miếu xứ Đằng không phải được dựng vào năm Minh Mệnh 20 (1839), mà Văn miếu này đã có từ trước đó rất lâu. Điều này chúng tôi có thể có minh chứng qua những cứ liệu sau.
Hiện nay, tại phía tả Văn miếu có một lầu chuông trong có treo một quả chuông đồng kích thước tương đối lớn. Chuông cao 1.1m, đường kính 0.74m, trên thân có chạm hoa văn. Ở bốn mặt của chuông có khắc bốn chữ lớn “Văn miếu Kim Chung” (chuông vàng Văn miếu). Mặt phía đông có khắc hàng chữ như sau “Gia Long tam niên tuế thứ Giáp Tý quý thu cát nhật” (Ngày tốt mùa thu năm Gia Long 3 - 1804) và “Châu Cầu, Hùng Phú nhị xã phụng tiến” (Hai xã Châu Cầu, Hùng Phú cúng tiến). Như vậy, nếu lấy cứ liệu từ quả chuông trên, chúng ta có thể tạm đi đến kết luận về lịch sử của Văn miếu Hưng Yên không phải được dựng năm 1839 mà nó được dựng vào năm 1804. Niên đại này nếu so với niên đại trong Đại Nam nhất thống chí thì chênh nhau 35 năm. Con số này không phải là nhỏ nếu lấy đó làm mốc lịch sử. Nhưng trên thực tế, sự chênh lệch 35 năm này không phải đã hết. Vì đối diện với lầu chuông là lầu khánh, tại lầu khánh còn có một khánh đá kích thước 1.78x0.82m trên mặt trước có khắc 4 chữ lớn “Văn miếu ngọc khánh” (Khánh ngọc Văn miếu). Mặt sau có những bài vịnh về Văn miếu Hưng Yên và có ghi niên đại làm khánh này như sau “Gia Long nhị niên tam nguyệt thập tam nhật” (ngày 13/3/1803). Từ đó nếu lấy niên đại trên khánh đá mà so sánh thì sự chênh lệch nhau về năm dựng Văn miếu Hưng Yên so với niên đại trong Đại Nam nhất thống chí là 36 năm. Còn trong Đình chùa lăng tẩm nổi tiếng Việt Nam (Nxb. VH-TT, tr.672) cũng cho rằng Văn miếu Hưng Yên được khởi dựng vào năm 1839 như vậy qua đây chúng ta vẫn chưa có thêm thông tin gì mới. Nhưng trong Hưng Yên tỉnh nhất thống chí (tr.20) có ghi như sau “… Đằng trước Văn miếu có 2 tháp đá của chùa Xích Đằng, chùa này có từ cuối đời Lê Cảnh Hưng (1740-1779) đã dời về trấn Sơn Nam sau xây Văn miếu trên nền cũ của ngôi chùa này. Văn miếu có khánh đá đề rõ là do xã Định Viễn cung tiến, một chuông đồng có ghi do dân hai xã Châu Cầu và Hùng Phi (Phú) cung tiến”. Tuy vậy trong Những ông nghè, ông cống nổi tiếng Việt Nam có ghi như sau “Thi Hương thời Nguyễn năm 1808 có bảy trường Nghệ An, Thanh Hoá, Thái Nguyên, Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam… Trường Sơn Nam đặt tại làng Hiến Nam nên có tên là trường Hiến Nam. Năm 1813 Gia Long đặt thêm hai trường nữa ở Quang Đức và Thăng Long. Năm Gia Long 18 (1819) trường Sơn Nam dời về Vị Hoàng…” . Qua đây, ta có thể thấy lịch sử của trường Sơn Nam được nhắc một cách sơ lược trong sách này mà ngôi trường ấy lại nằm trên địa phận Văn miếu Hưng Yên ngày nay. Rất có thể trường Hiến Nam là nếp nhà đầu tiên của Văn miếu mà sau khi dời về Vị Hoàng nó đã bị quên lãng cho mãi đến năm Minh Mệnh 20 ngôi trường này mới được mở rộng thêm về diện tích, quy mô. Như thế để lý giải về lịch sử của Văn miếu Hưng Yên quả thật không phải đơn giản, mà đó là một công việc rất khó. Vì chỉ qua hai di vật có di văn còn lưu lại ở đây và một số tư liệu, chúng ta đã thấy có sự chênh lệch so với chính sử một khoảng cách lịch sử khá lớn. Nhưng nếu lật lại lịch sử của địa bàn mà Văn miếu Hưng Yên đang tọa và kiến trúc của nó thì chúng ta sẽ còn thấy nhiều vấn đề đặt ra.
Thứ nhất, điều mà rất nhiều người khi vào Văn miếu xứ Đằng đều đặt câu hỏi trong đầu là: vì sao Văn miếu lại có diện tích đất rộng như vậy? Câu hỏi này có lẽ cũng không khó giải thích lắm nhưng chúng ta hãy ngược lại dòng thời gian để tìm hiểu. Xin nêu về vị trí mà Văn miếu Hưng Yên hiện nay đang nằm, chính là đất của ngôi chùa Nguyệt Đường. Nguyệt Đường tự là một ngôi chùa cổ và có diện tích rất lớn. Trong lịch sử, ngôi chùa này cũng được nhắc đến rất nhiều trong các sách sử. Suốt một thời gian dài, Nguyệt Đường tự đã trở thành nơi danh lam và là nơi linh ứng vang khắp trong triều, ngoài nội và không ít các cao tăng trụ trì ở đây đã đắc đạo. Nhưng câu hỏi tiếp theo mà chắc nhiều người sẽ hỏi là: tại sao ngôi chùa tiếng tăm như thế lại bị phá để xây dựng Văn miếu ? Xin trả lời rằng: trên thực tế, không phải Nguyệt Đường tự bị phá đi để lấy đất dựng Văn miếu mà điều này do biến cố của lịch sử. Trên tấm bia bốn mặt trong chùa Nguyệt Đường (chùa Xích Đằng) ngày nay còn ghi lại công trạng của Viên Thông đại Hòa thượng đã cống hiến cho quốc gia vì thế những vị cao tăng trong chùa Nguyệt Đường không phải là những người đã thoát tục hoàn toàn. Họ đi tu nhưng vẫn luôn lo đến sự an nguy của quốc gia. Có thể thấy, đây là những cao tăng thường đựôc vời vào nội để bàn việc triều chính. Cho nên, khi Nguyễn Huệ vừa kéo quân ra Bắc, ông “Vua áo vải” đã lệnh cho voi và lính về Xích Đằng san bằng Nguyệt Đường tự và giật đổ các tháp thờ. Kết quả, chùa có bị hạ, tháp không hề đổ mà voi đều chết; và hiện nay hai ngôi tháp vẫn còn lại trong khuôn viên của Văn miếu.
Như vậy, từ những vấn đề vừa dẫn, chúng tôi tạm đưa ra giả thuyết về bối cảnh dựng Văn miếu như sau: Văn miếu Hưng Yên xuất hiện khi Nguyệt Đường tự vừa bị phá sau một vài năm. Người dân ở đây dựng Văn miếu trước chủ yếu để tưởng nhớ lại ngôi chùa linh ứng xưa. Mặc dù họ sợ không dám khôi phục lại ngôi chùa nguyên vẹn như cũ nhưng họ cũng rất khéo khi đưa vào Văn miếu mới dựng một vài nét như ngôi chùa cổ. Đó là hiện tượng lầu chuông, lầu khánh và con đường nhất chính đạo kiểu của một ngôi chùa như hiện nay.
Lịch sử Văn miếu Hưng Yên mà trong Đại Nam nhất thống chí và một số tư liệu khác ghi lại, đó là lịch sử vào năm trùng tu lại Văn miếu Xích Đằng một cách quy mô nhất, chứ thực chất không phải năm khởi dựng Văn miếu này.
Văn miếu Hưng Yên rất có thể được dựng từ những năm đầu thế kỷ XIX tức là năm 1800 hay 1801, và đây là Văn miếu duy nhất chịu ảnh hưởng của kiến trúc chùa và tín ngưỡng Phật giáo và đây là một Văn miếu còn nhiều vấn đề cần bàn.
Qua bài viết này, dựa vào những di văn còn lưu lại và một số tư liệu khác, chúng tôi xin đưa ra kết luận về lịch sử của Văn miếu Hưng Yên như vừa nêu trên. Đây chỉ là những kết luận bước đầu mà qua khảo sát chúng tôi thấy cần bàn tới. Thông qua những luận điểm này, trên tinh thần khoa học, chúng tôi mong rằng, việc minh chứng đúng về lịch sử của Văn miếu Hưng Yên nói riêng sẽ giúp tìm hiểu đầy đủ và ngày càng chính xác hơn về lịch sử Phố Hiến cũng như lịch sử của Văn miếu các địa phương nói chung./.

VĂN MIẾU XÍCH ĐẰNG BIỂU TƯỢNG CỦA NỀN HỌC VẤN HƯNG YÊN

Nguyễn Văn Chiến
Tam quan sừng sững giáp khuê lâu
Cao ngất Đằng thành một ngọn lầu
Hai tháp giáp gần cây cỏ rậm
Chín đồi nhìn xuống nước dòng sâu
          Đây là những câu thơ vịnh về Văn miếu Hưng Yên do một thành viên hội Tao Đàn Hưng Yên viết. Văn miếu Hưng Yên còn có tên gọi là Văn miếu Xích Đằng vì nó thuộc địa phận thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thị xã Hưng Yên.
          Văn miếu Hưng Yên được xây dựng từ đầu đời vua Gia Long ( khoảng năm 1800 – 1802), trên chuông đồng và khánh đá ghi là “Gia Long tam niên” ( năm 1804) vốn trước là Văn miếu của trấn Sơn Nam, vị trí đặt ở chợ Gò, Ngọc Thanh, Kim Động ngày nay. Đến năm 1831 tỉnh Hưng Yên được thành lập thì Văn miếu Hưng Yên thuộc Văn miếu hàng tỉnh. Ban đầu Văn miếu có quy mô nhỏ, nhưng đến năm Minh Mệnh thứ  20 (1839) Văn miếu được chuyển về Xích Đằng, rồi cho xây dựng lại với quy mô to lớn như hiện nay. Văn miếu mới được dựng trên nền chùa Nguyệt Đường. Nguyệt Đường tự do Hương Hải thiền sư khởi dựng năm 1701 dưới sự giúp đỡ của quận công Lê Đình Kiên, quan trấn thủ trấn Sơn Nam và cung tần Nguyễn Thị Ngọc Hân. Dấu tích còn lại của chùa là hai tháp đá “ Phương Trượng tháp” và “ Tịnh mãn tháp”.
          Văn miếu hiện nay tọa lạc trên một thế đất rộng khoảng 6 ha. Phía trước là đầm Vạc, phía tây có hồ Văn. Cách Văn miếu không xa là sinh từ Hoàng Cao Khải, đền thờ Lạc Long Quân và đền Cả thờ tướng quân Phạm Bạch Hổ.
Trước khi vào khu chính Văn miếu, chúng ta sẽ thấy một tam quan được dựng theo kiểu chồng diêm, hai tầng tám mái. Qua tam quan là khoảng sân rộng có đường thập đạo chạy ngang, dọc. Hai bên sân tọa lạc lầu chuông, gác khánh cùng các dãy tả vu và hữu vu. Tả vu và hữu vu xưa kia là nơi để kiệu và sửa sang y phục, mũ áo của các chức sắc trước khi dâng hương lễ Khổng Tử. Nay được sử dụng làm nơi trưng bày, giới thiệu những hình ảnh, tài liệu cũng như hiện vật của nền giáo dục Hưng Yên xưa và nay.
          Khu chính của Văn miếu gồm: Đại bái, Trung từ và Hậu cung. Bên trái và bên phải tòa Đại bái có yết bảng ghi danh các vị tân khoa. Gian Trung từ đặt khám và tượng Chu Văn An ( 1323-1370) nhà sư phạm tài năng, đức độ thời Trần. Gian Hậu cung đặt khám, tượng và bài vị của Khổng Tử (551-479 TCN), người sáng lập ra đạo Nho. Trong tương lai, Văn miếu Hưng Yên sẽ đưa vào phối thờ với Khổng Tử bốn vị Tiên hiền là ( Mạnh Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Nhan Tử ) và bài vị của thất Thập nhị hiền ( 72 học trò hiền của Khổng Tử ).
          Trong mỗi gian thờ đều có các hoành phi, câu đối ca ngợi đức Khổng và đạo Nho. Như “ Vạn thế sư biểu” ( Người thầy tiêu biểu của muôn đời). “ Đức tham thiên địa” ( Đức của Khổng Tử bao trùm trời đất)…
Nhưng hiện vật quý nhất còn lại ở Văn miếu đến nay phải kể tới 9 tấm bia đá ghi danh các vị đại khoa của tỉnh ( trong đó từ bia 1 đến bia 8 được Hoàng Cao Khải dựng ngày 21, tháng giêng, năm Mậu Tý, niên hiệu Đồng Khánh thứ ba (1888). Bia thứ 9 do Dương Thiệu Tường dựng năm Bảo Đại thứ 18 (1943) , bia 9 này ghi thêm các vị đại khoa của huyện Yờn Mỹ, Mĩ Hào, Văn Lâm cho đến phía Đông của phủ Ân Thi. Tổng 9 bia lưu danh 161 vị đại khoa ( Hưng Yên có 138, Thái Bình 23) trong tổng số 316 vị đại khoa của toàn tỉnh. Bia Văn miếu lưu danh: 8 Trạng nguyên, 4 Bảng nhãn, 6 Thám hoa. Địa phương có nhiều người đỗ đạt nhất là Văn Giang, 51 người; trong đó Nguyễn Duy Thiện  là người đỗ Phó bảng ở kỳ thi cuối cùng năm 1901. Ân Thi có 41 người, tiêu biểu là Nguyễn Trung Ngạn đỗ Hoàng Giáp năm 1304 khi mới 16 tuổi  là người trẻ tuổi nhất tỉnh đăng khoa. Yên Mỹ có 32 vị, quê hương của Đỗ Thế Diên, vị tiến sỹ khai khoa cho tỉnh nhà vào năm 1185. Tiên Lữ có 24 vị  tiêu biểu là Đào Công Soạn (1426) sứ thần hoà giảng, làm đến chức Thượng Thư Bộ Lễ, Bộ Lại dưới triều Lê.
Một trong những đặc điểm nổi bật của nền học vấn Hưng Yên là sự hình thành các dòng họ, gia đình, làng khoa bảng. Điều đó đã mang lại vẻ vang cho quê hương, đất nước. Trước hết phải kể đến dòng họ Dương ở Lạc Đạo-Văn Lâm có 9 vị, họ Hoàng ở Ân Thi có 5 vị, họ Lê ở Liêu Xá-Yên Mỹ có 6 vị. Đặc biệt 4 làng có từ 10 tiến sỹ trở lên là Hoa Cầu-Văn Giang ( 11 người ), Lạc Đạo (11 người ), Thổ Hoàng ( 10 người ), Lại Ốc ( 10 người).
Trước đây, cứ xuân thu nhị kì, tại Văn miếu thường tổ chức tế lễ Đức Khổng vào ngày 10.2 và 10.8 (âm lịch). Trong ngày lễ đó, nơi đây luôn diễn ra các hoạt động mang đậm tính giáo dục như bình thơ, vịnh thơ, làm câu đối…
Ngày nay, với mong muốn đưa Văn miếu trở thành trung tâm giáo dục truyền thống hiếu học, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, khuyến khích lớp trẻ học tập và rèn luyện về đạo đức . Tỉnh nhà đã giao cho ngành văn hóa lập sổ vàng tại Văn miếu để tiếp tục ghi danh, tôn vinh những người con của quê hương đạt thành tích xuất sắc về học tập và hoạt động khoa học, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước.
 Trong vài năm gần đây, cứ mỗi độ tết đến, xuân về tại Văn miếu lại tổ chức các hoạt động văn hóa như: tế lễ, dâng hương, triển lãm thư pháp, cho chữ đầu xuân, hát ca trù. Những hoạt động này phần nào thổi thêm cho Văn miếu một sức sống mới trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra từng ngày, từng giờ.
Văn miếu Xích Đằng mãi trường tồn như biểu tượng của nền học vấn Hưng Yên. Trong thời gian tới, Văn miếu cũng sẽ trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn, độc đáo với mọi du khách trong và ngoài nước mỗi khi về Hưng Yên. Nhưng trên hết, Văn miếu chính là nơi gắn kết  “nguyên khí quốc gia” của các thế hệ người Hưng Yên xưa và nay lại với nhau. Để Hưng Yên – Phố Hiến mãi xứng danh là mảnh đất đứng sau Kinh kỳ ngàn năm văn hiến.

NGUYÊN PHI Ỷ LAN NGƯỜI PHỤ NỮ TÀI SẮC VẸN TOÀN

Nguyễn Văn Chiến
Nguyên phi Ỷ Lan là người phụ nữ tài ba nhất mà lịch sử Việt Nam còn ghi lại, vì thế cho đến nay có rất nhiều các dị bản chuyện liên quan đến bà. Tương truyền Ỷ Lan có tên là Lê Thị Khiết, hay Lê Thị Yến. Một học giả người Tống là Thẩm Hoạt lại ghi là Lê Thị Yến Loan, Theo tài liệu truyện thơ của Trương Thị Ngọc Trong, thì bà có tên là Lê Khiết Nương.
Nguyên phi Ỷ Lan sinh ngày 7 tháng 3 năm 1044, (19 tháng 2 Giáp Thân, niên hiệu Thiên Cảm Thánh Võ thứ nhất). Một tài liệu khác cho rằng năm sinh của Ỷ Lan không rõ.
Nguyên quán của bà là làng Thổ Lỗi (còn gọi là làng Ghênh), phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc, nay thuộc thôn Ngọc Quỳnh, xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Yến Loan vốn là một thôn nữ, con gái ông Lê Công Thiết và bà Vũ Thị Tình, gia đình làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm. Năm Yến Loan 12 tuổi thì mẹ mất. Hai năm sau Lê Công Thiết lấy một người con gái họ Đồng làm vợ kế. Năm Yến Loan 16 tuổi, cha cũng qua đời, cô được mẹ kế nuôi dạy.
Năm Quý Mão 1063, Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai. Vua và hoàng hậu đi cầu tự nhiều nơi nhưng chưa ứng nghiệm. Một hôm, vua ngự giá đến trang Thổ Lỗi, thấy một cô thôn nữ xinh đẹp tựa bên gốc lan ca hát, cô gái đó là Lê Thị Yến. Lý Thánh Tông lấy làm lạ, cho người gọi lại hỏi, người con gái đối đáp thông minh, cử chỉ đoan trang, dịu dàng. Vua truyền lệnh tuyển cô vào triều, rước về Lan Cung thuộc đất làng Kim Cổ, huyện Thọ Xương của kinh thành Thăng Long và là Ỷ Lan phu nhân, có ý nhớ lại hình ảnh cô gái đứng tựa gốc lan.
Trong cung Ỷ Lan chú tâm vào học hành, không lấy việc tô điểm nhan sắc, để chiếm được tình cảm của vua làm trọng. Bà khổ công học hỏi, miệt mài đọc sách. Chỉ trong một thời gian ngắn, mọi người đều kinh ngạc trước sự hiểu biết uyên thâm về nhiều mặt của bà.
Năm 1066, Ỷ Lan sinh Càn Đức. Càn Đức được phong làm Hoàng thái tử, bà được phong là Thần phi. Khi Ỷ Lan sinh người con trai thứ hai là Minh Nhân Vương, bà được phong là Nguyên phi. Năm 1072, Càn Đức lên nối ngôi, tức là vua Nhân Tông, bà được phong là Linh Nhân Hoàng thái hậu.
Năm 1069, Lý Thánh Tông cùng Lý Thường Kiệt dẫn quân đi đánh giặc phương Nam, trao quyền nhiếp chính cho Ỷ Lan. Không may năm ấy, Đại Việt bị lụt, mùa màng thất bát, nhiều nơi sinh loạn. Nhưng nhờ có kế sách trị nước đúng đắn của bà, loạn lạc bị dẹp, dân đói được cứu sống. Cảm cái ơn ấy, nhân dân đã tôn Ỷ Lan là Quan Âm Nữ, lập đền thờ ở nhiều nơi. Được biết, nhờ tài trị nước của vợ mà dân yên ổn. Lý Thánh Tông đã phấn khởi mà lập nên thắng lợi ở chiến trường.
Năm 1072, Lý Thánh Tông qua đời, Lý Nhân Tông mới 7 tuổi lên ngôi, bà được tôn làm Hoàng thái phi, rồi Hoàng thái hậu. Triều đình rối loạn, Ỷ Lan lại ra coi triều chính lần thứ hai. Bà điều khiển cả quốc gia, cùng tể tướng Lý Thường Kiệt chủ trương đánh quân Tống xâm lược. Hai lần quân Tống đến ( 1075 và 1077) vua Lý Nhân Tông chưa quá 10 tuổi, Ỷ Lan đã bỏ qua hiềm khích cũ, điều Lý Đạo Thành từ Nghệ An về, trao lại chức Thái sư. Bà cùng Lý Đạo Thành lo việc binh lương chuyển ra tiền tuyến và làm nên một chiến thắng trên sông Như Nguyệt ngời sáng trong sử xanh của Đại Việt.
Khi vào triều, Ỷ Lan phu nhân đã tìm cách đưa ca múa dân gian vào theo, nhờ thế mà từ vua quan đến dân chúng đều yêu mến nghệ thuật ca múa dân tộc. Bà cùng vua Lý Nhân Tông cho đắp đê chống lũ lụt, khởi đầu việc đắp đê ngăn lũ ở nước ta. Bà khuyến khích phát triển nông nghiệp, nghề thủ công, cấm giết trâu bò cày, lập chính sách thuế hợp lý, dùng gấm vóc Việt may phẩm phục triều đình. Bà chủ trương phát triển nghề nuôi tằm, dệt vải. Ngay trong kinh thành Thăng Long, Ỷ Lan đã cho dựng các khu nuôi tằm, lập các xưởng dệt. Đặc biệt Nguyên phi Ỷ Lan còn quan tâm tới những phụ nữ bất hạnh, bà đã phóng thích cho nhiều cung nữ về quê lấy chồng. Và có lẽ, khi bà còn sống, Phật giáo phát triển mạnh hơn cả.
Hơn 40 năm gián tiếp hay trực tiếp nắm quyền triều chính Nguyên phi Ỷ Lan đã làm được nhiều việc ích nước, lợi dân khiến đương thời và hậu thế đều kính phục.
Năm 1115, khi 71 tuổi, Hoàng thái hậu Ỷ Lan về hẳn quê nhà ở Ghênh. Triều đình nhà Lý đã cho xây tại Ngọc Kinh một Thủy Lâu đài (lâu đài trên hồ nước) để bà tiếp khách triều đình, nghỉ ngơi và tu tại gia. Sau khi bà mất ngày 25/7 âm lịch, năm Đinh Dậu 1117, bà được hỏa táng, dâng thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng thái hậu, Thủy lâu đài được sửa sang thành đền thờ bà, gọi là đền Ghênh.
Nguyên phi Ỷ Lan là một phụ nữ đức hạnh, tài, sắc vẹn toàn. Bà là người phụ nữ duy nhất trong lịch sử nắm quốc quyền, hai lần nhiếp chính thay vua trị vì đất nước. Ỷ Lan có công xây dựng nhà Lý trở thành một quốc gia cường thịnh. Bà giữ nước, yên dân bằng tấm gương sáng kết hợp cả pháp trị và đức trị. Không những vậy, Linh Nhân Hoàng thái hậu còn là người luôn hướng về cửa Phật, hướng về điều thiện. Nhờ vậy bà còn lưu lại cho hậu thế những bài kinh, trong đó có các câu kệ nhan đề “ Sắc  Không”  và được coi là một trong những tác gia văn học thời Lý - Trần.

NHÌN LẠI PHẠM VĂN THỤ

Nguyễn Văn Chiến

Phó bảng Phạm Văn Thụ tự Đàn Viên, hiệu Đông Bạch Phái, sinh ngày 30/6/1866 (tức ngày 18/5 năm Bính Dần, niên hiệu Tự Đức thứ 19) tại xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho, thuở hàn vi Phạm Văn Thụ được ông bà nội ngoại và bố mẹ hết sức yêu quý, dạy bảo. Ông bà nội thường hay kể chuyện cổ tích, chuyện lịch sử của làng xã, và thân thế sự nghiệp của tổ tiên cho cháu nghe. Thân phụ Phạm Văn Thụ là cụ Phạm Xuân Đồng, từng thi trúng nhị trường, dân trong vùng khi đó phong ông là một trong bốn “Đường Hào tứ kiệt” (gồm 4 vị: Ngâm, Nhân, Đồng, Trạch). Thời đó, đất nước nhiều biến loạn; thân phụ và thân mẫu của Phạm Văn Thụ luôn chung lưng gìn giữ nghiệp nhà. Hai cụ thường khuyên con cháu: “Dù nếm mật nằm gai cũng phải chăm học, kỳ cho trả được cái thù đèn sách”.
Phạm Văn Thụ nhờ sự giúp đỡ và dạy bảo của gia đình, nên ông chỉ tự học ở nhà. Năm 14 tuổi Phạm Văn Thụ đã tỏ ra thông minh hơn người, tính lại rất cần kiệm, chỉ học toàn sách cũ của anh, viết toàn mực than giấy lộn, không muốn tiêu phí đến cha mẹ. Khi đã lớn, ông theo các anh đi học, thầy giáo cũng là cậu ruột. Phạm Văn Thụ thường làm câu đối rất hay, có lần thầy giáo nói với thân phụ ông: “Không ngờ thằng bé này tài lạ, chắc sẽ hơn chúng mình”.
Năm 20 tuổi Phạm Văn Thụ đỗ tú tài khoa Bính Tuất, niên hiệu Đồng Khánh nguyên niên (1886). Năm Thành Thái thứ 3 (1891) trong đợt thi Hương tại trường thi Nam Định, ông đỗ Cử nhân. Năm sau (1892) ở kỳ thi Hội tại kinh thành Huế, ông đậu Phó bảng cùng khoa với Nguyễn Thượng Hiền và được hậu bổ làm tri huyện Thư Trì.
Năm 1894, Phạm Văn Thụ được đổi sang làm tri huyện Thần Khê - Thái Bình. Ngay từ ngày đầu ra làm quan, ông đã nghĩ làm những việc có ích cho dân “Phàm những việc lợi cho dân Thái Bình, hết thảy ta được dự phần tài quyết”. Khi giải quyết việc, bao giờ ông cũng hỏi ý kiến thân, hào, quốc, lão; ví dụ như việc sát nhập ở Thái Bình, việc đắp đê chống lụt. Ngoài ra, ông còn lập toà Hội đồng để xét thưởng phạt, người có công thì được trọng thưởng, người có tội thì bị phạt. Việc làm của ông rất được sự đồng tình của nhân dân.
Trong ba năm làm tri huyện Thần Khê, Phạm Văn Thụ đã cho đắp lại đê trong khu vực của tỉnh, đào sông mới … đoạn đê nào cong thì đắp thẳng, đoạn sông nào bị bồi thì khai sâu … khiến nhiều ruộng làm được hai vụ. Ông còn cho đắp đường mới, một đường từ trung tâm tỉnh qua Tân Đệ thông sang Nam Định, một đường từ Phụ Dục thông sang Ninh Giang … huyện nọ sang huyện kia, tổng này sang tổng khác, công việc nhiều nhưng dân không oán.
Năm 1895, Phạm Văn Thụ được cử làm tri huyện Duyên Hà. Thời kỳ này ông đã tìm hiểu và biết được tình hình ở đây còn nhiều hủ tục, nhiều kẻ hay xu nịnh nên ông tìm cách bài trừ. Ông đã xem xét đơn oan, cứu được nhiều dân lương thiện. Những kẻ thiếu tôn trọng, thiếu lễ phép đều bị ông xử phạt. Năm sau, ông được đổi sang làm tri huyện Phụ Dục. Thời kỳ ông làm quan ở đây, nhân dân được hưởng cảnh ấm no, tệ nạn, tội ác đều bị ngăn chặn.
Đến năm 1897, ông sang làm tri phủ Kiến Xương. Tại đây, Phạm Văn Thụ đã nắm tình hình dân chúng, quan lại. Ông giải quyết được nhiều việc đúng đắn, dân phủ rất mến phục. Cách tìm hiểu thực tế về dân chúng của ông rất hay, đó là không lộ cho dân biết mình là quan phủ mới, gặp tầng lớp nào thì hỏi việc của tầng lớp ấy, nắm được tình hình rồi, ông mới giải quyết việc. Các khoản tiền lệ phí, sung công, ông đều đưa vào công quỹ để lo việc sửa cống, đắp đường, xây lớp học cho dân. Ông từng nói “ Ta cốt nhờ được duyên may mà thi thố các việc lợi ích cho dân, không hề hiệp sủng doanh tư”.
Về trị an, ông luôn quan tâm đến sông nước, đê điều, cầu, cống. Ở phủ, huyện nào ông cũng nắm vững bản đồ địa hình của nơi đó. Ngoài ra, mỗi tháng ông lại mở một kỳ thi văn và bình văn cùng các thân sỹ.
Ở phủ Kiến Xương được hai năm từ 1897- 1899, Phạm Văn Thụ nhận thấy huyện Tiên Hưng là nơi nghèo nhất tỉnh Thái Bình. Ông đã xin về huyện này. Trong năm năm, ông đã giúp dân Tiên Hưng xây được bốn mươi cống ở hai bên sông Sa Nông. Ông cũng nhiều lần tranh biện với sở Công chính Hà Nội về việc xây cống Thọ Vực, cống Cổ Khúc. Ông còn viết giấy điều trần, phân tích việc không có lợi, không nên đào sông Tân Đệ cho thông dài đến Cống Đậu lên quan trên và phân tích cái được thì quá ít, cái hại thì quá nhiều, vừa tiêu phí, vừa kết oán với dân.
Trong thời gian này, Phạm Văn Thụ đã viết “Thái Bình tỉnh thông chí” gồm mười chương.  Ngoài sách thánh hiền, Phạm Văn Thụ còn đọc sách thuốc, ông rất tâm đắc với bộ “Hải thượng Y tông tâm lĩnh” của Lê Hữu Trác. Đặc biệt ông quan tâm nhiều tới việc khuyến học, quan tâm đến việc mở mang sự học cho nhân dân. Ông đôn đốc mở trường dạy chữ Nho, trường Pháp Việt. Ngoài ra, ông còn khuyến khích dân trồng nhãn hai bên đường, dạy dân khi vào mùa gặt thì thu gom rơm tốt để nuôi trâu bò. Phạm Văn Thụ từng nói về bổn phận làm quan của mình: "Nghề làm quan không phải để làm giàu. Ăn của dân cốt làm việc cho dân, trước là trị an, thứ đến là khuyến học, khuyến nông, muốn hưng lợi, trước tiên phải trừ tệ nạn. Dân vui là ta hết khó nhọc".
Trong những lần đi hộ đê, Phạm Văn Thụ đã làm nhiều thơ ghi lại cảnh đê vỡ để bày tỏ mối thông cảm với nhân dân, ví như bài thơ “Vỡ đê Mễ”. Thời gian khoảng những năm 1898 ông đã gặp và giúp đỡ những người hoạt động cách mạng. Bà Nguyễn Thị Thanh- chị ruột Bác Hồ kể lại: “Khi làm quan tri phủ Tiên Hưng, quan Phạm Văn Thụ đã bí mật ủng hộ quỹ “Đông Du”; lần thứ hai ông ủng hộ quỹ “Việt Nam Quang Phục hội”. Lần thứ hai này, bà Thanh đã gặp Phạm Văn Thụ tại dinh Tổng đốc Nam Định.
Năm 1904, Phạm Văn Thụ được thăng lên làm Án sát tỉnh Thái Bình. Trong bốn năm giữ chức Án sát, ông có dịp gặp nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử, những nhà cải cách dân chủ, ông rất tâm đắc với việc phải bỏ hủ tục, đổi mới sinh hoạt trong xã hội. Vì thế, Phạm Văn Thụ đã đi vào trước tác nhiều hơn, ông biên soạn cuốn “Tân Niên Thuyết” in năm 1908, viết về cách nuôi bèo hoa dâu, dùng bèo đó làm phân bón cho cây trồng. Thời gian này, ông cũng gặp gỡ nhà cách mạng dân chủ Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Đinh Chương Dương… cũng dịp này Phạm Văn Thụ đã có công cứu được nhiều người dân phản đối nhà cầm quyền trong phong trào đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu.
 Cuối năm 1908, bên phủ Thống Sứ  có giấy triệu tập mời ông lên nhận chức mới ở phủ Liêm Sứ. Thời gian này, ông đã đọc và viết các bài từ, bài bình luận cho nhiều cuốn sách mà hiện vẫn còn lưu giữ tại Viện Hán- Nôm. Gồm các cuốn:
-         Trung học Việt sử toát yếu.
-         Việt sử kính.
-         Quốc triều luật học giản yếu.
-         Nữ huấn truyện.
-         Đại Việt tam tự sự.
-         Hương Sơn hành trình tạp vịnh.
Đến năm 1910 ông được bổ làm Tuần phủ Phúc Yên. Phạm Văn Thụ đã vận động các quan lại khác ủng hộ ông, cải tiến cách ăn mặc, họp hành chào tết nên vận áo chẽn xanh, bỏ lối mặc lụng thụng, cầu kỳ đi. Vừa nhậm chức chưa được bao lâu thì xảy ra vỡ đê An Hội. Lần này, ông đã xuất tiền nhà ứng trước để mộ phu từ Thái Bình. Vì đã quen việc giữ đê nên ông làm ngay trước mặt quan trên, mọi người đều khâm phục khi thấy đê được giữ chắc chắn … Ông còn trình bày theo địa đồ, chỗ nào không nên ngăn nước, chỗ nào có thể làm được. Nhân dịp này Phạm Văn Thụ đã xin xá thuế cho tỉnh Phúc Yên. Việc làm của Phạm Văn Thụ khi đó được đánh giá cao, nhiều lần được đề nghị tặng thưởng, nhưng ông từ chối, ông nói: “Đó chỉ là làm đủ bổn phận thôi, không đáng lấy thưởng”.
Năm 1913, ở Thái Bình xảy ra ném tạc đạn, quan tuần phủ ở đó bị chết, cấp trên chuyển ông về Thái Bình thay thế và lo giải quyết hậu quả. Lần vỡ đê Phú Chử, ông đã huy động trong một ngày đủ mười vạn dân phu. Tất cả các quan về hưu, ông cử, ông tú, hào mục đều phải đi đôn đốc, các quan phân đoạn cùng làm. Ông xin thuyền, gạo phát chẩn cứu từng làng, lại xin cấp các khoản tiền cho dân, giảm kỳ thuế, tăng cường an ninh, tránh cướp bóc. Ông lại vận động những người giàu làm từ thiện. Số tiền sau này được đưa vào công quỹ xây trường học, tu bổ miếu tỉnh Thái Bình.
Năm 1920, tỉnh Thái Bình đã yên ổn, ông được đổi sang làm Tổng đốc Bắc Ninh. Tám tháng sau, ông lại được chuyển về làm Tổng đốc Nam Định.
Cuối năm 1922, Phạm Văn Thụ đệ đơn xin về hưu trước thời hạn nhưng không được chấp nhận. Sau đó, ông được điều vào kinh làm việc, ông đã thảo sớ xin từ chối nhưng rồi triều đình bác bỏ.
Đầu năm 1923, ông cùng “nội tướng” vào kinh bệ kiến vua Khải Định mong đựơc về hưu nhưng bị vua từ chối. Sau vài tháng ông lại xin về hưu nhưng vẫn không được chấp thuận.
Đến thời vua Bảo Đại, ông được thăng làm Thái tử Thiếu Bảo sắc phong Bộ trưởng Hội đồng quan kiểm quản. Thời kỳ ở Huế, Phạm Văn Thụ đã tập hợp được hơn bốn mươi người quê hương xứ Bắc tổ chức ra hội Châu Phả, quyên tiền mua đất bên núi Ngự Bình để xây chùa Tập Thiện.
Phạm Văn Thụ nhiều lần kết liên lạc với các nhà Cách mạng chân chính, luôn giúp đỡ, che chở các vị này. Với các quan cai trị Pháp, ông rất cương trực, những vấn đề cần quyết liệt thì tỏ ra quyết liệt. Qua việc ông kiên quyết giữ lại Văn Miếu Quốc Tử Giám càng thấy những việc ông làm không chỉ lợi cho một địa phương mà còn ảnh hưởng đến toàn kỳ khi đó. Ông thực sự là vị quan lo cho dân, cho nước: “Dẫu triều Nguyễn dời đô vào Phú Xuân cũng không huỷ được Văn Miếu, phải để nguyên làm cổ tích cho nước Nam”. Cuối cùng chính quyền Pháp phải hủy bỏ việc lấy Văn Miếu Quốc Tử Giám làm nhà thương. Mặc dù chúng đã quyết bỏ ra hai vạn lạng bạc cho tỉnh Hà Đông xây dựng Văn Miếu mới. Việc này đã được ghi lại trong bài “Sự kiện dịch hạch ở Hà Nội và số phận Văn Miếu”. Sau việc này, Phạm Văn Thụ được thăng chức “Nam tước - Thượng thư cơ mật viện đại thần”, hàm vị “Thái tử thiếu bảo- Đông Các đại học sỹ”.
Trong đạo sắc mà triều đình triệu ông vào kinh có ghi “Khoa giáp trứ danh, thanh liêm tố tính, thông đạt thời vụ, kiến dựng cương thường, làm quan Bắc kỳ ba mươi năm sỹ dân kính phục”.
Phạm Văn Thu mất ngày 12/6 năm Canh Ngọ (tức ngày 7/7/1930) tại quê nhà xã Bạch Sam- huyện Mỹ Hào- tỉnh Hưng Yên. Và được dựng lăng tại đó.